Tình yêu của cô lái đò với chàng trai Pháp si tình

(Đời sống) - Chị chỉ là một cô gái lái đò chất phác, chữ nghĩa có hạn, ngày ngày chỉ làm nhiệm vụ chèo thuyền đưa du khách qua sông Hoài vào phố cổ dạo cảnh. Trong khi anh là một chàng trai mang quốc tịch Pháp, điển trai, có công việc ổn định. Trong những lần đưa đò, họ đã phải lòng nhau và một mái ấm nho nhỏ được dệt nên giữa lòng phố cổ.

Gia đình chị Trần Thị Thu, 31 tuổi và anh Pasal Rousseou, 39 tuổi ở thành phố Hội An (Quảng Nam) là minh chứng ngọt ngào cho những cuộc hôn nhân không biên giới.

Phố Hội kể từ sau ngày được công nhận là di sản thế giới đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự đổi thay. Trong những sự biến chuyển tất yếu ấy, câu chuyện về những cô gái bên sông Hoài bỗng dưng đổi đời nhờ lấy chồng Tây khi các đấng mày râu đổ về đây du lịch là một câu chuyện dài chưa có hồi kết.

Hơn 160 cô gái Hội An đã sang ngang theo chồng ngoại quốc thực sự là một con số ấn tượng. Hạnh phúc có, khổ đau có, sung sướng có, nhưng chung quy lại, họ đã có được một mái nhà yên ấm.

Trong số hàng trăm cô gái đã lấy chồng Tây và giữa hàng chục mái gia đình mang hai dòng máu đang sống ở phố Hội, gia đình chị Trần Thị Thu và anh Pascal Rousseou thực sự là một gia đình hạnh phúc theo đúng nghĩa.

Gia đình họ được xây dựng từ những ngày đầu mới lên đời phố cổ, một câu chuyện tình yêu lãng mạn được xây đắp nên bởi rung động đầu đời chứ không đơn thuần chỉ là dựa vào nhau để sống cho có người chăm sóc nhau như chuyện vẫn thường thấy ở những cặp vợ chồng khác mang yếu tố Tây, Ta tại xóm vạn đò nghèo này.

Cuộc gặp gỡ duyên tiền định của cô vạn đò nghèo

Bến sông Hoài ở phố cổ Hội An ngày nay.

Chị Trần Thị Thu sinh ra trong một gia đình có 6 người con, lớn lên trên con thuyền lúp xúp ở vùng Đồng Hiệp (Hội An). Trong ký ức ít ỏi của người đàn bà này, đó là những tháng ngày cơ cực, bố mẹ phải tất tả chạy ăn, lo cho 6 miệng ăn lúc nào cũng há hốc đợi chờ vì đói khát.

Bởi vậy nên cô bé Thu, cũng giống như bao đứa trẻ vạn đò khác, chỉ học đến lớp 3 cho biết cái mặt chữ rồi bỏ học, lao vào mưu sinh, nhỏ thì bán chè dạo, lớn hơn tý chút thì được truyền cho cách chèo đò, lênh đênh trên sóng nước.

Năm 1994, phố cổ Hội An được công nhận là di sản thế giới, cuộc sống tù túng của người dân nơi đây bỗng đổi sắc khi du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về.

Gia đình Thu nhanh chóng nâng cấp con thuyền gia đình, vừa làm chỗ mưu sinh vừa làm công cụ chuyên chở khách qua lại giữa hai bên vờ sông Hoài. Mấy tuổi đầu, Thu học thêm vài từ tiếng Anh để giao tiếp.

Cho đến năm cô bé 12 tuổi, dân vạn đò trên sông Hoài được lên bờ sinh sống, mấy năm sau Thu chính thức trở thành thiếu nữ, phổng phao xinh xắn lạ thường nên được bố mẹ tin tưởng giao cho con thuyền nhỏ để ngày ngày tự mình đưa khách du lịch sang sông. Duyên phận cũng đến với cô từ những chuyến đò ngược xuôi ấy.

Nhớ lại cuộc gặp gỡ định mệnh với người chồng hiện tại của mình là anh Pascal Rousseou, chị Trần Thị Thu bâng quơ nhìn ra dòng sông Hoài đang lững lờ buông mình trong nắng sớm, đó là một buổi chiều muộn mùa hè năm 1995.

Khi ấy, chị đang ráng nốt chuyến đò cuối cùng đưa một đoàn khách đến từ Pháp sang bên kia phố cổ. Trong đoàn ấy, có cậu thanh niên trẻ cứ xích lại gần chị và nhìn ngắm một cách say mê từng động tác đẩy đưa mái chèo thuần thục.

Nghĩ rằng, anh này cũng như bao du khách khác trước đó, thấy con gái Việt Nam chèo đò lạ lẫm nên ngó nhìn, vậy nên lúc mọi người đang nán lại chụp ảnh, bằng vài ba câu tiếng Anh còn ngượng nghịu, chị Thu tinh nghịch bông đùa chàng trai trẻ là có muốn thử chèo thuyền không, chị sẽ hướng dẫn khiến anh chàng này vô cùng thích thú.

Cuộc gặp ngẫu nhiên tình cơ ấy đã không chìm vào quên lãng như bao cuộc gặp khác, bởi ngày hôm sau, trong khi đoàn đi tham quan thì anh chàng người Pháp lại tìm đến say sưa ngắm cô lái đò, rồi leo tót lên ngồi miết trên thuyền từ sáng đến tối.

Vợ chồng chị Thu, anh Pascal Rousseou.

Gần một tuần lễ, chàng trai ấy cứ quấn quýt trên chiếc thuyền của Thu chèo, khiến cô đôi khi cũng phải bối rối vì ánh nhìn trìu mến, nhưng vì còn quá ngây thơ, lại hiếu khách nên cô vẫn vô tư trêu đùa mà không nghĩ rằng, mình đã lọt vào mắt xanh của chàng trai trẻ si tình.

Cho đến lúc đoàn người Pháp trở về nước sau chuyến tham quan, Thu và cậu bạn mới quen, chia tay nhau vội vã khi chưa kịp hỏi tên.

Tình yêu không biên giới

Bẵng đi 1 năm sau, bất ngờ chàng trai trẻ đã quay trở lại khiến trái tim thiếu nữ bối rối. Vẻ đẹp trai, già dặn và từng trải hơn trước khiến Thu không khỏi bâng khuâng. Hai người không còn vô tư như trước nữa mà đã có những rung động thực sự.

Qua câu chuyện được biết, chàng tên là Pascal Rousseou, vừa tốt nghiệp đại học và đang tìm kiếm cơ hội việc làm. Từ đấy, lần nào đến Việt Nam, Pascal cũng ghé Hội An và tìm gặp cô lái đò Trần Thị Thu.

Theo thời gian năm tháng, vượt qua rào cản về bất đồng ngôn ngữ, văn hóa, nếp sống, tình yêu giữa Pascal và Thu đã được nhen lên. “Người ta bảo người ngoại quốc mạnh dạn và táo bạo, nhưng chồng chị đây thì rụt rè, nhút nhát lắm.

Bảo thích chị ngay từ lần gặp đầu tiên, khi đang là bé con vắt mũi chưa sạch. Ấy vậy mà cũng phải đến lần thứ 3 đến Việt Nam, anh ấy mới ngỏ lời yêu” - chị Thu vừa lau dọn lại đồ đạc trong nhà, vừa đưa mắt nhìn chồng đầy yêu thương.

Trong khi ấy, anh Pascal, bằng giọng tiếng Việt lớ lớ, anh phát âm chưa chuẩn nên phải nhờ vợ mình làm phiên dịch, anh hóm hỉnh bảo bị con gái Việt Nam hớp hồn nhưng cứ nhìn thấy cô gái trẻ lúc nào cũng cầm cây sào, nên rất sợ bị… đánh, bởi nghe bảo ở Việt Nam, “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” nên anh cất công lặn lội đường xa tìm hiểu cho kỹ càng.

Tếu táo vậy thôi chứ thực ra, cả anh Pascal lẫn chị Thu đều hiểu rằng, họ muốn xây dựng gia đình trên nền tảng tình yêu có thật và vững chắc, nên không có gì phải vội vàng. Chính bởi vậy nên 2 năm sau ngày quen nhau, họ mới làm đám cưới.

Và cho đến bây giờ, trong số hàng chục mối tình Việt Tây trên đất phố cổ, chuyện tình của hai người vẫn được ví như thiên cổ tích giữa đời thường.

Ngày 16/1/1996, bên bờ sông Hoài thơ mộng, đám cưới giữa cô thôn nữ Trần Thị Thu và chú rể đến từ nước Pháp xa xôi Pascal Rousseou đã diễn ra tưng bừng theo nghi lễ truyền thống của dan tộc Việt đã được đông đảo bà con nhân dân trong vùng kéo đến chúc phúc, nhiều người trong số họ vẫn còn nhớ như in hình ảnh chú rể tóc vàng tươi cười trao nhẫn cưới vào tay cô dâu trẻ.

Hạnh phúc bền đẹp

Sau ngày cưới nhau, Pascal quyết định ở lại Việt Nam để lập nghiệp, cùng vợ mở cửa hàng kinh doanh buôn bán ngay tại phố cổ Hội An. Có ít tiền nho nhỏ tích cóp được, vợ chồng chị Thu mua mảnh đất ở bên bờ sông, xây căn biệt thự rồi mở cửa hàng dịch vụ kinh doanh buôn bán.

Cuộc sống hạnh phúc cứ thế êm đềm trôi đi, mọi rào cản văn hóa, ngôn ngữ đã nhanh chóng được khỏa lấp bởi tình yêu nồng nàn mà họ dành tặng cho nhau. Khi hai vợ chồng cưới nhau chưa đầy năm, bố chồng chị bị bệnh nặng nên hai vợ chồng đã phải thu xếp công việc để trở lại vùng Palles, Pháp.

Đó cũng là lần đầu tiên trong đời chị Thu được bước chân ra khỏi khoảng không gian bến nước, con đò quen thuộc của mình.

Sống ở nước Pháp được hơn chục năm, anh chị liên tục đón nhận tin vui khi hai đứa con, Alexdre (11 tuổi) và Sharlie (5 tuổi) sinh ra bụ bẫm, khỏe mạnh và mang hai dòng máu Việt – Pháp đã làm cho tổ ấm gia đình thêm hạnh phúc bền chặt.

Sau khi giải quyết ổn thỏa chuyện riêng tư ở cố hương, đại gia đình Trần Thị Thu và Pascal đã quyết định trở lại Hội An định cư, làm ăn sinh sống. Về lại cố hương lần này, hai vợ chồng bàn nhau mở công ty kinh doanh dịch vụ du lịch, và nghề mà họ lựa chọn là hướng dẫn tour du lịch bằng xe đạp cho du khách thập phương.

Đầu năm 2010, Công ty Heaven & Earth được thành lập, đi vào hoạt động đã tạo công ăn việc làm cho không ít lao động tự do trong vùng, góp phần vào sự phát triển của quê hương. Anh Pascal đang cố gắng học thêm tiếng Việt.

Giờ đây, Hội An đã là quê hương thứ hai, là mái nhà không thể xa rời nên anh càng cố gắng hơn nữa, vì hạnh phúc gia đình và tương lai của con cái.

Nói về người chồng ngoại quốc của mình, chị Trần Thị Thu chia sẻ: “Người Pháp đúng là nổi tiếng lãng mạn. Suốt thời gian sống với nhau, anh chưa bao giờ to tiếng, dù có đôi khi hơi xẵng giọng nhưng gần như ngay lúc ấy, nụ cười hiền đã nở trên môi.

Thời gian đầu chung sống, bất đồng ngôn ngữ là rào cản lớn nhất, nhưng cả hai có biết đôi chút tiếng Anh nên mọi khúc mắc nhanh chóng được tháo gỡ. Bây giờ, chị đã có vốn tiếng Pháp kha khá, và mỗi khi có gì đó mâu thuẫn, cả hai chỉ ngồi lại, nói chuyện một lát là giải quyết ổn thỏa ngay”.

Trong khi đó, Pascal cởi mở cho biết thêm, gia đình anh theo nghề buôn bán, bố anh vốn là một thương gia có tiếng trong vùng Palles (Pháp).

Mải mê đây đó, anh chẳng mấy để ý đến chuyện vợ con dù cả nhà thúc giục, không ngờ lại tìm được gia đình ấm êm vì tiếng sét ái tình với người con gái phố Hội. Với anh, đó thực sự là quyết định sáng suốt và đúng đắn nhất trên đời.

Giờ đây, căn nhà khá khang trang kiêm luôn văn phòng Công ty Heaven & Earth của gia đình anh chị Pascal Rousseou và Trần Thị Thu đang là điểm đến lý tưởng của không ít du khách thập phương.

Họ đến, không hẳn vì đây là một địa chỉ làm ăn uy tín, mà cảm kích câu chuyện tình yêu bền đẹp, cuộc hôn nhân không biên giới hạnh phúc, đến với tổ ấm nhỏ để chúc phúc, và không ít người trong số họ cũng mong cho mình sẽ tìm được một mái ấm như vậy khi đến với phố cổ Hội An.

Nguồn ĐS&PL: http://phunutoday.vn/xa-hoi/doi-song/201204/Tinh-yeu-cua-co-lai-do-voi-chang-trai-Phap-si-tinh-2147365/