Tổ chức tín dụng phải cung cấp thông tin cho Thừa phát lại

(DĐDN) - Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư liên tịch số 03/2014/TTLT-BTP-NHNNVN ngày 17/01/2014 hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại tại các tổ chức tín dụng. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 05/3/2014.

Theo đó, Thông tư hướng dẫn việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại liên quan đến việc yêu cầu cung cấp thông tin về số dư tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi của người có nghĩa vụ thi hành án là khách hàng (gọi chung là thông tin của khách hàng) tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là tổ chức tín dụng ) ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trong thời gian thực hiện thí điểm.

Thông tư này được áp dụng trong trường hợp xác minh điều kiện thi hành án mà vụ việc đó thuộc thẩm quyền thi hành của các Cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đặt Văn phòng Thừa phát lại; hoặc xác minh điều kiện thi hành án ngoài địa bàn trong trường hợp người có nghĩa vụ thi hành án có tài khoản, tiền gửi, tài sản gửi tại các tổ chức tín dụng ở địa phương đó.

Đối tượng áp dụng của Thông tư là: Văn phòng Thừa phát lại; Tổ chức tín dụng; Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại.

Thông tư quy định rõ, người đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin thông qua biên bản xác minh hoặc bằng văn bản cung cấp thông tin theo quy định tại Thông tư này trong thời hạn 03 (ba) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu cung cấp thông tin.

Tổ chức tín dụng có quyền từ chối cung cấp thông tin trong các trường hợp: Vụ việc không thuộc thẩm quyền xác minh của Thừa phát lại; Trong cùng một vụ việc có cùng một nội dung yêu cầu tại cùng một thời điểm đã được Chấp hành viên hoặc Thừa phát lại khác thực hiện việc xác minh; Khách hàng yêu cầu cung cấp thông tin không phải là người có nghĩa vụ thi hành án thuộc thẩm quyền xác minh của Thừa phát lại; Thông tin yêu cầu cung cấp ngoài phạm vi các thông tin quy định tại Thông tư này; Hồ sơ yêu cầu cung cấp thông tin không đủ các tài liệu quy định tại Thông tư này. Trường hợp từ chối thì tổ chức tín dụng phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Thông tin cung cấp chỉ được sử dụng cho mục đích thi hành bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật và được bảo quản theo chế độ mật. Thừa phát lại, Văn phòng Thừa phát lại, người yêu cầu xác minh điều kiện thi hành án và các cơ quan, tổ chức có liên quan có trách nhiệm bảo mật thông tin được cung cấp và sử dụng đúng mục đích kết quả xác minh theo quy định của pháp luật.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định về sử dụng và bảo mật thông tin như trên thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Định kỳ 06 tháng hoặc đột xuất, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm trao đổi với Giám đốc Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi thực hiện thí điểm về tình hình hoạt động có liên quan của các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn.

Đối với các vụ việc các Văn phòng Thừa phát lại đã tổ chức xác minh nhưng đến thời điểm Thông tư này có hiệu lực mà chưa thực hiện xong thì thực hiện theo quy định của Thông tư này.

Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và một số công việc khác. Thừa phát lại tương tự như chức mõ tòa (Người giữ việc báo tin và thi hành các quyết định của tòa án trong xã hội cũ, có khi trông nom cả việc bán các động sản của Nhà nước) và chấp hành viên.

Thừa phát lại được làm những công việc sau (theo nghị định 61/2009 của Chính phủ):

1. Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của Tòa án hoặc Cơ quan thi hành án dân sự.

2. Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức.

3. Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự.

4. Trực tiếp tổ chức thi hành án các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự. Thừa phát lại không tổ chức thi hành án các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án.

Khi thực hiện công việc về thi hành án dân sự, Thừa phát lại có quyền như Chấp hành viên – trừ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính.

Cơ quan nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp và mọi cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của Thừa phát lại theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân từ chối trái pháp luật yêu cầu của Thừa phát lại thì phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại nếu có.

Văn phòng thừa phát lại là tổ chức hành nghề của thừa phát lại. Tên gọi văn phòng thừa phát lại bao gồm cụm từ “Văn phòng thừa phát lại” và phần tên riêng liền sau. Người đứng đầu Văn phòng thừa phát lại là thừa phát lại và là người đại diện theo pháp luật của văn phòng thừa phát lại.

CH

Nguồn DĐDN: http://dddn.com.vn/tai-chinh-ngan-hang/to-chuc-tin-dung-phai-cung-cap-thong-tin-cho-thua-phat-lai-20140209050215959.htm