“Tổ xóa nghèo” ở Nam Đông

"Ông xóa nghèo” là cái tên thân thiết mà đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên- Huế gọi những già làng có uy tín trong vùng giúp dân học cách xóa nghèo. Bằng kinh nghiệm, uy tín và trách nhiệm trước cộng đồng, những thành viên trong "tổ xóa nghèo” đã và đang đánh thức tiềm năng của vùng đất khó Nam Đông.

"Ông xóa nghèo” là cái tên thân thiết mà đồng bào dân tộc Cơ Tu ở huyện miền núi Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên- Huế gọi những già làng có uy tín trong vùng giúp dân học cách xóa nghèo. Bằng kinh nghiệm, uy tín và trách nhiệm trước cộng đồng, những thành viên trong "tổ xóa nghèo” đã và đang đánh thức tiềm năng của vùng đất khó Nam Đông.

Nhờ cây cao su cuộc sống gia đình

ông Trần Văn Đinh đã có nhiều thay đổi

Nam Đông giờ đây đã chuyển mình mạnh mẽ, hai bên đường bạt ngàn những rừng cao su, keo, chàm. Kinh tế rừng đã đánh thức tiềm năng của vùng. Ông Trần Văn Hát – Chủ tịch MTTQ huyện tâm sự với chúng tôi: Những năm trước, đồng bào dân tộc Cơ Tu trong huyện Nam Đông vẫn sống trong cảnh khó khăn, luôn phải trông chờ vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Người Cơ Tu cũng biết chăn nuôi con lợn, con gà nhưng vẫn là theo kiểu "thả rông” vài ba năm mới xuất chuồng, mà thu nhập cũng chẳng đáng là bao. Việc trồng lúa, trồng sắn, khoai chỉ biết cắm cây xuống đất, không chăm bón - Tất cả phụ thuộc vào ông trời. Cùng với những hủ tục "trói buộc” khiến cuộc sống của người Cơ Tu càng thêm khốn khó. Trước thực trạng đó lãnh đạo huyện Nam Đông đã thống nhất mời những người đã nghỉ hưu, những già làng có uy tín đã từng giữ các chức vụ quan trọng, cán bộ chủ chốt của huyện tham gia vào tổ vận động nhằm tuyên truyền bà con ở các xã định canh, định cư thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo.

Kể chuyện với chúng tôi về những ngày đầu vận động bà con, nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Đông Hồ Tứi - người sáng lập "tổ xóa nghèo” cho biết: " Để người dân mình hiểu, trước hết phải hiểu được nhu cầu thực của người dân thì mới giúp ích được cho dân. Việc vận động bà con từ bỏ thói quen tập quán lao động, sinh hoạt từ bao đời không phảo là công việc một sớm một chiều. Để các biện pháp xóa đói giảm nghèo phát huy tác dụng đôi khi phải là cầm tay chỉ việc, phải làm theo kiểu "mưa dầm thấm lâu”.

Ông Tứi hồi tưởng lại những ngày đầu khi vận động bà con ở xã Thượng Nhật: Khi đó, người Cơ Tu ở Thượng Nhật có đất vườn nhưng cách canh tác còn manh mún, cây trồng không mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông vận động bà con chặt phá những cây không có giá trị để cải tạo vườn tạp, tập trung trồng những cây có giá trị kinh tế cao như cao su, chuối... Ban đầu, nhiều người tiếc của không muốn phá bỏ. Ông họp thôn, họp làng rồi tự mình đến từng gia đình để phổ biến chủ trương của Đảng, Nhà nước. Để dân hiểu phải đi vào dân, ngày ngày ông Tứi và các thành viên trong tổ đi từ làng này sang bản khác. Khi thì ông xuống đồng kiểm tra cách bà con làm đồng ruộng, lúc hướng dẫn kỹ thuật trong rừng, cách trồng cao su, trồng keo... Từ một vài hộ sản xuất, chăn nuôi hiệu quả đã có sức lan tỏa mạnh mẽ để các xã khác cùng làm theo.

Bây giờ, tại các xã ở huyện Nam Đông có đến 95% đồng bào biết chăn nuôi, trồng trọt. Các vườn nhà, vườn đồi của đồng bào Cơ Tu đã đem lại hiệu quả kinh tế với mức thu nhập bình quân vài chục triệu đồng/vườn/năm. Ruộng lúa cũng đã có năng suất cao khi sản lượng nâng từ 30 đến 35 tạ/ha nay lên 50 đến 55 tạ/ha. Đặc biệt ở các xã đồng bào dân tộc, phần lớn bà con đã biết trồng rừng kinh tế, rừng cao su đang mang lại hiệu quả cao.

Gia đình ông Trần Văn Đin ở xã Thượng Nhật trước kia thuộc diện nghèo nhất, nhì xã, nhưng giờ đây nhờ cây cao su mà cuộc sống gia đình ông đã có nhiều thay đổi. Ông Đin chia sẻ, khi mới bắt đầu vào trồng cây cao su, nghe bảo phải chờ tới 5 năm sau mới được thu hoạch người dân ai cũng nản. Nhưng với sự vận động, gương mẫu làm trước của các già làng, trưởng thôn trong "tổ xóa nghèo” người dân chúng tôi cũng làm theo. Giờ 2 ha cao su của gia đình đã cho thu hoạch mủ, nếu giá cả thuận lợi mỗi ha cao su cũng đem lại cho gia đình ông 1 triệu đồng/ngày. Nhờ nguồn thu nhập đó ông đã xây cất được nhà cửa khang trang, sắm sửa được nhiều tiện nghi đắt tiền. Các con ông không những học hết phổ thông mà còn được bố mẹ cho học nghề và đã có công ăn việc làm ổn định. "Đồng bào Cơ Tu biết ơn các ông xóa nghèo nhiều lắm”, ông Đin chia sẻ.

Những rừng cao su giờ đây đang bát ngát phủ xanh đất trống đồi trọc ở Nam Đông. Cây cao su đến đâu mang đến no ấm cho bà con đồng bào Cơ Tu đến đó. Xã Thượng Nhật có tới 60% số hộ gia đình trồng cao su, xã Hương Phú hiện có 320 hộ trồng 808 ha, trong đó có khoảng 250 ha cao su đang vào thời kỳ thu hoạch, mỗi năm thu 150 - 200 tấn mủ tươi, tổng thu nhập khoảng 450 - 600 triệu đồng. Những hộ trồng cao su lâu năm cũng có vài ba ha cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm không còn là chuyện hiếm nữa.

Bước đi trên những đồi cao su bạt ngàn đang hứa hẹn một mùa thu hoạch bội thu chúng tôi càng cảm phục những "ông xóa nghèo” ở Nam Đông. Bằng tình yêu quê hương và trách nhiệm trước cộng đồng họ đã không ngại gian khó "cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với đồng bào, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người Cơ Tu trên mảnh đất gian khó Nam Đông.

Trung Hiếu

Gửi cho bạn bè

Bản in

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/index.aspx?chitiet=49086&menu=1371&style=1