Tĩnh tâm ngắm nương lúa chín muộn ở xứ Mù

Trong số các hoạt động đặc sắc của Tuần lễ văn hóa Mù Cang Chải vào mỗi cuối tháng 9 hàng năm, ngắm ruộng bậc thang mùa lúa chín bao giờ cũng cuốn hút hơn cả. Những ngày này, nếu xuôi về xã Lao Chải, du khách còn có thể tận hưởng sự thanh bình của một khoảng không gian xanh mướt trên những nương lúa chín muộn của xứ Mù.

Ở Mù Cang Chải có những ruộng bậc thang đẹp và giá trị đến mức được công nhận là danh thắng quốc gia độc đáo bậc nhất Việt Nam như 500ha ruộng tại 3 xã La Pán Tẩn, Chế Chu Nha, Dế Xu Phình. Không chỉ là một phần của thiên nhiên hoang sơ, ruộng bậc thang Mù Cang Chải còn mang trong mình giá trị văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào Mông ở vùng cao.

Qua bao đời nay, các thế hệ người Mông đã biến một vùng đồi núi thành những nấc thang trời tuyệt diệu phủ lên mình mầm sống, sự trù phú và ấm no. Ruộng bậc thang là thành quả lao động của bao lớp người tiếp nối nhau sinh ra và lớn lên; là minh chứng rõ ràng nhất cho sự khéo léo, công phu của bà con dân tộc Mông trong cuộc sống.

Trên những thửa ruộng bậc thang là sự duy trì, tiếp nối và sáng tạo không ngừng của thế hệ sau với kinh nghiệm canh tác lâu đời của thế hệ trước: chọn đất, khai hoang, kết hợp nhuần nhuyễn giữa nương rẫy và ruộng nước. Để ngày hôm nay, giữa núi rừng ở Mù Cang Chải mọc lên những “mâm xôi” khổng lồ, kỳ vĩ hút tầm mắt.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải đẹp nhất trong 2 mùa: mùa nước đổ (tháng 5-6) lấp lánh sắc màu và mùa lúa chín (tháng 9-10) vàng ươm như rót mật.

Thời gian này, trong khi lúa ở hầu khắp Mù Cang Chải đã chín vàng, chuẩn bị được thu hoạch thì có những nương ruộng bậc thang vẫn còn xanh mướt như ở xã Lao Chải.

Từ trung tâm thị trấn Mù Cang Chải (huyện Mù Cang Chải), chạy xe dọc QL32 về hướng Than Uyên tầm hơn 10km là đến xã Lao Chải. Người dân sinh sống ở đây đa phần là dân tộc Mông.

Đời sống của người dân ở xã Lao Chải còn vô cùng khó khăn, nương ruộng vẫn là sinh kế chính của bà con nơi đây. Trên những cung đường uốn lượn quanh từng bậc lúa là hình ảnh quen thuộc: con trâu, cái cày và bà con dân tộc đeo gùi cuốc bộ phía sau.

Lao Chải như tách biệt với thế giới hiện đại bên ngoài mà “trung thành” với lối sống thanh bình, yên ả và có phần trầm lắng như ngàn xưa vẫn vậy.

Không phải địa danh du lịch nổi tiếng ở Mù Cang Chải nên ở Lao Chải ít có người lạ lai vãng. Bởi vậy, nếu vô tình lạc đến đây, bạn sẽ choáng ngợp trước sự tĩnh lặng, heo hút của núi rừng, đại ngàn.

Ngoài những con người bé xíu xiu như lọt thỏm giữa không gian bao la vô tận của đất trời hoang sơ, giữa những mấp mô của đồi núi, giữa màu xanh của cây rừng và màu đỏ của đất thì chẳng còn gì khác.

Lê Hồng Hà - người đàn ông đam mê những cung đường phượt đã yêu Lao Chải một cách nhanh chóng và không ngờ như cách anh tình cờ đến với xã nghèo này trong một chuyến chạy xe lên Tây Bắc “săn” ảnh mùa lúa chín. Anh chia sẻ: “Những điểm đến mới luôn mang lại những ấn tượng và cảm xúc mới lạ. Lao Chải không một bóng khách du lịch, không băng rôn, khẩu hiệu, không tiếng ầm ầm của động cơ. Chiều buông chỉ nghe văng vẳng tiếng mõ trâu, tiếng đùa vui của lũ trẻ trên những con đường đất đỏ mờ xa. Lao Chải với tôi là những điều thật giản dị như vậy!”.

Thời gian này nếu tham gia Tuần lễ văn hóa Mù Cang Chải 2016, bạn nên ghé thăm những ruộng lúa bậc thang chín chậm ở Lao Chải. Sau khi chiêm ngưỡng vô vàn sóng lúa vàng óng ả, dập dìu, xô nhau uốn lượn khắp sườn đồi tại một số ruộng lúa trứ danh như: Tú Lệ, La Pán Tẩn, Lìm Mông… hãy đến Lao Chải để được thả hồn thư giãn trong màu xanh mê hoặc của tự nhiên.

Càng ngắm những “sườn lúa” được phủ đậm trong màu xanh của sự sinh sôi nảy nở, mang nhựa sống căng tràn bạn càng thấy bình yên, tự tại. Càng thu vào mắt những dáng hình, đường nét của dốc thoải, ta càng thấy Lao Chải thật gợi cảm, hệt như cô sơn nữ ở tuổi trăng tròn phơi phới thanh xuân.

Minh Phương

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/doi-song-du-lich/tinh-tam-ngam-nuong-lua-chin-muon-o-xu-mu