Tổ chức bộ máy hoạt động Hội Nhà báo địa phương nhìn từ Hội Nhà báo Quảng Ngãi: Tạo vị thế không thể nói suông mà phải bằng hành động

Mặc dù còn khó khăn trăm bề: thiếu kinh phí, phương tiện, con người… song thời gian qua, các Hội Nhà báo địa phương đã luôn cố gắng nỗ lực để vươn lên, dần khẳng định vai trò, vị trí của mình trong sự phát triển chung của địa phương và được ghi nhận. Đặc biệt, có không ít Hội Nhà báo bằng nhiều hoạt động thiết thực đã khẳng định mạnh mẽ, vững chắc được uy tín và vị thế của mình. Trong đó, Quảng Ngãi là một trong những cấp Hội tiêu biểu, đơn vị điển hình của Hội Nhà báo Việt Nam với rất nhiều kinh nghiệm quý có thể mạnh dạn chia sẻ cùng đồng nghiệp…

Từ chuyện của 12 năm trước

12 năm trước, lúc ấy Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi được biết đến là một trong những cấp Hội “Ba không”: không trụ sở, không biên chế chuyên trách, không được cấp kinh phí thường xuyên hàng năm. Những năm tháng ấy, những người làm công tác Hội cảm thấy vô cùng day dứt bởi sự “hữu danh vô thực” của mình. Nhưng vượt qua mọi mặc cảm, Ban Chấp hành Hội Nhà báo Quảng Ngãi đã xây dựng cho mình một quyết tâm, với những giải pháp và lộ trình phù hợp để vực dậy, khẳng định và từng bước nâng cao vị thế của Hội Nhà báo trong lòng công chúng báo chí tỉnh nhà. Vì vậy, trong các giải pháp để nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác Hội, vấn đề tranh thủ sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền và các ngành liên quan được Hội Nhà báo Quảng Ngãi đặc biệt coi trọng.

Để khắc phục tình trạng Hội “Ba không”, mở đầu nhiệm kỳ III, Thường trực Hội Nhà báo Quảng Ngãi đã chủ động đăng ký và được chấp thuận tiến hành hai cuộc làm việc giữa Ban Thường vụ Hội Nhà báo tỉnh với Thường trực Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Tại hai cuộc làm việc này, Hội Nhà báo Quảng Ngãi báo cáo một cách chi tiết với các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh về thực trạng của Hội, rằng vì sao gọi là “Hội Ba không” và hậu quả của nó như thế nào, đồng thời mạnh dạn đề xuất biện pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.

Thật đáng mừng là cả hai cuộc làm việc này đều đem lại kết quả khả quan, bằng hai văn bản kết luận cho chủ trương giải quyết tất cả các đề xuất, kiến nghị của Hội Nhà báo… Từ chỗ không có trụ sở, không có biên chế, không có kinh phí hoạt động, đến năm 2006, Hội Nhà báo Quảng Ngãi được đáp ứng đủ các yêu cầu này.

Trao giải A cho các tác giả đoạt Giải báo chí tỉnh Quảng Ngãi lần thứ VIII.

Một cây làm chẳng nên non

“Đặc biệt, giữa năm 2006 khi làm việc với Ban Thường vụ Hội Nhà báo tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nói vui: “Hội kêu “Ba không”, lãnh đạo tỉnh đã giải quyết “Ba có”. Bây giờ trái bóng đang ở trong chân của Hội rồi đó, các anh đá sao thì đá!”. Tất nhiên, “thừa thắng xông lên” chúng tôi đã trình lãnh đạo tỉnh một kế hoạch “dài hơi” với tham vọng đưa hoạt động của Hội đi vào nền nếp. Khi được lãnh đạo tỉnh chấp thuận, chúng tôi bám vào kế hoạch này để xây dựng các đề án, dự án trình cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai tổ chức thực hiện”- Nhà báo Hà Minh Đích- Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch HNB Quảng Ngãi chia sẻ.

Từ chỗ “xuân thu nhị kỳ” một năm vài lần gặp mặt hội viên, xuất bản vài số đặc san, mỗi năm Hội Nhà báo Quảng Ngãi lại có thêm nhiều hoạt động phong phú. Có thể nêu một số mốc chính như: năm 2008 Hội phối hợp mở lớp đại học báo chí hệ vừa làm vừa học; năm 2009 triển khai Giải báo chí truyền thống của tỉnh hàng năm; năm 2012 triển khai đề án nghiên cứu, biên soạn Lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Quảng Ngãi 1930- 2010; năm 2013 triển khai kế hoạch bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho hội viên- nhà báo giai đoạn 2013-2015; cùng với đó là các hoạt động nghiệp vụ, giao lưu, văn hóa thể thao, xã hội từ thiện thu hút ngày càng đông hội viên tham gia.

Thành tích Quảng Ngãi 9 năm liên tiếp có tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia không phải ngẫu nhiên mà có. Hội Nhà báo tỉnh đã góp phần tích cực vào thành công này thông qua các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, sinh hoạt nghiệp vụ, tham gia lựa chọn đề tài, kể cả việc tạo điều kiện để hội viên lao động sáng tạo. Một khi công việc của Hội ngày càng nhiều thì biên chế và kinh phí cũng tăng lên. Hội Nhà báo tỉnh hiện có 4 biên chế và lao động. Kinh phí ngân sách hỗ trợ hàng năm bảo đảm các hoạt động của Hội, riêng năm 2015 là 2,4 tỷ đồng, cơ ngơi làm việc khá khang trang. Mỗi năm tích góp một ít thành quả, những hội viên trước đây bàng quan với tổ chức Hội nay đã tìm thấy lợi ích của mình. Vị thế của Hội trong giới báo chí được khẳng định và chừng mực nào đó đã có sức lan tỏa trong đời sống xã hội.

Đáng chú ý là phong trào thi đua yêu nước ở Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi được duy trì thường xuyên. Năm 2012 Hội Nhà báo tỉnh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Từ năm 2011 đến nay Hội Nhà báo tỉnh luôn được UBND tỉnh tặng bằng khen và Trung ương Hội tặng cờ thi đua “Tập thể Hội xuất sắc”.

Nhiệm kỳ này, Hội Nhà báo Quảng Ngãi đã đưa ra những nhiệm vụ trọng tâm có tính chất đột phá như: Đã được duyệt và đang triển khai Đề án bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho hội viên giai đoạn 2015- 2020, với kế hoạch mở 26 lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ cho trên 1.550 lượt hội viên với kinh phí hơn 1,9 tỷ đồng. Bên cạnh Giải báo chí truyền thống đã được mở rộng về quy mô, đối tượng và giá trị giải thưởng (Giá trị giải A bằng 10 lần mức lương cơ sở), Hội sẽ tổ chức 2 cuộc thi viết phóng sự và viết về du lịch nhằm tạo thêm “sân chơi” cho hội viên. Các hoạt động văn hóa, thể thao, xã hội từ thiện sẽ được tổ chức quy mô hơn…

Là một người yêu Hội, trải qua nhiều vất vả và kinh nghiệm máu thịt để xây dựng Hội, Chủ tịch Hội Nhà báo Quảng Ngãi Hà Minh Đích bộc bạch: “Một cây làm chẳng nên non”, sở dĩ, Hội Nhà báo tỉnh Quảng Ngãi có được chút ít thành công như hôm nay là nhờ công sức của rất nhiều người, trong đó phải kể đến Ban Chấp hành Hội Nhà báo tỉnh, một tập thể tâm huyết, biết làm và chịu làm”.

Đồng thời, ông cũng khẳng định: “Lâu nay, khi đề cập đến những cái khó của Hội Nhà báo địa phương nhiều người thường cho rằng do kinh phí ít, cơ sở vật chất thiếu thốn, thực ra mấu chốt của vấn đề là ở chỗ con người và bộ máy. Theo tôi, nếu cán bộ chuyên trách biết “sống chết” với “nghề” ắt sẽ nghĩ ra cách để có kinh phí, có cơ sở vật chất mà hoạt động. Tạo vị thế không thể nói suông mà phải bằng hành động. Trong công việc, chúng tôi tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của các cấp, các ngành nhưng không cần phải xin xỏ, tùy lụy. Vì vậy, để có điều kiện hoạt động, cán bộ Hội phải biết thuyết phục lãnh đạo địa phương bằng hiệu quả công việc. Tất nhiên cũng phải chịu khó, biết “đeo bám”, không nên “dễ làm khó bỏ”. Đặc biệt, khi Hội đưa ra công việc gì mà hội viên hưởng ứng nhiệt tình, tham gia một cách hào hứng thì lúc ấy hội viên đang thương yêu mình, đang cần đến Hội. Còn một khi hội viên ngãng ra, bàng quan với công việc thì mình phải xem lại. Làm chuyên trách công tác Hội là phải biết “đo” tâm trạng của hội viên để luôn tìm ra giải pháp thúc đẩy công việc tiến triển”.

Ngọc Lành

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/tao-vi-the-khong-the-noi-suong-ma-phai-bang-hanh-dong/