Tỉnh táo trước các con số nhảy múa

TP - Gần đây, đồng yên Nhật Bản (JPY) tăng giá khá cao, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế ở Nhật và thế giới, trong đó có Việt Nam. Nhân sự kiện này, hãy thử cùng suy nghĩ vấn đề Việt Nam vay và trả nợ Nhật Bản, và tác động của biến động tỷ giá các ngoại tệ mạnh đến quá trình trả nợ.

Nợ ODA Nhật có tăng thêm 53.000 tỷ đồng? Ngày 14-9-2010 một USD ăn 82,88 JPY, thứ sáu 2-10-2010 giảm xuống 83,22 JPY/USD (sáu tháng trước là 94,32 JPY/USD, ngày 30-7-2008 tỷ giá là 108,05 JPY/USD). Vì sự tăng giá này của đồng yên Nhật, có báo đưa tin theo tính toán của Bộ Kế hoạch & Đầu tư, "Nhật Bản có lượng vốn vay viện trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam cam kết đến nay là 1.394 tỷ JPY. Trước đây, nguồn vốn này chỉ tương đương dưới 14 tỷ USD. Nay do diễn biến tăng giá đồng yên nói trên, nguồn vốn ấy tương đương gần 16,3 tỷ USD. Còn nếu tính theo VND, trước đây, nguồn tiền vay ODA của Việt Nam từ Nhật Bản chỉ tương đương 251 nghìn tỷ VND, nay đã tương đương 304,5 nghìn tỷ VND, tức tăng thêm khoảng 53 nghìn tỷ đồng". Nợ ODA Nhật Bản có tăng thêm hơn 53 nghìn tỷ đồng? Câu trả lời là chẳng tăng thêm một yên nào cả. Nhưng vấn đề là câu hỏi chưa chuẩn, nên câu trả lời đúng nhưng lạc đề, hỏi VND song lại trả lời JPY. Do tỷ giá biến động nên những tính toán một món nợ từ đồng tiền này sang đồng tiền kia chỉ thực sự có ý tham khảo. Rủi ro tỷ giá đối với một khoản vay là một rủi ro lớn mà người đi vay nào cũng phải tính đến, các chính phủ cũng vậy. Việt Nam vay bằng JPY, trả lãi và gốc bằng JPY, nên việc tính ra đồng Việt Nam có ý nghĩa nhất là khi chính phủ không có đủ tiền JPY vào lúc phải trả lãi hay gốc và phải dùng tiền đồng (từ ngân sách) hay USD của mình để mua JPY (của doanh nghiệp xuất khẩu hay trên thị trường tiền tệ thế giới) để trả nợ. Tô hồng và tô xám Chuyển đổi tổng khoản vay (hay tổng khoản cam kết cho vay) từ JPY sang đồng tiền khác có thể có giá trị tham khảo, cũng có thể gây nhầm lẫn hay phục vụ cho các ý định khác nhau. Thí dụ, nếu muốn tô hồng thành tích ODA có thể tính bằng USD và nói tổng cam kết ODA của Nhật lên đến 16,3 tỷ USD (vì con số này đẹp hơn con số gần 14 tỷ), trong khi thực chất vẫn là 1.394 tỷ JPY (giả như giá hàng hóa và dịch vụ Nhật mà chúng ta có thể mua là không đổi, thì tổng vay hiện vật Nhật cũng vẫn như thế). Cho nên tính sang USD chẳng có mấy ý nghĩa. Ngược lại, có thể tô xám để cảnh báo về "tăng nợ nần" khi tính sang đồng Việt Nam, và thấy số nợ tăng lên hơn 53 nghìn tỷ đồng. Trong khi thực chất là nợ và phải trả bằng JPY chứ chẳng có đồng hay USD nào cả. Đấy là vài điều cần để ý khi đọc các con số. Tất nhiên nếu chúng ta có đủ nguồn thu bằng JPY để trả nợ (lãi và gốc) thì những con số chuyển đổi đó ít có ý nghĩa. Nhưng nếu không đủ mà phải chuyển tài sản từ các dạng tiền khác (thí dụ, thu ngân sách bằng VND hay tiền của chính phủ ở dạng USD hay Euro) sang JPY để trả nợ, thì rủi ro tỷ giá là yếu tố rất quan trọng. Giả như đến lúc trả nợ, JPY lại mất giá xuống còn 120 JPY/USD thì nợ tính bằng USD chỉ còn 11,6 tỷ USD (và nếu tỷ giá VND/USD vẫn như bây giờ thì chỉ phải trả 220 ngàn tỷ VND). Và khi ấy việc trả nợ đối với chính phủ chỉ có nguồn thu VND (hay USD) sẽ đỡ hơn, hay người vay được lợi. Ngược lại, nếu khi đó JPY lên giá nữa (thí dụ 75 JPY/USD), thì người trả nợ như vậy gặp rất nhiều khó khăn, hay người vay bị thiệt. Phải xét từ nhiều khía cạnh Lợi hay thiệt ấy gắn với sự biến động tỷ giá. Vấn đề là không ai biết cái giả như và cái nếu thế nào. Nếu tiên đoán được chính xác thì có cách vay và trả có lợi nhất cho mình. May mà không thể tiên đoán được, cho nên luôn phải tính đến rủi ro tỷ giá khi vay. Nếu khoản vay ngắn hạn, còn có thể dự báo theo cách nào đó tỷ giá lúc trả nợ. Khó có thể dự báo cho dài hạn. Bất cứ doanh nghiệp nào đi vay bằng ngoại tệ đều phải tính đến rủi ro tỷ giá. Và người ta đã phát minh ra nhiều kỹ thuật để ngừa rủi ro tỷ giá, từ mua hay bán có kỳ hạn đến các sơ đồ bảo hiểm tinh vi khác. Chính phủ đi vay cũng phải lưu ý tính toán rủi ro tỷ giá. Tỷ giá lúc phải trả nợ là tham số rất quan trọng, chứ không phải tỷ giá lúc giữa chừng. Chính vì thế phải tỉnh táo khi xem xét người ta chuyển đổi khoản vay bằng JPY sang USD hay VND: sự chuyển đổi có thể hữu ích để tham khảo, nhưng có thể có lý do tô hồng hay tô xám ẩn đằng sau. Vấn đề phức tạp hơn sự chuyển đổi đơn sơ và cần tỉnh táo xem xét từ nhiều khía cạnh.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/kinh-te/514271/tinh-tao-truoc-cac-con-so-nhay-mua.html