Tinh thần quyết chiến, quyết thắng của quân đội ta*

QĐND - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau những thắng lợi vang dội của quân và dân ta trong mùa khô 1966-1967, 1967-1968, làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, quân và dân ta đã tiến hành nhiều chiến dịch tiến công, phản công, trong đó tiêu biểu là Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971, đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, mở ra cục diện mới, tạo so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho Cách mạng ba nước Đông Dương nói chung và Cách mạng Việt Nam nói riêng.

QĐND - Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, sau những thắng lợi vang dội của quân và dân ta trong mùa khô 1966-1967, 1967-1968, làm thất bại chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, quân và dân ta đã tiến hành nhiều chiến dịch tiến công, phản công, trong đó tiêu biểu là Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971, đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ, mở ra cục diện mới, tạo so sánh lực lượng ngày càng có lợi cho Cách mạng ba nước Đông Dương nói chung và Cách mạng Việt Nam nói riêng.

Thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào là thắng lợi của đường lối chính trị, quân sự đúng đắn và sáng tạo của Đảng, sự chỉ đạo tập trung, kiên quyết và chính xác của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương; là thắng lợi của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, tinh thần đoàn kết hiệp đồng, lập công tập thể của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, các lực lượng tham gia chiến dịch; là thắng lợi của phương hướng xây dựng quân đội đúng đắn về mọi mặt..., trong đó, việc xây dựng, phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng cho bộ đội là một thành công điển hình, một trong những yếu tố quyết định đưa chiến dịch đến toàn thắng..

... Thực tiễn chiến dịch cho thấy, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng nhằm phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng đã được tiến hành ngay từ trước và suốt quá trình chiến đấu đến khi kết thúc chiến dịch. Quá trình đó có những đặc điểm và nội dung cụ thể như sau:

Một là, trước khi mở chiến dịch, công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng đã được chú trọng thực hiện ngay trong từng bước chuẩn bị chiến dịch. Mùa Hè năm 1970, trên cơ sở nhận định và dự đoán chính xác âm mưu và thủ đoạn của địch, Bộ Chính trị đã ra lời kêu gọi, động viên nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân hai miền Nam, Bắc kiên trì đẩy mạnh cuộc kháng chiến cứu nước, tăng cường liên minh chiến đấu với quân và dân hai nước Lào và Cam-pu-chia anh em, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn...

Cùng với việc tổ chức chuẩn bị chiến trường, sẵn sàng đánh địch, công tác tư tưởng trong toàn quân đã tập trung làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận rõ tình hình, quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ xây dựng và chiến đấu, quyết tâm bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, làm tròn nghĩa vụ quốc tế đối với nhân dân Lào và Cam-pu-chia. Cuối tháng 8-1970, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng mở lớp tập huấn cho hơn 300 cán bộ cao cấp, trung cấp của các quân khu, đơn vị, cơ quan và nhà trường trong toàn quân. Nội dung học tập bao gồm đường lối quân sự của Đảng, một số cách đánh mới trong chiến dịch, chiến thuật; công tác tham mưu, công tác đảng, công tác chính trị, công tác hậu cần trong chiến dịch và chiến đấu... Công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng đã bám sát yêu cầu nhiệm vụ huấn luyện, kịp thời phổ biến kinh nghiệm các trận đánh có hiệu suất cao, tạo không khí phấn khởi, niềm tin cho bộ đội. Đặc biệt, Tổng cục Chính trị đã hướng dẫn các cơ quan, đơn vị gắn nội dung Cuộc vận động “Nâng cao chất lượng đảng viên và kết nạp đảng viên lớp Hồ Chí Minh”[1] với nhiệm vụ huấn luyện và chiến đấu của đơn vị; đồng thời tổ chức đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Các cuộc vận động và sinh hoạt chính trị đã diễn ra sôi nổi, có tác dụng vô cùng quan trọng đối với việc nâng cao trình độ, tư tưởng cán bộ, chiến sĩ các đơn vị trong toàn quân...

Tháng 11-1970, trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đã tiến hành cuộc động viên chính trị hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Đảng và Chính phủ, thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tổng tư lệnh. Cuộc động viên chính trị cùng với đợt sinh hoạt học tập Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 18, học tập và làm theo Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tạo nên những chuyển biến mới về nhận thức và hành động của cán bộ, chiến sĩ, dấy lên một khí thế cách mạng sục sôi trong toàn quân, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu và ý chí quyết tâm đánh thắng địch nếu chúng liều lĩnh tiến công ra miền Bắc hoặc ra Đường 9 - Nam Lào....

Hai là, khi chiến dịch được mở ra, công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng nhằm phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng đã bám sát mục tiêu, yêu cầu cụ thể của chiến dịch và tiến hành trong điều kiện diễn biến chiến dịch hết sức phức tạp và khẩn trương. Các đơn vị tham gia chiến dịch mặc dù có quá trình xây dựng và chiến đấu khác nhau, nhưng đều trải qua một thời gian xây dựng, huấn luyện và được chuẩn bị kỹ cả về tư tưởng, tổ chức, kỹ thuật, chiến thuật, trang bị vật chất. Sự chuẩn bị đó có quan hệ rất lớn đến thắng lợi của chiến dịch. Cán bộ, chiến sĩ bước vào chiến dịch với tinh thần quyết tâm cao, niềm tin sắt đá vào thắng lợi...

... Ngày 8-2-1971, địch mở cuộc tiến công vượt biên giới Việt - Lào bằng 7 trung đoàn bộ binh, dù, thủy quân lục chiến và các đơn vị thiết giáp của quân đội Việt Nam cộng hòa với sự chi viện mạnh của hỏa lực pháo binh, không quân Mỹ. Trước hành động tiến công của địch, Trung ương Đảng đã ra lời kêu gọi, trong đó khẳng định: Đây là một trong những trận đánh có ý nghĩa quyết định về chiến lược, không những để giữ vững tuyến vận tải chiến lược chi viện cho các chiến trường mà còn nhằm tiêu diệt các đơn vị dự bị chiến lược của địch trong lúc tinh thần của chúng đang suy sụp, tạo điều kiện đánh bại một bước quan trọng chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của chúng, đẩy cuộc kháng chiến tiến lên mạnh mẽ, để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, làm tròn nghĩa vụ quốc tế vẻ vang. Vì vậy, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta là: “Tập trung lực lượng, kiên quyết tiêu diệt thật nhiều sinh lực, phương tiện chiến tranh của Mỹ, ngụy; bảo vệ bằng được con đường chi viện cho tiền tuyến, phối hợp với các chiến trường, với nhân dân các nước Lào và Cam-pu-chia anh em, đập tan hành động phiêu lưu quân sự của đế quốc Mỹ và tay sai”[2]. Thực hiện quyết tâm chiến lược và lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, ngày 9-2, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị: “Kiên quyết đập tan bước phiêu lưu quân sự mới của đế quốc Mỹ và tay sai, giành toàn thắng cho chiến dịch”[3]. Chỉ thị của Quân ủy Trung ương yêu cầu các cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải “Ra sức động viên chính trị, làm cho mỗi cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên nhận rõ tình hình, nhiệm vụ, ý nghĩa quan trọng, yêu cầu của chiến dịch, quyết thắng thật cao, động viên khí thế chiến đấu thật sôi sục, thật bền bỉ, nêu cao lòng yêu nước, tinh thần quốc tế vô sản, khơi sâu lòng căm thù giặc, có quyết tâm hy sinh chiến đấu, cống hiến lớn nhất cho dân tộc, cho Đảng. Bất kể tình huống nào chúng ta cũng phải đánh thắng...”[4]. Lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương và Chỉ thị của Quân ủy Trung ương là ý chí của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm đánh thắng địch, đồng thời thể hiện sự quan tâm và cổ vũ của Đảng đối với tất cả các lực lượng... có vinh dự tham gia chiến dịch.

Ngày 14-2-1971, Đảng ủy Bộ Tư lệnh chiến dịch họp để nghiên cứu, quán triệt lời kêu gọi của Đảng và Chỉ thị của Quân ủy Trung ương trong điều kiện chiến dịch bắt đầu triển khai và diễn biến hết sức khẩn trương. Đảng ủy yêu cầu các cấp ủy, chỉ huy các đơn vị phải vừa lãnh đạo tác chiến, vừa nhanh chóng phổ biến, truyền đạt lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương và Chỉ thị của Quân ủy đến các cấp ủy cơ sở và cán bộ, đảng viên, đoàn viên nhằm quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, mục đích, ý nghĩa chiến dịch và nhiệm vụ từng hướng, từng đơn vị. Lời kêu gọi của Đảng và Chỉ thị của Quân ủy Trung ương đã tạo sự nhất trí cao từ trên xuống dưới, tạo khí thế thi đua lập công trong các đơn vị hết sức sôi nổi. Nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm, đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu, lập công xuất sắc đã xuất hiện, nhiều đơn vị đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đánh thắng địch ngay từ trận đầu.

Tiếp sau thắng lợi trong những ngày đầu chiến dịch, bằng một loạt trận đánh tiêu diệt quân địch ở khu vực điểm cao 500, 456, 543, 530 và các trận đánh phá kho tàng, giao thông ở phía Đông Đường 9..., ta đã bẻ gãy cánh quân phía Bắc Đường 9, gây thiệt hại và đẩy lùi cánh quân phía Nam Đường 9 của địch, tạo thế bao vây lực lượng chủ yếu của chúng ở Bản Đông. Thắng lợi trong đợt đầu chiến dịch đã có sức cổ vũ, động viên tinh thần bộ đội trên toàn mặt trận. Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã chỉ đạo công tác tư tưởng tập trung vào việc phát huy thắng lợi, biểu dương, khen thưởng kịp thời; tiếp tục quán triệt phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến; nêu cao tinh thần đoàn kết, hiệp đồng chiến đấu, thi đua lập công; đồng thời chú trọng đề cao tinh thần liên tục chiến đấu, vừa đánh vừa củng cố lực lượng, chấp hành nghiêm kỷ luật chiến trường; kiên quyết tiến lên giành toàn thắng cho chiến dịch...

... Trên đà thắng lợi và với thế tiến công áp đảo quân địch, ngày 2-3-1971, Quân ủy Trung ương ra chỉ thị, trong đó nêu rõ: "Tuy địch đã thất bại bước đầu ngoài dự tính, nhưng với bản chất ngoan cố và còn lực lượng, nên qua mấy ngày lúng túng, chúng đang điều động thêm lực lượng với ý đồ củng cố trận địa Bản Đông thành một bàn đạp tương đối vững, đồng thời dùng lực lượng mới, thay đổi thủ đoạn tác chiến, cố gắng tiếp tục cuộc hành quân, hòng vớt vát về chính trị... Tình huống cơ bản là cuộc chiến đấu có thể sẽ diễn ra quyết liệt trong một thời gian tương đối dài; chúng ta phải sẵn sàng đánh địch và thắng địch; đồng thời sẵn sàng tiêu diệt địch trong trường hợp chúng buộc phải rút sớm trước những thất bại mới"[5]... Trên cơ sở nhận định tình hình, Quân ủy Trung ương đã biểu dương những thắng lợi đạt được, khẳng định khả năng giành thắng lợi to lớn của ta, chỉ ra những ưu, khuyết điểm vừa qua; đồng thời nhấn mạnh quyết tâm sắt đá của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kiên quyết đánh thắng địch, giành thắng lợi cho chiến dịch.

Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã nhanh chóng quán triệt tinh thần cơ bản Chỉ thị của Quân ủy Trung ương đến các hướng, các đơn vị. Công tác lãnh đạo tư tưởng lúc này có nhiệm vụ hết sức quan trọng là tập trung làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ nhận thức rõ nhiệm vụ chủ yếu trước mắt là đánh bại quân địch đang tăng cường sang phía Nam Sê Pôn, động viên các đơn vị trên hướng Nam Sê Pôn nâng cao quyết tâm vừa diệt địch, vừa bảo vệ kho tàng, bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược; đồng thời kiên quyết tiêu diệt địch nếu chúng liều lĩnh tiến đến Sê Pôn. Ở các hướng khác, tiếp tục động viên tinh thần tiến công liên tục, kiên quyết cắt đứt Đường 9, chuẩn bị tư tưởng đánh dài ngày với địch và sẵn sàng nắm vững thời cơ đánh địch nếu chúng rút chạy. Chiến sự diễn ra nhanh chóng và quyết liệt. Bằng các trận đánh tiêu diệt lớn khi địch đổ quân xuống các điểm cao, vây ép chúng tại các điểm cao 748, 723, 550, 532 ở cánh Nam Sê Pôn; các trận tập kích tiêu hao, tiêu diệt địch ở khu vực Bản Đông; ngăn chặn giữ vững các điểm tựa trên Đường 9, ta đã chia cắt, cô lập địch trên từng khu vực. Bị đánh thiệt hại nặng trên tất cả các hướng, cả phía trước và phía sau, trước nguy cơ bị bao vây và có thể bị tiêu diệt trên từng khu vực, địch buộc phải rút chạy từng bộ phận. Trước tình hình đó, Bộ chỉ huy chiến dịch đã hạ quyết tâm: Không cho quân địch rút nhanh, rút có tổ chức; nhanh chóng chuyển sang tiến công, tập trung lực lượng đánh trận then chốt quyết định. Công tác lãnh đạo tư tưởng ở các đơn vị đã tập trung vào việc nhận rõ tình thế, thời cơ thuận lợi, động viên khí thế anh dũng xốc tới, hành động táo bạo, kiên quyết vây chặt, ép sát, đánh mạnh, đánh liên tục, không cho địch chạy thoát. Ngày 14-3, Bộ tư lệnh phát lệnh động viên tới các đơn vị trên toàn mặt trận: “Thời cơ tiêu diệt lớn quân địch và giành toàn thắng cho chiến dịch đã đến”. Lệnh động viên đã có tác động cổ vũ sâu rộng và mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội. Trên khắp các mặt trận, phong trào thi đua lập công diễn ra sôi nổi giữa các đơn vị, các hướng. Cán bộ, chiến sĩ bước vào giai đoạn cuối chiến dịch với khí thế quyết tâm cao, nắm chắc thời cơ tiêu diệt địch, với một nguyện vọng mong muốn lập công, góp phần xứng đáng vào thắng lợi. Trên các hướng, các đơn vị đều nỗ lực chiến đấu và giành thắng lợi..

... Trải qua hơn 50 ngày đêm chiến đấu liên tục, vượt mọi khó khăn, gian khổ, thử thách quyết liệt trong chiến đấu, đơn vị nào, binh chủng nào cũng đánh thắng, hướng nào cũng lập công; tinh thần quyết chiến, quyết thắng của bộ đội ta đã được phát huy cao độ, thể hiện trên các mặt sau đây:

Thứ nhất, các đơn vị đã quyết tâm khắc phục mọi khó khăn, kịp thời triển khai lực lượng trên các hướng. Đặc biệt, các đơn vị Binh đoàn B70 đã chạy đua với địch, hành quân cơ giới với khối lượng lớn binh khí kỹ thuật, vượt đường dài, vượt núi rừng hiểm trở, vượt trọng điểm đánh phá, kể cả ban ngày. Một số đơn vị đang làm nhiệm vụ khác, được lệnh tham gia chiến dịch đã khẩn trương hành quân, vượt cung trạm, vừa đi vừa chuẩn bị, đến vị trí đã tham gia chiến đấu được ngay. Trong quá trình phát triển chiến dịch, một số đơn vị được lệnh cơ động chuyển hướng đã chấp hành nhanh chóng mệnh lệnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chiến dịch.

Thứ hai, các đơn vị tại chỗ và chủ lực đều quyết tâm thực hiện thắng lợi từng bước, từng nhiệm vụ của chiến dịch như quyết tâm đánh tiêu diệt một số căn cứ hỏa lực quan trọng, đánh bại một số trận phản kích có xe tăng, thiết giáp của địch; kiên quyết tiêu diệt cánh quân đột xuất của địch tiến ra Nam Sê Pôn; tiến công và truy kích tiêu diệt tập đoàn chủ yếu của địch ở Bản Đông rút chạy; đánh vào bàn đạp hành quân, hậu cứ, kho tàng, đường bộ, đường sông của địch; vừa đánh địch vừa vận chuyển chi viện liên tục cho các chiến trường.

Thứ ba, các đơn vị đã quyết tâm thực hiện các cách đánh có hiệu quả như vây lấn kiên trì, áp sát vây chặt, lấn đến đâu giữ đến đó, xen kẽ với địch, đánh liên tục ngày đêm cho đến khi dứt điểm; các chốt kiên cường chặn đường tiến, đường rút của địch; đánh thiết giáp địch bằng vũ khí bộ binh, đánh bại các cuộc đổ quân bằng trực thăng; đánh tê liệt các cụm pháo binh địch; luồn sâu, đánh hiểm vào hậu cứ, kho tàng, sở chỉ huy địch...

Trong chiến dịch, rất nhiều tấm gương hy sinh, chiến đấu dũng cảm, mưu trí. Cán bộ chỉ huy các cấp có trách nhiệm cao, tác phong sâu sát; đảng viên, đoàn viên gương mẫu xung phong, nhiều chiến sĩ mới đã trở thành dũng sĩ, nhiều đơn vị trở thành đơn vị quyết thắng, đơn vị anh hùng... Tất cả đều nêu cao quyết tâm vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt, lập chiến công, góp phần đưa chiến dịch đến toàn thắng.

Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, tinh thần quyết chiến, quyết thắng là truyền thống vô cùng quý báu của quân đội ta. Truyền thống đó được xây dựng trên cơ sở giác ngộ về chính trị, lòng yêu nước và lòng căm thù giặc sâu sắc. Trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, việc phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng là nhân tố cơ bản, là cơ sở vững chắc để cán bộ, chiến sĩ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong từng đợt chiến dịch; đồng thời là nhiệm vụ trọng tâm của công tác lãnh đạo tư tưởng. Công tác lãnh đạo tư tưởng phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch đã đạt hiệu quả cao, góp phần vào thắng lợi của chiến dịch. Từ thực tiễn công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng nhằm phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch có thể rút ra những kinh nghiệm chủ yếu sau đây:

Một là, việc xây dựng và phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong chiến dịch phải gắn liền với quá trình giáo dục chính trị cơ bản từ trước. Đó là quá trình giáo dục những vấn đề cơ bản về lý luận chủ nghĩa Mác - Lê-nin, đường lối chính trị, đường lối quân sự của Đảng, tình hình nhiệm vụ cách mạng, chức năng của lực lượng vũ trang, truyền thống anh hùng, bất khuất của dân tộc, bản chất và truyền thống cách mạng của quân đội. Kết quả của việc giáo dục cơ bản đó đã góp phần nâng cao trình độ giác ngộ chính trị của bộ đội, xây dựng lý tưởng chiến đấu vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội, làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ luôn nhận rõ tình hình nhiệm vụ, nhận rõ âm mưu của địch, đánh giá đúng chỗ mạnh, chỗ yếu của chúng, nhận rõ sức mạnh chính nghĩa và tất thắng của ta, không ngừng nâng cao ý chí chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ chiến đấu và xây dựng.

Hai là, để phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng đòi hỏi phải quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, mục đích, yêu cầu tác chiến chiến dịch đến từng đơn vị, cán bộ, chiến sĩ, từ đó làm cho mọi cán bộ, chiến sĩ có quyết tâm chiến đấu cao, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ chiến dịch. Thực tiễn chiến dịch cho thấy, ngay từ khi quyết định mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã đề ra yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể của chiến dịch là: Tiêu diệt thật nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn tác chiến của chúng; kiên quyết bảo vệ tuyến vận tải chiến lược, căn cứ, kho tàng của ta; phối hợp với các chiến trường trên toàn miền Nam và các chiến trường Lào, Cam-pu-chia làm thất bại chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” và âm mưu “Dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương” của đế quốc Mỹ. Về yêu cầu tác chiến là: Tiến hành các trận đánh lớn hiệp đồng binh chủng, đánh liên tục, tiêu diệt thật nhiều địch, làm chủ chiến trường, thu nhiều vũ khí, giữ vững quyền chủ động trong điều kiện chiến dịch phản công diễn ra hết sức khẩn trương, phức tạp và ác liệt. Việc quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, yêu cầu chiến dịch đến các đơn vị đã động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội trên tất cả các hướng và trong từng đợt chiến dịch. Các đơn vị tham gia chiến dịch đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tiêu diệt lực lượng lớn quân địch[6], giữ và bảo vệ vững chắc tuyến vận tải chiến lược...

Ba là, xây dựng, bồi dưỡng tinh thần chiến đấu, giữ vững quyết tâm phải được tiến hành liên tục trong suốt quá trình chiến dịch, coi đó là một biện pháp quan trọng để duy trì, nâng cao sức chiến đấu của bộ đội. Trong chiến tranh nói chung và trong chiến đấu nói riêng, tư tưởng luôn diễn biến theo quy luật: Thắng lợi thường phát sinh chủ quan, coi thường địch; khó khăn, ác liệt thường dẫn đến bi quan, thiếu tin tưởng vào khả năng đánh thắng. Vì vậy, kinh nghiệm lãnh đạo tư tưởng, xây dựng ý chí quyết tâm trong chiến đấu là phải nhạy bén trước mọi diễn biến tình hình, từ những thay đổi trong quá trình phát triển chiến dịch, các tình huống phức tạp nảy sinh, đến diễn biến tư tưởng của bộ đội..., trên cơ sở đó dùng nhiều biện pháp giáo dục, động viên, khích lệ, kết hợp đấu tranh với những biểu hiện dao động, thiếu quyết tâm trong chiến đấu...

Với Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, việc xây dựng và phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng là một thành công điển hình, một trong những yếu tố quyết định đưa chiến dịch đến thắng lợi. Tinh thần quyết chiến, quyết thắng đó thể hiện ở chỗ: Bộ đội ta “dám đánh, biết đánh và biết thắng địch”. Việc coi trọng nhân tố tinh thần, xây dựng và củng cố quyết tâm cao trong chiến đấu bằng mọi biện pháp lãnh đạo tư tưởng kết hợp với công tác tổ chức là một bài học lớn rút ra từ thắng lợi của Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào. Nó chứng tỏ, chiến tranh càng ác liệt thì tinh thần của bộ đội càng giữ vai trò quan trọng. Đúng như V.Lê-nin đã khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tâm trạng của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”[7]. Những bài học về xây dựng, phát huy tinh thần quyết chiến, quyết thắng trong Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào đến nay vẫn còn nguyên giá trị....

Trung tướng, PGS, TS Nguyễn Tuấn Dũng (Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị)

* Trích tham luận gửi Hội thảo khoa học: "Chiến thắng đường 9 - Nam Lào 1971: Tầm vóc, ý nghĩa và bài học lịch sử"

(1). Lớp đảng viên Hồ Chí Minh có 23.000 cán bộ, chiến sĩ ưu tú trong toàn quân được kết

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/qdndsite/vi-VN/61/43/4/39/39/168355/Default.aspx