Tô Hoài - những ngày làm báo Cứu Quốc

Có lẽ nói về những ngày làm báo Cứu Quốc của nhà văn Tô Hoài không gì sống động hơn chính những gì ông viết trong tự truyện “7/1947”. Trong tác phẩm được viết vào khoảng năm 1973 dưới dạng tự truyện, nhà văn Tô Hoài đã làm sống lại không khí tòa soạn những ngày Việt Bắc đầy gian khổ, với tên tuổi nhiều phóng viên Cứu Quốc được nhắc đến như: Chủ nhiệm báo Xuân Thủy, nhà văn Nam Cao, họa sĩ Trần Đình Thọ, nhà báo Nguyễn Tiêu (sau này nguyên là Tổng biên tập báo Cứu Quốc – Đại Đoàn kết)…

Nhà văn Tô Hoài thời kỳ làm báo Cứu Quốc. Từ trái qua phải:
Tô Hoài, Xuân Thủy, Nguyễn Huy Tưởng, Nam Cao.

“Nhớ lại năm làm báo Cứu Quốc Việt Bắc bao giờ tôi cũng nhớ mùa hoa mơ và những ngày áp Tết. Hoa mơ nở trắng các bản trắng đầy trong cánh đồng và đầu suối. Bạt ngàn, trắng ngần, trắng ngần rừng mơ chân núi Phia Bioóc.

Mùa đông đầu tiên tôi ở rừng, rét cóng cá. Cả ngày mờ mịt trong sương mù và ánh lửa sưởi. Khi trời lóe nắng lại chỉ thấy hoa mơ trắng cửa rừng càng rét thêm.

Chúng tôi ở cách Phủ Thông đồn Pháp chẳng bao xa.

Ngày ngày tiếp xúc với cả nước và thế giới bằng cái đài cọc cạch của Nguyễn Tiêu và những bản tin mỗi tuần một lần giao thông đi mấy ngày lên Bản Váng trên hồ Ba Bể mới lấy về được. Nha Thông tin và đài phát thanh Tiếng nói Việt Nam ở trên ấy.

Công việc hàng ngày của tôi: viết tin, bài và xuống nhà in ở rừng bên cạnh. Suốt tháng, ăn thịt gà đến phát sợ.

Không có rau. Trong các làng, chưa mấy nhà biết làm vườn.

Thỉnh thoảng, có việc được ra “Thủ đô” thị xã Bắc Cạn, về kể lại những chuyện phở vịt, bánh khảo nhân đỗ đen, chuyện đi diễu quanh mấy phố tỉnh đường ngược, gặp mặt toàn người quen ở Hà Nội, rồi lại vào chơi với đội kèn ông "quản" Liên.

Sớm hôm ấy, sương mù mịt trên Đèo Giàng. Tiếng máy bay ầm ầm phía Bắc Cạn.

Đến trưa, được tin địch nhảy dù thị xã.

Chúng tôi ngơ ngác. Hôm trước, Xuân Thủy, chủ nhiệm báo ra thị xã. Cả mấy người cùng đi, không biết thế nào. Địch nhảy dù xuống đấy.

Mọi việc đã được lo trước. Khi còn ở gần Phủ Thông đã đi tìm nơi đóng cơ quan dự bị khác. Báo Cứu Quốc ra đời từ thời kỳ còn bí mật, trong những ngày cực kỳ gian khổ mà "cơ quan ấn" chỉ là một người ngồi lăn li-tô trong buồng nhà kín đáo.

Người ấy phải đái vào ống, đêm mới đem ra ngoài đổ. Chúng tôi đã nghe Lê Viên kể lại khi cơ quan "ấn" của báo ở núi chùa Thày, bị mật thám Pháp ập đến, các anh đã cất giấu những cuộn giấy, những lô mực, những con chữ và hòn đá - chiếc máy cái của nhà in. Công việc trong bí mật của tờ báo lớn nhất nước ta ngày nay (từ 1947, báo Cứu Quốc ra hàng ngày khắp các chiến khu, gồm có: Cứu Quốc trung ương. Cứu Quốc khu 11 (Hà Nội). Cứu Quốc khu 3, Cứu Quốc khu 10, Cứu Quốc khu 12, Cứu Quốc Việt Bắc, Cứu Quốc khu 4. Cứu Quốc khu 5, Cứu Quốc Nam Bộ), có chi nhánh toàn quốc, lúc bắt đầu là như thế.

Tôi hiểu tôi đương làm báo cách mạng khác làm văn làm báo xưa kia.

Sáng sớm, hôm ấy lại một đoàn sắp hàng ba, mười hai chiếc đakôta bay trắng phau, qua trên Đèo Giàng. Màu trắng và tiếng máy rú thật rùng rợn. Máy bay đi nhảy dù Cao Bằng.

Cơ quan dự bị của chúng tôi chạy sâu vào giữa châu Chợ Rã.

Làng Khuổi Khún chỉ có ba nhà dân tộc Tày. Chúng tôi trú tạm. Nhà chữ, tòa soạn, kho giấy và mực chuyển lên, dồn vào rừng gần xóm. Cuộc di chuyển đột ngột ấy cũng là chuyến cuối cùng của cái ô tô Sơvrôlê của tòa báo đã đem được từ phố Hàng Trống đi. Không phải bị máy bay bắn, mà ô tô phải chết xó chỉ vì không còn đường đi. Những đoạn đường đá lên Chợ Rã cũng phá hố ngang hố dọc hết. Cái xe được đánh vào bụi cây trong rừng. Ít lâu sau, định vào tháo lấy phụ tùng, nhưng tìm không thấy cái ô tô màu cánh quít nữa. Đập một đống mối thấy lòi ra mảnh sắt gỉ. Mối đã ăn hết cả cái ô tô.

Lên tới Khuổi Khún vừa chập tối, Xuân Thủy đã về được.

Mấy hôm chạy luồn rừng, chỉ còn trông cái cười mà nhận ra mặt Xuân Thủy. Em Cầu hôm sau mới về đến. Cầu còn gầy gò hơn. Cầu đã bị lính dù bắt giữa thị xã. Lính dù đem Cầu ra bến Cầu Phà để bắn cùng đám người chúng lôi từ trong phố ra. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố, hội trưởng hội Truyền bá Quốc ngữ ngày trước, cũng bị bắn chết chuyến ấy. Nhưng Cầu thấp bé chạy thoát được. Cầu chạy ngược về Chợ Đồn.

Đằng ấy cũng có Tây xuống dù. Cầu lại đâm vào rừng. Rồi làm thế nào cũng lần được về Khuổi Khún. Cầu ốm nằm liệt.

Chúng tôi ai cũng sốt rét. Cứ tự dưng tìm chăn, đắp chùm đầu. Thế là biết hiệu cơn sốt đến, lại thường sốt rét ác tính đái ra máu. Có anh ở nhà chữ, mới đến châu Tự Do đã chết.

Nhưng cũng không ai kịp ở yên. Tiếng súng, tiếng ô tô đêm ngày réo trên Đèo Giàng trước mắt. Bộ binh Pháp đương đánh xuyên Bắc Cạn lên tới Cao Bằng. Bọn Tàu Tưởng cho quân Pháp mượn đường. Pháp ở Lạng Sơn mượn đường ô tô chở quân vòng sang Tàu rồi bất chợt ập vào thị xã. Mất Cao Bằng và Bắc Cạn, chúng tôi bị chẹt vào giữa.

Cũng không thể trở về Phủ Thông khuân đồ đạc được. Pháp chiếm Phủ Thông, sục vào các cánh rừng xung quanh. Cái bệ máy "công tự" to nhất chưa kịp chạy. Máy này chạy bằng máy phát điện, từ Hà Nội đi, đầu tiên lên đến Trung Giáp, Hạ Giáp ở Phù Ninh bên sông Lô. Rồi ngược thuyền lên Bình Ca. Rồi trâu kéo vào Sơn Dương, trâu kéo qua Thái Nguyên lên Bắc Cạn - hai con trâu ròng rã kéo lết bộ máy mấy tháng, trượt vai, mòn cụt cả móng. Thay mấy đôi trâu.

Bây giờ địch đặt mìn phá vỡ. Mất máy cái, từ nay chỉ còn máy "mi néc" đạp chân, quay tay.

Nhưng chưa phải chỉ gay go thế. Đương dựng lán trong cửa rừng ở tạm, một toán quân Pháp lên châu Chợ Rã, qua ngay ngoài đầu đường.
Không thể vá víu được nữa, cơ quan báo lúc ấy chỉ có một số ít người ở lại làm Cứu Quốc Hà Nội phát hành ở mặt trận còn tất cả lên đây. Có đến ngoài trăm người. Nhà in biên tập, giao thông cùng với máy, kho giấy, kho gạo, kho muối, cồng kềnh, bề bộn.

Vượt rừng sang làng Bản Hậu - một xóm Tày ở tựa chân núi Phia Bioóc. Nhưng đấy cũng chỉ cách đường bộ hai kilômét. Suốt đêm, moọcchiê câu vào núi. Tiếng ình oàng dội ra. Không biết nó bị ta đánh chặn hay đương tiến vào phía nào. Các làng ven đường, Khuổi Khún, Thạch Ngòa và những Bản Pục, Phiêng Phường, nhà bị đốt, khói bốc lên, đến tận tối còn đỏ ngòn.

Mọi nhà đã lánh vào ở rừng. Cảnh chạy giặc không phải là cái gì bối rối với người ở đây. Hôm Tây nhảy dù Bắc Cạn lên tới Phủ Thông, chúng tôi lúng túng ở Khuổi Khún, Quốc Lâm, cán bộ châu tạt về qua nhà, cả ngày quét sàn, trang thóc, uống rượu: "Phá đường rồi, lập trạm gác rồi, không lo. Thằng Tây không làm gì được. Thằng Tây phải chết thôi”. Rồi đi ngủ. Sáng hôm sau, khi tan sương, có nắng, Quốc Lâm lại ngả cái cót, đổ thóc ra, lại trang thóc cồn cột như hôm qua.

Nghe kể chuyện, mới biết ở Khuổi Khún, năm trước, du kích đã đánh một toán hơn trăm lính Nhật từ Chợ Rã kéo xuống.

Có lẽ vì thế mà không ai biết sốt ruột. Tôi đã viết truyện ngắn Đồng chí Hùng Vương tả lại quang cảnh ấy.

...

Mỗi chặp tối, lại đi tìm một chỗ phẳng trên sườn núi để ngủ tạm. Nhưng cũng chẳng đêm nào yên một chỗ. Đêm ngoài trời trên núi, không dám nhóm lửa. Chúng tôi trùm chăn, trùm cả rơm rạ lên đầu ngủ ngồi vạ vật ở sườn núi đá.

Cái màn quấn bù xù quanh cổ. Mưa "nay" như sương mù rơi, đóng từng mảng nước cứng nho nhỏ trên đầu cuộng rạ. Nam Cao đã được chi bộ kết nạp vào Đảng ở núi Phia Bioóc trong những ngày ấy.

Đêm nào cũng vất vả thế, không được. Phải tìm nơi chắc chắn hơn. Xuân Thủy và tôi với Toàn, chủ nhiệm Việt Minh xã, chúng tôi lên các làng Dao rải rác đỉnh núi. Sườn đá dốc dựng đứng. Cỏ tranh cứa xước chảy máu cổ chân và ngón tay.

Trèo một quãng, thở ra cả hai tai. Trời dần tan sương. Trông xuống Phiêng Phường ngoài đường thấy ô tô Pháp đậu thành từng cụm, chốc lại rời ra, bò lên bò xuống như những con bọ hung. Nom rõ trên xe, có bọn Tây cởi trần, mình đỏ hắt.

Sau lưng chúng tôi rừng đại ngàn. Triền Phia Bioóc che chở cho chúng tôi. Núi Phia Boóc - tên của khu giải phóng đặt từ lúc bí mật là núi Cứu Quốc, cao chất ngất chạy dài từ chân ngọn Phia U-ắc trên châu Nguyên Bình xuống, sườn châu Chợ Rã bên kia ghe khắp châu Chợ Đồn, chập trùng đến đầu tỉnh lỵ Bắc Cạn thấp xuống tỏa ra những cánh rừng lúp xúp. Người Tày ở dọc thung lũng hai bên chân núi. Trên đỉnh, các làng Dao mù mịt trong sương. Có thể lên Cao Bằng, xuống Thái Nguyên chỉ truyền qua các xóm chóp núi thưa thớt này.

Tôi có những cảm giác háo hức. Chỉ vài ngày lên đây, những “noọng” Liễu, những “nhình" Pin cứ dần dần thấy là những người đẹp.
...
Các dân tộc trên núi giác ngộ từ lâu. Trong bóng rừng âm u, những làng Dao, làng Tày đã là những làng "Việt Minh hoàn toàn" từ nhiều năm trước. Cuộc sống còm cõi của tôi ở thành phố bấy lâu, đến đây đã mờ xa.

Chúng tôi lên Cốc Phường, qua Vàng Kheo, sang Píc Cáy, ngọn núi cao nhất.

Đến một xóm Dao ở Khui Váng, một cái khe cạn sâu trong rừng vầu tối ẩm ướt. Chủ nhà đem dao ra rừng lấy về một giỏ nấm hương. Những cái nấm còn ướt sương, nhoáng màu nhung nâu. Nấm xào suông với muối ăn thơm như mùi thịt nướng. Tôi biết thêm sự tích núi Phia Boóc - Phia Boóc là Núi Hoa, núi hoa thơ mộng. Bởi vì trên núi có dòng suối, ban đêm nước chảy lóng lánh cát vàng cát bạc sáng như rắc hoa.

Tôi ngồi giữa yên tĩnh rừng núi Phia Boóc và những làng Dao. Tưởng như bọn Tây đang đốt phá dưới chân núi kia là cái bóng chập chờn ngoài cuộc đời này.

Trở về, Xuân Thủy làm một bài thơ dài, Đường lên Píc Cáy âm u. Bài thơ in trên báo Cứu Quốc Việt Bắc ký tên là Trần Liên. Cũng là một bí danh Xuân Thủy dùng để liên lạc với chúng tôi từ đấy về sau, khi báo Cứu Quốc Trung ương đã về dưới Bắc Giang.”

(còn nữa)

C.Thúy (giới thiệu và lược trích)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tinh-hoa-viet/to-hoai---nhung-ngay-lam-bao-cuu-quoc/116725