Tổ chức lại sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn

Đến nay Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã thu được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có kết quả về đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn.

Từ năm 2011 đến nay, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh Lạng Sơn thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM); cụ thể hóa phong trào thi đua “Lạng Sơn cùng cả nước chung sức xây dựng NTM” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy Lạng Sơn đã xây dựng chương trình hành động để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện; bước đầu đã tạo chuyển biến tích cực về tư duy sản xuất của người dân, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ sang quy mô hàng hóa.

Tỷ trọng hàng hóa trong tổng giá trị sản phẩm nông nghiệp hiện chiếm trên 65%, trong đó tỷ trọng hàng hóa ngành trồng trọt 45%, chăn nuôi 96%, lâm nghiệp 70%, thủy sản 48%. Qua đó, đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Từ năm 2011 - 2015, nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp đã hỗ trợ xây dựng 182 mô hình, trong đó 140 mô hình trồng trọt, 35 mô hình chăn nuôi, 6 mô hình lâm nghiệp và 1 mô hình thủy sản. Bằng các nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất trong xây dựng NTM, toàn tỉnh đã xây dựng được 119 mô hình phát triển sản xuất tại 50 xã, với 4.717 hộ tham gia, kinh phí 13.116 triệu đồng và xây dựng 2 dự án tổng thể phát triển sản xuất tại TP Lạng Sơn và huyện Hữu Lũng. Các mô hình đã chuyển giao nhiều tiến bộ KH-KT mới, đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia và tạo sự chuyển biến trong tư duy sản xuất.

Các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp đã từng bước hình thành và phát triển đa dạng, phù hợp với điều kiện sản xuất từng vùng, từng địa bàn. Một số mô hình liên kết hiệu quả, như Cty CP Ngân Sơn trồng cây thuốc lá trên địa bàn 43 xã; Cty CP Chè Thái Bình thu mua, chế biến, bao tiêu sản phẩm cho người trồng chè tập trung tại huyện Đình Lập; Cty CP Chế biến thực phẩm xuất khẩu G.O.C xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm dưa chuột, ngô bao tử, cà chua bi, măng tre Bát Độ tại huyện Hữu Lũng; Cy TNHH Hòa Hưng, Bắc Ninh sản xuất khoai tây thương phẩm, khoai tây giống, gừng trâu Trung Quốc tại huyện Bình Gia; Cty TNHH Chế biến và XK nông, lâm sản Lạng Sơn thu mua, chế biến, XK hoa hồi sang Ấn Độ, Nhật, Anh, Malaysia...

Gần đây, UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành chuyên môn tham dự các hội chợ, ký kết hợp tác tiêu thụ sản phẩm với các tỉnh đồng bằng sông Hồng và Hà Nội; gặp mặt các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh mặt hàng nông, lâm sản, hệ thống các siêu thị của Hà Nội để đưa nông, lâm sản của Lạng Sơn về tiêu thụ tại Hà Nội như na, quýt, khoai môn, rau các loại...

Kinh tế tập thể bước đầu có sự phát triển, lĩnh vực ngành nghề từng bước được mở rộng theo hướng đa ngành nghề, đa dạng loại hình hoạt động. Kinh tế trang trại có bước phát triển.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 69 trang trại, đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo vùng sản xuất tập trung, là tiền đề cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản phát triển, tạo động lực thúc đẩy kinh tế hộ gia đình. Đã có 61/207 xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất, chiếm tỷ lệ 29,47%.

Kinh tế đồi rừng có nhiều tiến bộ; trên địa bàn xuất hiện những mô hình kinh tế đồi rừng cho giá trị kinh tế cao; nghề rừng đang dần trở thành nghề chính, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Trong 5 năm, trồng mới được trên 51.700 ha rừng (trong đó rừng phòng hộ, rừng đặc dụng 3.616 ha, rừng sản xuất 17.240 ha, trồng cây phân tán 30.873 ha).

Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn có tiến bộ, nhưng chủ yếu là sơ chế, chế biến các mặt hàng đơn giản, quy mô nhỏ. Cơ khí hóa sản xuất nông nghiệp, nông thôn được quan tâm đẩy mạnh.

Đến nay, mức độ cơ giới hóa trong khâu làm đất đối với các loại cây chủ yếu, như lúa đạt 80,3%; ngô, khoai, sắn, đậu tương... đạt từ 17 - 49%. Các ngành nghề truyền thống khu vực nông thôn được quan tâm bảo tồn. Mạng lưới dịch vụ nông nghiệp được phát triển rộng khắp, cung ứng đầy đủ, kịp thời các vật tư phục vụ phát triển sản xuất.

Thời gian tới, Lạng Sơn tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở, tạo chuyển biến rõ rệt trong nhận thức, hành động về xây dựng NTM.

Từng cấp ủy, chính quyền, đơn vị phải xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để thực hiện các mục tiêu Chương trình xây dựng NTM đã đề ra.

Bổ sung chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng NTM. Phát huy vai trò lãnh đạo của các đảng bộ, chi bộ cơ sở để thực sự là hạt nhân lãnh đạo toàn diện trên địa bàn nông thôn.

Tiếp tục cải cách hành chính; tăng cường công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, công chức xã... góp phần để Chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đạt được các kết quả thiết thực, trong đó có việc đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, dịch vụ có hiệu quả ở nông thôn.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/to-chuc-lai-san-xuat-dich-vu-co-hieu-qua-o-nong-thon-post171434.html