Tiqui-taca phiên bản 2012: Ru ngủ để chiến thắng

Xem các cầu thủ TBN chậm rãi chuyền bóng, khán giả có cảm giác… buồn ngủ. Phải chăng TBN đã yếu đi so với chính họ ở EURO 2008 và World Cup 2010?

Lối chơi tiqui-taca đã được Alonso (giữa) và đồng đội áp dụng linh hoạt hơn

Hình như mức độ hấp dẫn trong cách chơi tiqui-taca của TBN tại EURO này đã giảm đi so với EURO 2008 cũng như ở World Cup 2010. Bò tót cứ chuyền ngang và chuyền về mãi, như thể họ làm vậy để giữ bóng, hơn là tấn công. Vấn đề đặt ra: vậy thì đây là một tiqui-taca thực dụng hơn trước, hay chẳng qua TBN bây giờ không mạnh như xưa? Câu trả lời kỳ lạ: cả hai, và cả hai vẫn chưa đủ!

Cũng có ý tưởng, nhưng không thật thuyết phục khi tờ El Pais (TBN) chơi chữ tiqui-tacanaccio, nhằm nói lên tính phòng ngự quá cao trong cách chơi của TBN tại EURO 2012. Kỷ nguyên hiện đại, người ta dù không chơi “cài then cửa” như catenaccio trước đây, thì cách tổ chức phòng thủ không bóng cũng có hiệu quả chẳng kém. Chỉ cần bịt hết mọi khoảng trống có thể tấn công thì đối phương dù có bóng trong chân cũng đành bế tắc. Ở đây, tiqui-tacanaccio có khác biệt quá rõ ràng: TBN phòng thủ… với bóng trong chân. Nghĩa là họ luôn giữ thế chủ động.

Thật ra, tính phòng thủ rất cao trong tiqui-taca không bao giờ là mới mẻ (bóng trong chân cầu thủ TBN thì đối phương lấy đâu ra cơ hội tấn công). Nhưng đã 4 năm trôi qua kể từ khi Bò tót áp đặt thế thống trị. Cả thế giới đã có quá nhiều bài học, quá nhiều cơ hội lẫn thời gian để nghiên cứu cách chống lại lối chơi của TBN. Tiqui-taca mà không gặp khó tại EURO 2012 thì đấy mới là lạ. Thế nên, điều mấu chốt khiến các cầu thủ TBN cứ phải chuyền ngang hoặc chuyền về là do đối phương phòng bị tốt hơn, điều kiện tiqui-taca làm mưa làm gió đã giảm hẳn. Nếu gặp nhau cách đây 4 năm, chắc là Pháp đã không quá “nhát”, hầu như chẳng dám dâng lên như khi họ đụng TBN ở tứ kết lần này.

Cũng cần lưu ý: “buồn ngủ” chỉ là cảm giác của người xem, và đây là trường hợp mà giới quan sát có thể bị đánh lừa (cái gì đẹp mà cứ xem mãi, cũng có lúc chán). Thống kê chuyên môn cho thấy tỷ lệ chọc khe của TBN trong trận gặp Italia rất cao (16 lần - không có đội nào khác tại EURO 2012 đạt đến thông số này). Và với bình quân 18 đường chuyền như thế mỗi trận, số đường chọc khe của TBN cao hơn cả 11 đội bóng khác cộng lại (chỉ trừ Pháp, Đức, Hà Lan, Nga).

Cảm giác “buồn ngủ” trước cách chơi của TBN không chỉ là do sự lặp đi lặp lại suốt 4 năm của một hình ảnh cũ, mà cũng vì TBN bây giờ giữ và chuyền bóng còn nhiều hơn trước (ở trận gặp Ireland, đội bóng này đã lập kỷ lục về số đường chuyền chính xác trong lịch sử EURO). Cũng cần lưu ý: khi gặp Đức ở chung kết EURO 2008, TBN giữ bóng… ít hơn. Khi ấy, tiqui-taca còn chưa nhuần nhuyễn như bây giờ!

Cách chơi tiqui-taca của TBN tại EURO này khó thực hiện hơn trước, do cả nguyên nhân chủ quan (Xavi đã “xuống”, không còn Puyol, Villa…) lẫn khách quan (đối phương nắm rõ và cẩn thận hơn). Mặt khác, TBN đành củng cố tính thực dụng, khi chưa tìm ra kẽ hở trong hàng thủ đối phương thì họ tăng cường thời gian giữ bóng bằng cách chuyền ngang hoặc chuyền về. Điều quan trọng là: đối phương mà cũng bị ru ngủ như cảm giác của người xem, họ sẽ chuốc lấy thảm bại. Đấy mới là chỗ nguy hiểm nhất của tiqui-tacanacio.

Nguồn Bóng Đá Plus: http://bongdaplus.vn/tin-noi-bat-trong-ngay/tiquitaca-phien-ban-2012-ru-ngu-de-chien-thang/53810.bbd