Tố đạo nhạc phim: Chuyện không hồi kết

Ngày 18.6, nhạc sĩ Ngô Tùng Văn cho biết, cho đến bây giờ anh vẫn chưa nhận được một đồng tác quyền nào từ nhạc phim “Vết xước”, dù bộ phim đã thực hiện và phát hành cách đây gần 3 năm. Hơn thế nữa, khi sử dụng bài hát “Trăm năm hát khúc cau trầu”của anh, nhà sản xuất phim cũng không ghi rõ tên tác giả.

Đạo diễn Mai Thế Hiệp bị tố “quên” tên nhạc sĩ đồng tác giả. Ảnh: T.L

Chuyện như “cơm bữa”

Theo nhạc sĩ Ngô Tùng Văn, rất có thể một vài tác giả cũng bị “mượn” ca khúc trong phim tương tự như anh. Không hiểu họ có được thanh toán tác quyền hay chưa, còn anh thì dù đã lên tiếng trên facebook, đến nay chưa có ai liên hệ về tác quyền bài hát. Rất có thể, anh phải nhờ đến Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả trong âm nhạc để đòi lại công bằng, trả lại đúng tên tác giả cho ca khúc.

Được biết, phim “Vết xước” do bà Lý Thị Mỹ Vân làm giám đốc sản xuất, đạo diễn Vương Quang Hùng thực hiện. Đây là phim ca nhạc truyền hình dài 60 tập, đã phát sóng từ tháng 3.2012 trên kênh HTV7 với sự góp mặt của dàn diễn viên Chí Tài, Văn Hiệp, Đức Nhã, Hồng Kim Hạnh, Lân Nhã…

Mới đây, đạo diễn “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” bị tố ăn cắp chất xám, cụ thể là “quên” đề tên người đồng sáng tác ca khúc. Người lên tiếng tố cáo là đạo diễn Nguyễn Trần Linh Lan - được cho là đồng tác giả ca khúc này. Trên trang cá nhân của mình, đạo diễn - nhạc sĩ Linh Lan chia sẻ bằng chứng và nêu lý lẽ, tố đạo diễn phim “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” vi phạm tác quyền ca khúc của cô.

Theo đạo diễn, dù là đồng tác giả của ca khúc nhạc phim “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” và “chỉnh sửa bài hát không hề ít” nhưng tên của Linh Lan bị gạt ra khỏi ca khúc, chỉ mình đạo diễn Mai Thế Hiệp đứng tên ca khúc này.

“Sự việc bắt đầu khi tôi và đạo diễn Mai Thế Hiệp tìm gặp nhạc sĩ Phạm Toàn Thắng để đặt viết nhạc phim. Nhưng do kinh phí làm phim thấp, không đủ chi trả phần âm nhạc này cho nhạc sĩ nên anh Hiệp quyết định tự sáng tác rồi nhờ tôi sửa lại. Lúc đó, tôi vẫn đang là nhân viên công ty với vai trò trợ lý sản xuất. Sau khi sáng tác xong, anh Hiệp gửi cho tôi bản thu âm anh ấy tự hát để tôi sửa lại và hoàn chỉnh bài hát. Sau khi hoàn thành, tôi cũng là người lo những công việc như đi hòa âm phối khí, đưa ca sĩ Khắc Minh đi thu âm ca khúc... Thời điểm đó, đạo diễn Mai Thế Hiệp có khoe với nhiều người và giới thiệu tôi là tác giả ca khúc đó nhưng tôi đính chính, mình và anh Hiệp đồng sáng tác Có căn nhà nằm nghe nắng mưa. Đến khi phim và nhạc phim ra rạp, tôi mới “té ngửa” là anh không hề nhắc đến tôi trong những gì liên quan đến ca khúc Có căn nhà nằm nghe nắng mưa. Tôi có liên lạc qua email cho đạo diễn nhưng không nhận được hồi đáp”, Linh Lan chia sẻ.

Và việc đạo nhạc phim Hàn cũng khiến phía nước ngoài có cái nhìn khác về các nhà sản xuất phim Việt. Ca khúc “Trao yêu thương” nằm trong chuỗi series nhạc phim “Từng có người yêu tôi như sinh mệnh” vừa bị truyền thông nước ngoài tố đạo ca khúc Hàn. Cụ thể, trên trang Koreanboo chỉ rõ ca khúc “Trao yêu thương” do Hoàng Hải Dương và Rosa Alba thể hiện bị cho là có giai điệu giống hệt Give Love của Akdong Musician.

Sau khi phát hiện ra, cộng đồng mạng tỏ rõ sự bất bình trước việc “mượn” nhạc mà không xin phép này. Tuy nhiên nhà sản xuất không có bất cứ lời giải thích nào. Thay vì gỡ bài hát và đưa ra thông báo chính thức như yêu cầu của khán giả, đơn vị này thay đổi tiêu đề bằng cách chú thích thêm “Give Love - AKMU Cover”.

Trong khi đó, ca sĩ Hoàng Hải Dương cho biết, mục đích ban đầu của anh là cover ca khúc. Do đó, trên các trang nghe nhạc anh đều chú thích là nhạc ngoại lời Việt. “Khi đăng tải, tôi đều yêu cầu các nhà mạng để là nhạc ngoại lời Việt, chứ không để ai sáng tác. Tôi là người thể hiện, do đó tất cả các mục do phía ca sĩ phát hành thì tôi đều để nhạc ngoại lời Việt”, nam ca sĩ cho biết.

Đi thụt lùi vì thiếu chuyên nghiệp

Lâu nay, tình trạng xài chùa nhạc phim khá phổ biến, vấn đề là chỉ ra nhưng không ai xử lý. Nhiều người nhận ra rằng, với lượng phim Việt lên sóng dày đặc, chuyện vay mượn, chắp vá nhạc phim gần như không tránh khỏi, nhất là với những nhà sản xuất làm ăn chụp giật.

Cách mà các nhà sản xuất thường ưa dùng là chỉ đặt viết ca khúc chủ đề để tiết kiệm được khoản chi phí đáng kể. Chẳng hạn, với 60 tập phim như “Vết xước”, nếu không mượn ca khúc thì khó đủ tiền chi trả cho 60 tập nói trên với vài trăm triệu. Thế nên mới có cảnh tréo ngoe là chính nhạc sĩ cũng phập phồng lo vì mình chỉ được đặt hàng ca khúc chủ đề, song còn những đoạn nhạc phim “chắp vá” làm nền trong phim có khi khiến người ta nghĩ là do chính anh ta viết. Lỡ có bị mang tiếng “đạo” nhạc thì không biết “phân bua” thế nào.

Nhiều nhạc sĩ viết nhạc cho phim khác đã lên tiếng cảnh báo về việc tùy tiện tải nhạc trên mạng làm nhạc nền cho phim, không hề nghĩ đến chuyện tác quyền. Đặc biệt là việc vay mượn công khai đến mức người ta “chọn” cả nhạc phim Hàn, phim Nhật để đưa vào làm nhạc nền phim Việt.

Vì không bị ai... kiện, nên các “tác giả nhạc phim” vô danh kia vẫn cứ thoải mái “chôm chỉa” nhạc trên mạng về bỏ vào từng đoạn làm phim mà vẫn làm như “vô can”. Điều này khiến phim Việt càng thiếu chuyên nghiệp và đi thụt lùi.

MINH THI

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/van-hoa-giai-tri/to-dao-nhac-phim-chuyen-khong-hoi-ket-674837.bld