Tổ chức cho trẻ trải nghiệm thực tế: Thiết thực nhưng phải an toàn

Giáo dục trẻ mầm non theo phương pháp trải nghiệm, gắn liền với hoạt động thực tế là một phương pháp giáo dục tiên tiến đang được các trường mầm non trên địa bàn TP Hà Tĩnh áp dụng; bước đầu đã nhận được những phản ứng tích cực từ phía phụ huynh, học sinh (HS). Tuy nhiên, mô hình này cũng đặt ra vấn đề đảm bảo an toàn cho trẻ khi tham gia các hoạt động bên ngoài trường học.

Hiện nay, hầu hết các trường mầm non tư thục và công lập trên địa bàn TP Hà Tĩnh đều xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi tham quan, dã ngoại cho HS. Những địa điểm dã ngoại trong thành phố được các trường lựa chọn là công viên, hội chợ, trung tâm thương mại, rạp chiếu phim, siêu thị…; xa hơn thì có các di tích lịch sử, khu du lịch sinh thái Đồng Nôi (Thiên Cầm, Cẩm Xuyên), vườn rau xã Thạch Văn (Thạch Hà)…

Một buổi dã ngoại của học sinh Trường Mầm non Trí Đức

Mặc dù thành lập chưa lâu nhưng Trường Mầm non Trí Đức là một trong những đơn vị tiên phong và có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động dạy - học bằng phương pháp trải nghiệm thực tế. Cô Nguyễn Thị Nhung - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Chúng tôi không coi đây là một hoạt động lễ hội mà là hoạt động thường xuyên trong chương trình chính khóa của các khối lớp, vì vậy, mỗi một chuyến tham quan, dã ngoại, đều được nhà trường, giáo viên lên kế hoạch, tổ chức kỹ lưỡng như là “soạn giáo án”. Bằng trải nghiệm thực tế, “học mà chơi - chơi mà học”, hoạt động này đã tạo cho các bé niềm hứng thú tìm tòi, khám phá thế giới xung quanh. Khi va chạm với các tình huống trong thực tế, bé dễ dàng thể hiện cảm xúc, những kỹ năng xử lý; từ đó, các bé bộc lộ những điểm mạnh, yếu của mình - điều mà khi học trong môi trường lý thuyết, sách vở rất ít khi có được. Điều này vừa giúp trẻ mạnh dạn trong giao tiếp, vừa giúp GV nhận biết tính cách, sở trường của từng em để điều chỉnh phù hợp trong quá trình dạy học”.

Với những lợi ích trong rèn luyện kỹ năng sống cho trẻ, phương pháp học này đã nhận được phản ứng tích cực từ phụ huynh cũng như các bé. Hầu hết các bé đều rất hào hứng và phấn khởi khi kể chuyện cùng ông bà, bố mẹ những điều chúng được trải nghiệm. Phụ huynh cũng nhận thức được tầm quan trọng của việc cho con hòa nhập, trải nhiệm thực tế.

Chị Phan Thị Thanh Loan (phường Thạch Quý - phụ huynh HS lớp 4 tuổi Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du) chia sẻ: “Tôi vừa cùng con tham gia chuyến dã ngoại ở khu du lịch sinh thái Đồng Nôi. Lần đầu tiên được tận mắt nhìn thấy con đà điểu, ngắm đồng hoa hướng dương, được tự tay thu hoach rau, củ, quả, các con phấn khích vô cùng, về đến nhà không ngừng bi bô kể chuyện. Thú thật, khi tham gia chuyến đi này, ngoài mục đích cùng con trải nghiệm thì còn một lý do nữa là tôi có chút lo lắng cho sự an toàn của cháu khi sinh hoạt ở một môi trường bên ngoài lớp học. Mặc dù, nhà trường tổ chức khá chu đáo, nhưng ở lứa tuổi của các bé, vấn đề an toàn luôn là mối quan tâm hàng đầu của phụ huynh”.

Cô trò Trường Mầm non tư thục Nguyễn Du (TP Hà Tĩnh) tham quan vườn rau ở xã Thạch Văn

Ý kiến của chị Loan cũng là tâm trạng của không ít phụ huynh khi đề cập đến vấn đề này. Bởi ở lứa tuổi mầm non, các bé chưa ý thức được mức độ của những tình huống nguy hiểm có thể gặp phải trong thực tế nên rất dễ xảy ra tai nạn đáng tiếc. Điều này đặt ra yêu cầu cho nhà trường, đơn vị tổ chức, đặc biệt là GV trực tiếp phải có kỹ năng trong điều hành, quản lý hoạt động tại địa điểm công cộng.

Trao đổi kinh nghiệm tổ chức những buổi học ngoài trời, cô Nguyễn Thị Nhung chia sẻ: “Lợi ích mà phương pháp này mang lại cho trẻ không phải bàn cãi nhưng vấn đề an toàn phải là trên hết. Môi trường bên ngoài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ hơn, bởi vậy, trước mỗi chuyến tham quan, nhà trường phải lên kế hoạch tỉ mỉ, khảo sát địa hình, phối hợp đơn vị sở tại để họ hỗ trợ khi cần; đồng thời, tập huấn cho GV, huy động đội ngũ nhân viên phục vụ, nhân viên y tế cùng tham gia; trẻ được đeo bảng tên có số điện thoại của GV chủ nhiệm đề phòng trường hợp đi lạc. Trong thời gian hoạt động diễn ra, GV luôn phải bao quát, kiểm soát HS, thiết lập hàng rào an ninh và đảm bảo các bé luôn nằm trong tầm kiểm soát”.

Mỗi hoạt động dạy học dù trong lớp học hay trải nghiệm thực tế cũng đều hướng đến mục đích trang bị kiến thức, rèn luyện kỹ năng sống, góp phần hình thành nhân cách. Với lứa tuổi mầm non, ngoài những yêu cầu trên, hoạt động dạy học còn cần phải được trang bị đầy đủ điều kiện để các bé có những buổi học vui - khỏe - an toàn.

Kiều Minh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/giao-duc/to-chuc-cho-tre-trai-nghiem-thuc-te-thiet-thuc-nhung-phai-an-toan/129433.htm