Tỉnh táo trước những thủ thuật

Vay nhanh, thủ tục đơn giản, không phải trả lãi suất là lời mời hấp dẫn của những chương trình cho vay tiêu dùng lãi suất 0% và các gói ưu đãi. Các công ty tài chính (CTTC), ngân hàng (NH) nói không dùng chiêu trò gì mà nhờ sự chia sẻ của nhà sản xuất, đơn vị bán lẻ. Dù vậy, các chuyên gia vẫn cho rằng người tiêu dùng phải hết sức tỉnh táo cân nhắc nhu cầu thật để tránh chiêu kích tiêu dùng, bởi mục đích của các chương trình này còn bí ẩn.

Từ vay tiêu dùng đến bất động sản

Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Chiến lược NH (NHNN), tiềm năng cho vay lĩnh vực tiêu dùng của Việt Nam còn rất lớn. Tại nhiều nước cho vay tiêu dùng có tỷ lệ khá cao trên tổng dư nợ, như Philippines, Ấn Độ, Malaysia… cho vay tiêu dùng 25-30%/tổng dư nợ, trong khi thống kê năm 2015 ở Việt Nam mới chiếm gần 12%/tổng dư nợ. Trong 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng trung bình 20%/năm; dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân đầu người xấp xỉ 1,5 triệu đồng. Đa số người có nhu cầu vay tiêu dùng đều mong muốn thủ tục vay đơn giản, nhanh chóng và đặc biệt không phải thế chấp tài sản khi vay. Ngoài ra, vấn đề lãi suất trong vay tiêu dùng cũng được quan tâm. Theo đó lãi suất 0% đã bùng nổ trên thị trường trong thời gian qua để nắm bắt nhu cầu của người dùng ở cả CTTC và ngân hàng thương mại (NHTM).

Việc đẩy mạnh cho vay lãi suất 0% nhằm mục tiêu gia tăng doanh số và số lượng khách hàng là chủ yếu. Chỉ riêng trong tháng 8-2016, Home Credit Việt Nam có thêm 200.000 khách hàng mới vay trong mảng điện máy gia dụng, điện tử. Trong 8 tháng năm 2016, công ty có 1,1 triệu khách hàng mới. Đây là cơ sở dữ liệu khách hàng lớn để công ty chào mời những sản phẩm vay khác, dài hạn hơn trong tương lai.

Ông Bruce Butler, Tổng giám đốc Home Credit Việt Nam

Các CTTC chiếm thị phần lớn trên thị trường cho vay trả góp như HD Saison, FE Credit, Home Credit luôn có những chương trình khuyến mại lãi suất trả góp 0% ở mọi thời điểm. Thông thường lãi suất 0% được kết hợp với nhà sản xuất hoặc trung tâm phân phối ở một số dòng sản phẩm nhất định như điện máy, điện tử, gia dụng, xe máy, ô tô. Chẳng hạn mỗi tháng các CTTC đưa ra các mẫu điện thoại, máy tính bảng để cho vay trả góp 0% tại các hệ thống của Thế giới di động, FPT Shop… Khảo sát cho thấy có sản phẩm áp dụng cho vay lãi suất 0% trong 4-6 tháng, tức người vay tất toán khoản vay trong thời gian trên không phải trả thêm bất kỳ lãi suất nào. Nhưng cũng có đơn vị áp dụng trả trước 50% giá trị món hàng và được hưởng lãi suất 0% cho 50% còn lại.

Trả góp lãi suất 0% còn được dân văn phòng, những người có thu nhập khá vay thông qua trả góp thẻ tín dụng của các NH đang khá phổ biến. Hầu hết thẻ tín dụng đều có dịch vụ này, người dùng chỉ cần thanh toán qua thẻ lập tức sở hữu món hàng và sẽ trả góp lãi suất 0% hàng tháng trong khoảng 1 năm. Nhiều người dùng nhận xét nếu thanh toán trả góp qua thẻ tín dụng không phải làm hợp đồng vay và mua bảo hiểm như đối với áp dụng khi vay tiền tại CTTC lúc mua hàng. Điều này cũng khiến dịch vụ lãi suất 0% có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ này.

Trước đây lãi suất 0% chủ yếu nở rộ trong cho vay mua các sản phẩm tiêu dùng, gia dụng, nay cũng được áp dụng rộng rãi dưới chương trình cho vay ưu đãi khách hàng cá nhân mua nhà. Điểm chung của chương trình này là các NH kết hợp với chủ đầu tư dự án để khuyến mại lãi suất 0% trong thời gian đầu 18-20 tháng. Thí dụ, HDBank cho khách hàng vay mua căn hộ thuộc dự án Dragon Hill Residence and Suites I với lãi suất 0%/năm cố định trong vòng 1 năm. OCB áp dụng lãi suất vay cho khách hàng mua các dự án của Nam Long 0% cũng trong 1 năm đầu. TPBank cho vay dự án The GoldView lãi suất 0% trong 18 tháng. Vietcombank Hà Nội cho vay 0% trong 6 tháng đối với dự án Tràng An Complex, thời hạn 1 năm cho dự án T10 Times City và 24- 36 tháng với dự án Vinhomes River side. VietinBank cũng áp dụng ưu đãi lãi suất 0% cho một số dự án của chủ đầu tư Đất Xanh, Vingroup. Rõ ràng, cuộc chiến cho vay tiêu dùng của CTTC và các NH đang hết sức sôi động.

Ảnh minh họa: LONG THANH

"Bí ẩn" lãi suất sau thời gian ưu đãi

Thị trường cho vay tiêu dùng ở Việt Nam được đánh giá là miếng bánh hấp dẫn với tiềm năng dân số trẻ và khát vọng kinh doanh, lập nghiệp. Đi sâu vào những chương trình khuyến mại đáp ứng nhu cầu này là các gói tín dụng đánh vào ưu đãi lãi suất cho khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh, doanh nghiệp siêu nhỏ phục vụ sản xuất kinh doanh, gọi chung là thị trường bán lẻ, đang rất phổ biến. Chỉ có điều những ưu đãi này không kéo dài mà áp dụng trong một thời gian ngắn so với hợp đồng vay vốn. Do vậy, lãi suất sau ưu đãi luôn là mối bận tâm lớn.

CTTC cung cấp tín dụng 0% chỉ khi đã có thỏa thuận với nhà cung cấp sản phẩm. Chẳng hạn CTTC thỏa thuận với nhà cung cấp máy điều hòa để được hưởng 20% số tiền bán ra, với 20% đó xem như CTTC đã có lãi. Trên nguyên tắc, nhà sản xuất sẽ chấp nhận chịu lỗ CTTC mới cho vay lãi suất 0%. Bên cạnh, CTTC đã tính toán kỹ chi phí bù đắp cho chênh lệch lãi suất thị trường và lãi suất 0% trong giá bán, hoặc tính vào chi phí quảng cáo, tiếp thị.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - NH

VIB vừa thông báo chương trình ưu đãi cho khách hàng cá nhân ngay trong dịp Giáng sinh năm nay. Khách hàng sẽ chọn lựa lãi suất ưu đãi từ 6,99%/năm khi vay mua ô tô và từ 7,49%/năm khi vay mua/xây dựng/sửa chữa nhà, vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, vay cá nhân kinh doanh và vay du học. Lãi suất sau thời gian ưu đãi sẽ được tính bằng lãi suất cơ sở cộng biên độ 3,99%/năm. Lãi suất cơ sở sẽ được VIB cập nhật công bố thường xuyên. Chưa rõ cách tính như thế nào nhưng tại thời điểm hiện nay mức lãi suất cơ sở đang công bố là 6,7%/năm. Hay theo chính sách cho vay của OCB cho người vay mua căn hộ tại dự án Flora Fuji, ngoài ưu đãi 0% trong 12 tháng đầu, khách hàng có thể chọn mức 6%/năm cố định trong 24 tháng đầu và 6,5%/năm cố định trong 36 tháng. Mức lãi suất sau thời gian ưu đãi sẽ áp dụng bằng lãi suất suất tiết kiệm 12 tháng (trả lãi cuối kỳ) cộng biên độ 3,5%.

Quy mô các gói tín dụng ưu đãi khá đa dạng, từ vài ngàn tỷ đồng tập trung cho vay mua ô tô, mua nhà, kinh doanh sản xuất nhỏ. Lãi suất sau ưu đãi thường được áp dụng theo công thức lãi suất cơ bản cộng với biên độ lợi nhuận và tất nhiên cao hơn lãi suất ban đầu. Trước đây, lãi suất cơ bản được tính theo lãi suất huy động vốn bình quân 12 tháng của 4 NHTM nhà nước (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) cộng với biên độ lãi suất được xác định là mức bình quân chênh lệch giữa lãi suất cho vay ngắn hạn 12 tháng thông thường của 4 NH này, với lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng của TCTD đó. Tuy nhiên, đối với các NHTMCP, mức lãi suất cơ bản trên thường chiếu theo lãi suất tiết kiệm 13 tháng của tùy từng NH và biên độ 3-5%. Vì sự biến động của lãi suất huy động trên thị trường nên mức lãi suất này cũng khó xác định cụ thể. Theo TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, lãi suất sau ưu đãi là lãi suất trả góp nên thường cao hơn lãi suất bình thường để bù đắp phần chênh lệch đã miễn phí thời gian đầu.

Thận trọng chiêu kích cầu tiêu dùng

Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt để giành thị phần thị trường bán lẻ, câu chuyện lãi suất 0% hay gói ưu đãi khiến câu hỏi đặt ra liệu các đơn vị cho vay sẽ bù đắp như thế nào? Nhiều NHTM cho biết họ đã hợp tác với các nhà bán lẻ và nhà sản xuất để nhận được sự chia sẻ chi phí để thực hiện chính sách lãi suất 0% này. Tuy nhiên, một người làm trong lĩnh vực tài chính cho biết đây là chiêu quảng cáo hiệu quả trong bối cảnh lãi suất luôn được cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi các NH hay CTTC cũng không thể cho vay mà không có lợi nhuận. Có thể chủ đầu tư dự án hợp tác với NH sẽ có trách nhiệm chia sẻ phần nào chi phí này, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là kích nhu cầu tiêu dùng của khách hàng thông qua việc ưu đãi về lãi suất. Trên thực tế, hiệu quả của những chương này đến đâu hiếm khi được các NH chia sẻ. Trước sự bủa vây thoạt nhìn hấp dẫn, song nhiều chuyên gia khuyên người vay phải tỉnh táo và nên xem các ưu đãi mang tính tham khảo. Người tiêu dùng phải biết cách tính toán lãi suất và các điều kiện khác sau khi hết thời gian ưu đãi. Không thể căn cứ vào chương trình khuyến mại để vay vốn mà phải dựa trên nhu cầu thật.

Mới hình thành từ năm 2009, song thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam ngày càng sôi động với sự góp mặt của nhiều TCTD. Người dân bắt đầu sử dụng các kênh cho vay tiêu dùng ngày càng phổ biến hơn, thể hiện ở việc phát hành, tần suất và doanh số sử dụng thẻ tín dụng NH tăng mạnh. Những đợt khuyến mại lãi suất, quà tặng kèm có dịp nở rộ. Quan điểm ủng hộ cho rằng ưu thế xét duyệt cho vay nhanh chóng, không cần tài sản thế chấp, vay tiêu dùng của CTTC hay trả góp qua thẻ tín dụng giúp người dùng tiếp cận được các dịch vụ NH và được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên, mục tiêu của những chương trình khuyến mại này thực chất là nhằm kích thích nhu cầu tiêu dùng. Ban đầu là doanh số, thị phần và sau đó là lợi nhuận. Do vậy các chuyên gia vẫn khuyến cáo người tiêu dùng nên tỉnh táo trước mặt được và chưa được của dịch vụ tài chính này.

Khống chế rủi ro cho vay tiêu dùng

YÊN LAM

NHNN đã ban hành Dự thảo lần 2 Thông tư quy định về cho vay tiêu dùng của công ty tài chính (CTTC) để lấy ý kiến đóng góp, dự kiến sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2017 với các điều khoản hướng đến sự an toàn cho hoạt động vay tiêu dùng. Tuy nhiên, trong đó vẫn có một số điểm chưa phù hợp với thực tế.

Giảm hạn mức vay, không cho vay tiền mặt

Theo dự thảo, CTTC không được cho khách hàng vay tiêu dùng để trả nợ các khoản nợ vay tại chính CTTC cho vay, hoặc tại TCTD, chi nhánh NH nước ngoài khác; không được cho vay để mua nhà ở, thuê, thuê mua nhà ở, xây dựng, sửa chữa nhà ở và vay để mua tàu thuyền, vàng (trừ vàng trang sức, mỹ nghệ). Tại điều 17 của dự thảo cũng quy định, CTTC giải ngân vốn cho vay tiêu dùng thông qua việc sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán trực tiếp cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ. CTTC được xem xét quyết định việc giải ngân vốn cho vay tiêu dùng cho khách hàng để thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa. Điều này đồng nghĩa CTTC sẽ không thể cho vay tiền mặt mà chỉ cho vay thông qua việc mua sản phẩm. Tổng số tiền cho vay tiêu dùng bao gồm dư nợ cho vay và số tiền dự kiến cho vay được giải ngân đối với một khách hàng không vượt quá 10 triệu đồng, hoặc một mức khác theo quyết định của Thống đốc NHNN trong từng thời kỳ.

Một số ý kiến cho rằng, trong bối cảnh cho vay tiêu dùng đang bùng nổ, những điều khoản tại dự thảo cho thấy NHNN đang muốn siết lại hoạt động này để tránh phát sinh nợ xấu, vì đây là hoạt động cho vay rủi ro cao. Tuy nhiên, hạn mức cho vay 10 triệu đồng đối với một khách hàng đang gây ra tranh cãi. Lý giải về hạn mức cho vay 10 triệu đồng, cơ quan soạn thảo cho biết việc CTTC giải ngân vốn vay cho khách hàng để thanh toán cho bên cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiềm ẩn nhiều rủi ro, trong khi năng lực tài chính, nguồn vốn hoạt động của CTTC còn nhiều hạn chế (vốn điều lệ thấp, nguồn vốn hoạt động chủ yếu là đi vay tổ chức tín dụng khác hoặc vay NH mẹ...). Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, việc áp dụng hạn mức 10 triệu đồng/món vay là quá ít. Mục đích NHNN đưa ra mức thấp như vậy có thể để tránh tình trạng người dân lao vào số tiền lớn rồi mất khả năng thanh toán, hạn chế được rủi ro cho người đi vay vì món vay càng thấp, khả năng trả nợ càng cao. Đồng thời, quy định cũng không loại trừ khả năng hạn chế tình trạng có nhiều người vay tiền để đảo nợ, trả nợ cũ hoặc thậm chí vay tiền đánh bạc. Tuy nhiên, hạn mức 10 triệu đồng này không thực tế vì khoản tiền này không mua được nhiều sản phẩm trong thời điểm này, lấy đi khả năng mua những món hàng có giá trị hơn.

Khống chế hạn mức 10 triệu đồng cho một món vay tiêu dùng không thực tế, vì khoản tiền này không mua được sản phẩm trong thời điểm này, lấy đi khả năng mua những món hàng có giá trị hơn. Tuy nhiên, dự thảo cũng nên đưa ra mức lãi suất như thế nào là lãi suất cao để tránh sự lợi dụng của các CTTC.

Cần định nghĩa về lãi suất cao

Liên quan đến vấn đề lãi suất cho vay, dự thảo đưa ra quy định mức lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ do CTTC và khách hàng thỏa thuận phù hợp với quy định của NHNN. Song song đó, CTTC phải ban hành quy định nội bộ về lãi suất cho vay tiêu dùng, trong đó bao gồm mức lãi suất cho vay cao nhất, mức lãi suất cho vay thấp nhất đối với từng sản phẩm cho vay tiêu dùng; các yếu tố, nguyên tắc cơ bản xác định các mức lãi suất cho vay tiêu dùng, trong đó phải bao gồm các yếu tố về chi phí vốn, chi phí rủi ro, lợi nhuận trên vốn, lãi suất thị trường và bảo đảm bù đắp được các chi phí, rủi ro liên quan, đảm bảo quyền lợi của khách hàng và sự phát triển của CTTC. Đồng thời, lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc quá hạn do CTTC thỏa thuận với khách hàng trong hợp đồng cho vay tiêu dùng nhưng không vượt quá 150% lãi suất cho vay trong hạn, tiền lãi đối với số lãi tiền vay chậm trả không vượt quá 10%/năm tính trên số lãi tiền vay chậm trả trong thời gian chậm trả.

Trao đổi vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, quy định lãi suất thỏa thuận trong dự thảo này là một quan điểm cấp tiến. Lãi suất là vấn đề thỏa thuận giữa người cho vay và người đi vay dựa trên nguyên tắc rủi ro cao, lãi suất càng cao. Khi rủi ro càng cao, CTTC sẽ áp dụng chênh lệch lãi suất giữa cho vay và chi phí vốn (NIM) càng lớn để những món vay bị mất sẽ được bù bằng lợi nhuận thu được từ những món vay khác, đây là cơ sở để đưa ra lãi suất cho vay. Đối với những khoản vay có độ rủi ro bình thường, trong 10 món vay mới có 1 món có khả năng mất vốn, CTTC áp dụng NIM ở mức 10%. Khi 1 món vay bị mất vốn người vay không trả nợ, những món vay còn lại với NIM 10%/món sẽ bù lại số tiền đã mất. NIM thấp, người vay cũng sẽ được hưởng lãi suất thấp. Đối với những món vay có độ rủi ro rất cao như trong 5 món vay có khả năng 1 món sẽ mất tiền, CTTC phải áp dụng NIM cho các món vay này lên 20% để bù vào khoản vay mất vốn.

Đối với cho vay tiêu dùng của các CTTC, áp dụng lãi suất thỏa thuận sẽ hợp lý hơn vì đây là loại hình cho vay rất rủi ro, thường không có tài sản bảo đảm, trong khi ngay ở các NH, tín dụng rủi ro thấp hơn nhiều và qua những quy trình thẩm định, điều kiện vay rất chặt chẽ và có lúc lên đến 30%/năm cho thẻ tín dụng. Do đó không nên hạn chế lãi suất cho những món vay nhiều rủi ro hơn. Song CTTC cũng có những chương trình cho vay lãi suất rất cao, nếu không có sự khống chế, rất nhiều CTTC sẽ lợi dụng sự khốn khó của người đi vay để áp lãi suất cắt cổ. Lãi suất bình thường cho người tiêu dùng là 20%/năm, mức 30%/năm là loại có thể chấp nhận được, đến mức 50%/năm là loại lãi suất cao và từ 50% trở lên được xem là lãi suất “cắt cổ”. Trong tầm quốc gia cũng nên đưa ra định nghĩa, quy định cụ thể về những loại lãi suất mang tính bóc lột để xử lý những người lợi dụng sự yếu thế của người dân để lạm dụng cho vay “cắt cổ”.

Minh Xuân

Nguồn SGĐT: http://www.saigondautu.com.vn/pages/20161109/tinh-tao-truoc-nhung-thu-thuat.aspx