Tình trạng 'giơ cao, đánh khẽ' sẽ không còn đất sống

Điển hình nhất là vụ Trịnh Xuân Thanh, lời khẳng định trước cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là kiên quyết bắt bằng được để xử lý. Đây là tiền đề cho các vụ án khác mà nghi phạm còn trốn tránh hoặc những người đã bị xử lý nhưng còn đang trong “lộ trình” phát hiện những sai phạm khác, khó mà lọt lưới pháp luật.

Hầu như ngay lập tức, có một vụ án khác minh chứng điều này. Đó là một thanh niên hành hạ dã man em bé, quay vidio và tung lên mạng khiến dư luận phẫn nộ. Người này đã bị bắt khi danh tính được làm rõ và hắn ta đang lẩn trốn tại TP. Hồ Chí Minh, cách xa hiện trường xảy ra vụ việc ở biên giới phía Tây. Tương tự, trong tuần xảy ra một vụ cướp ngân hàng táo tợn, nghi phạm dùng súng và lấy đi khoảng 700 triệu đồng rồi tẩu thoát. Tên cướp này dù có trốn tránh kiểu gì thì chắc chắn cũng sẽ không thoát.

Có những trường hợp, bị pháp luật “sờ gáy” bởi một hành vi vi phạm nhỏ nhưng sau đó một loạt các hành vi khác, nghiêm trọng hơn bị phanh phui. Đó là vụ Giám đốc Công ty bảo vệ rút súng dí vào đầu người phụ nữ đến đòi tiền lương cho con, Công an đã phát hiện trong xe ô tô của ông này có những “thẻ ngành” công an làm giả, có thể dùng vào các mục đích phi pháp khác. Trường hợp này cũng tương tự khi một Giám đốc doanh nghiệp bị bắt vì có dấu hiệu chiếm đoạt tiền vay ngân hàng, khám xét xe ông này phát hiện ra trang phục công an, phù hiệu ngành và súng.

Cũng có những sự việc vừa xảy ra, rất nóng, nội dung có chứa những hành vi tiêu cực, phạm pháp nhưng còn chưa được làm rõ. Ví dụ, hàng triệu mét khối đất ở cạnh sân bay Nội Bài bị đào lên đem bán mà không một chính quyền xã sở tại nào nhận thuộc quyền quản lý của mình. Hoặc, tại Sóc Trăng, một cơ sở buôn bán phân bón bị nghi ngờ là tung ra thị trường hàng trăm bao phân rởm nhưng không bị cơ quan nào xử lý.

Vụ việc này đã được phản ảnh trên báo chí với nghi vấn đã có người nào đó bao che, ỉm đi. Tiếp tục, như câu hỏi đặt ra tại Phú Quốc, tại sao đảo này thiếu cát mà vẫn xuất khẩu cát sẽ phải có câu trả lời đích đáng trước công luận và có thể trước pháp luật nữa. Những hiện tượng và hành vi buông lỏng quản lý, dung túng vi phạm này, hẳn rằng một khi đã bị phanh phui trên báo chí, bị người dân phát hiện cũng khó lòng mà thoát khỏi lưới pháp luật một cách “ngoạn mục”!

Tình trạng xử lý nửa vời hoặc “giơ cao, đánh khẽ” sẽ không còn đất sống trong chủ trương xây dựng một Chính phủ liêm chính cũng như các biện pháp siết chặt kỷ cương, phép nước. Điển hình như vụ cháy quán Karaoke trên đường Trần Thánh Tông (Hà Nội) thì một loạt cán bộ của Quận Cầu Giấy bị kỷ luật với các hình thức khác nhau và vẫn còn tiếp tục. Mới đây, 3 cảnh sát thuộc lực lượng cứu hỏa trong vụ này cũng bị kỷ lật và một động thái rất mới là cơ quan Cảnh sát phòng, chữa cháy đã đứng ra nhận lỗi công khai.

Những chuyển động trong đời sống pháp luật xảy ra tuần qua là rất đáng chú ý. Tội ác thể hiện ở cách hình thức khác nhau, táo tợn hay âm thầm, một đối tượng hay cả băng nhóm thực hiện, giấu mặt hay công khai thì cũng nhất định bị phát hiện và bị xử lý. Lưới trời dẫu thưa nhưng khó lọt, câu thành ngữ này luôn luôn đúng với những kẻ gây ra tội ác và cũng đúng khi áp dụng vào trong lĩnh vực pháp luật, tội ác phải nhận sự trừng phạt là đương nhiên, luật trời hay luật người cũng vậy!.

Khánh An

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-tri/tinh-trang-gio-cao-danh-khe-se-khong-con-dat-song-309567.html