Tố cáo Phó Chánh án huyện nhận 80 triệu 'chạy án'

Ông Thụt cho biết sau nhiều lần liên lạc qua điện thoại, vợ ông đã đến gặp vị thẩm phán để trao đổi về số tiền “chạy án”. Khi trở về, ông nghe vợ kể lại rằng, vị thẩm phán ra giá chung chi 90 triệu đồng để lo cho ông Thụt hưởng án treo.

TAND huyện Ea Kar

“Gợi ý” chung tiền để giảm án?

Vào đầu tháng 12/2016, ông Nông Văn Thụt (47 tuổi, ngụ thôn 12, xã Cư Yang, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng, phản ánh việc một Thẩm phán, Phó Chánh án TAND huyện Ea Kar có hành vi nhận tiền chạy án.

Theo đơn tố cáo của ông Thụt, hiện ông là bị can đang được tại ngoại vì liên quan đến một vụ tai nạn giao thông trên địa bàn, gây hậu quả chết người. Trước đó, vào ngày 30/6/2016, ông Thụt điều khiển xe tải mang BKS 47C-063.16 đi chở heo cho một người em họ.

Do bất cẩn nên khi đến đoạn đường giao nhau giữa thôn 7 và thôn 8 (thuộc xã Cư Yang) xe của ông đã xảy ra va chạm với bà Trần Thị Giới (58 tuổi) đang điều khiển xe đạp khiến người này tử vong tại chỗ.

Sau khi xảy ra vụ việc, ông Thụt đã lui tới xin lỗi, chia buồn, đồng thời đưa hơn 100 triệu đồng cho gia quyến nạn nhân lo hậu sự. Không lâu sau, gia đình bà Giới đã viết đơn bãi nại cho ông Thụt. Dù vậy, cuối tháng 10/2016, ông Thụt nhận được quyết định của TAND huyện Ea Kar, thông báo về việc đưa vụ án “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” nói trên ra xét xử.

Ông Thụt tố rằng, sau ngày nhận được quyết định này, vị Phó Chánh án được phân công thụ lý, xét xử vụ án nói trên đã nhiều lần gọi điện, “gợi ý” với ông việc chạy tiền để hưởng án treo. Nếu như không có tiền thì ông phải đối diện với mức hình phạt tù từ 5-15 năm.

Người tố cáo cho biết: “Ngay từ cuộc nói chuyện điện thoại đầu tiên, bà này đã gợi ý cho tôi phải lo chạy tiền thì mới được án treo, ở nhà làm ăn phụ giúp gia đình. Nếu không, hành vi của tôi phải chịu mức án tù từ 5-15 năm. Sau khi nghe bà Hoa nói như vậy, gia đình tôi rất hoang mang, lo lắng. Bởi vì vợ tôi hay đau ốm, các con đang còn nhỏ. Nghĩ vậy, tôi hỏi phải lo hết bao nhiêu để chuẩn bị thì bà ấy ra giá 120 triệu đồng rồi hẹn tôi đến nhà để trao đổi”.

Cũng theo ông Thụt, sau nhiều lần liên lạc qua điện thoại, vào ngày 3/12, vợ ông đã đến gặp vị thẩm phán để trao đổi về số tiền “chạy án”. Khi trở về, ông nghe vợ kể lại rằng, vị thẩm phán ra giá chung chi 90 triệu đồng để lo cho ông Thụt hưởng án treo. Nếu không, chung tiền, ông Thụt phải lĩnh mức án tù giam từ 5-10 năm.

Sau một hồi nghe vợ ông Thụt trình bày về hoàn cảnh khó khăn của gia đình, bà này đồng ý giảm bớt số tiền chạy án xuống 80 triệu đồng. Đến trưa 5/12, vợ chồng ông Thụt mang đủ 80 triệu đến nhà vị thẩm phán để giao như đã hẹn. “Sau khi nhận tiền, vị thẩm phán dặn tôi rằng, sáng ngày 6/12, tôi phải lên tòa sớm để bà ấy hướng dẫn cách khai báo trước HĐXX”, ông Thụt kể lại.

Tuy nhiên, trước khi phiên tòa xét xử mình được mở, ông Thụt đã có đơn tố cáo vị thẩm phán về hành vi nhận hối lộ đến cơ quan chức năng. Trong các tài liệu kèm theo đơn tố cáo, ông Thụt cung cấp một số hình ảnh chụp số sê-ri tiền, file ghi âm, cùng clip quay lại cảnh giao nhận tiền giữa mình và vị thẩm phán để làm chứng cứ.

Ông Thụt trình bày vụ việc

Dừng phiên xử để điều tra tố cáo

Theo lịch ấn định, ngày 6/12 vừa qua, TAND huyện Ea Kar sẽ mở phiên tòa hình sự sơ thẩm, đưa bị cáo Nông Văn Thụt ra xét xử về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Tuy nhiên, vụ án đã được dời lịch xử sang ngày khác vì một số lý do, trong đó có việc bị cáo đã có đơn tố cáo Thẩm phán, cũng là Phó Chánh án nhận tiền chạy án.

Sau khi tiếp nhận đơn tố cáo của ông Thụt, CQĐT đã cử cán bộ làm việc với các bên liên quan để xác minh, thu thập thông tin. Đến ngày 21/12, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đắk Lắk đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự “Nhận hối lộ” số 08/QĐ-PC44 để điều tra theo quy định của pháp luật.

Lý giải về việc mình tố cáo, ông Thụt cho rằng, tai nạn giao thông xảy ra là điều ngoài ý muốn. Vụ tại nạn hồi cuối tháng 6 đã cướp đi sinh mạng của một người, đây là một mất mát quá lớn không gì có thể bù đắp được, khiến gia đình nạn nhân rất đau buồn. Bên cạnh đó, sau khi vụ việc xảy ra, lương tâm ông cũng luôn cắn rứt, áy náy vì đã vi phạm pháp luật.

Khi nghe vị thẩm phán “dọa” mình phải đối diện với mức án từ 5-10 năm tù rồi “ra giá” phải chung chi 80 triệu để chạy án, ông Thụt rất lo lắng. Bởi vì tiền bạc ông không có, người vợ hay bệnh, cả 5 đứa con đều đang ở tuổi “ăn chưa no lo chưa tới”. Tuy nhiên, khi suy nghĩ lại, ông thấy tội mình gây ra đến đâu thì phải chịu sự trừng phạt của pháp luật đến đó. Không muốn người khác lợi dụng lúc mình hoạn nạn để trục lợi nên ông quyết định phải phanh phui mọi chuyện đến cơ quan chức năng.

Ông Thụt tâm sự: “Nếu như tôi đồng ý làm theo yêu cầu của vị thẩm phán rồi im lặng, để mặc thì vô tình mình là người không thực hiện đúng nghĩa vụ với pháp luật, thiếu trách nhiệm với xã hội. Đồng thời, việc làm của mình sẽ khiến cho người ta bẻ cong pháp luật, làm lợi cho bản thân.

Ngược lại, nếu tôi không tiền chạy án, khả năng sẽ bị xử nặng hơn mức độ phạm tội của mình. Bởi vậy, tôi gạt bỏ thái độ sống cam chịu, cầu toàn để tố cáo vụ việc đến cơ quan chức năng. Mong lực lượng thực thi pháp luật làm rõ mọi vấn đề”.

Tiến Thoại

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/ca-phe-luat/to-cao-pho-chanh-an-huyen-nhan-80-trieu-chay-an-313724.html