Tình người trong cơn bão dữ

Có lẽ sẽ phải mất rất nhiều năm nữa người dân Mỹ mới có thể quên được những cái tên Harvey và Irma-hai cơn bão khủng khiếp cướp đi sinh mạng hàng chục người và gây thiệt hại hơn 200 tỷ USD. Tuy nhiên, sau những nỗi đau mất người thân, mất nhà cửa, tài sản, điều quan trọng vẫn còn đọng lại là tình yêu, sự quan tâm và chia sẻ giữa người với người trong cơn bão dữ...

Brett (người đứng) và bên cạnh là vợ ông, Kathie Butler, đón chào những thành viên của gia đình Sanchez. Ảnh: CNN

Sinh nhật bất ngờ

Tấm lòng "tương thân tương ái" là món quà những gia đình Florida chạy bão Irma như gia đình anh Cesar Sanchez nhận được từ người dân bang Georgia, Mỹ. Trước khi bão Irma đổ bộ bang Florida, nhà chức trách đã yêu cầu khoảng 6,3 triệu người, chiếm 30% dân số bang, di tản tránh bão. Gia đình anh Cesar Sanchez cũng như nhiều gia đình khác mang theo hành lý và rời khỏi nhà. Vượt qua hàng giờ kẹt xe trên đường liên bang, họ đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh "màn trời chiếu đất" vì khách sạn và nơi cắm trại ở Georgia đã kín chỗ. Trong giờ phút khó khăn đó, họ nhận được sự chào đón của các gia đình địa phương.

Tại thành phố Atlanta, bang Georgia, những tình nguyện viên đã thiết lập mạng lưới Đoàn kết siêu bão Atlanta để kết nối người đi sơ tán chưa có chỗ nghỉ chân với gia đình địa phương sẵn lòng đón tiếp. Mạng lưới có hơn 300 ngôi nhà và con số đang tăng thêm, để làm chỗ trú chân cho những gia đình phải di tản bão. Nhờ mạng lưới này, 75 gia đình trong đó có gia đình anh Cesar Sanchez tìm được nơi nghỉ chân. Con gái của anh Sanchez còn được đón sinh nhật 6 tuổi đầy ý nghĩa trong căn nhà của gia đình Brett và Kathie Butler ở Lawrenceville, một khu ngoại ô phía Đông Bắc của Atlanta. Chia sẻ với CNN, anh Sanchez cho biết: “Chúa đã đưa chúng tôi đến nơi an toàn và mang lại cho chúng tôi một ngôi nhà với một gia đình tuyệt vời”.

Chung tay quyên góp

Không chỉ người dân cùng chung tay giúp đỡ các nạn nhân của hai cơn bão mà nhiều ngôi sao hạng A của Mỹ cũng tham gia vào chương trình quyên góp từ thiện với mong muốn chia sẻ phần nào khó khăn với các nạn nhân. Chương trình có tên "Hand in hand" (Chung tay) đã nhanh chóng quyên góp được số tiền lên đến hơn 44 triệu USD.

Chương trình là sự liên kết của nhiều show truyền hình nổi tiếng trên khắp nước Mỹ, cùng được truyền trực tiếp và có sự tham gia của nhiều ngôi sao lớn. Họ không chỉ đóng góp mà còn biểu diễn để kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng. Thậm chí, để tăng cường kêu gọi sự ủng hộ từ cộng đồng, một tổng đài của chương trình được thành lập và người "tiếp nhận điện thoại" là những ngôi sao của Mỹ như Justin Bieber hay bà hoàng truyền thông một thời Oprah Winfrey. Stevie Wonder, ca sĩ nổi tiếng với ca khúc "Lean on me", cho biết: "Chúng ta đến đây để chia sẻ tình yêu và ủng hộ những người là nạn nhân của những cơn bão khủng khiếp. Tình yêu phải đi cùng hành động, bất chấp màu da, dân tộc, tôn giáo, giới tính hay những ảnh hưởng của chính trị”. Thông qua chương trình, nhiều công ty lớn, trong đó có "gã khổng lồ" công nghệ Apple đã ủng hộ 5 triệu USD. Albertsons Cos và Merck mỗi công ty ủng hộ 1 triệu USD.

Sự quan tâm liệu có đủ?

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân ngày 14-9 đã có chuyến thăm Florida và trực tiếp chỉ đạo việc khắc phục hậu quả bão Irma. Đi cùng ông Donald Trump tới Florida lần này, ngoài phu nhân Melania còn có Phó tổng thống Mỹ Mike Pence. Khi tới thăm Naples-một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất do bão Irma, Tổng thống Donald Trump và phu nhân tự tay phát thức ăn cho những người bị ảnh hưởng bởi bão và ân cần hỏi thăm những nạn nhân. Trong bài phát biểu ngắn gọn của mình, ông Donald Trump tuyên bố sẽ sát cánh cùng người dân Florida, sẵn sàng làm mọi điều có thể để giúp họ vượt qua khó khăn.

Chuyến thăm của Tổng thống Mỹ cùng một số quan chức được đánh giá là hành động thể hiện sự cảm thông sâu sắc đối với các nạn nhân của siêu bão Irma. Tuy nhiên sự quan tâm như vậy liệu có đủ? Trong vòng vài năm trở lại đây, nước Mỹ phải hứng chịu những cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 500 năm qua và đáng nhẽ chúng đã không xuất hiện nếu không có tình trạng biến đổi khí hậu. Chuyên gia nghiên cứu về môi trường Mỹ, Jim Blackburn, hiện là đồng Giám đốc Trung tâm Dự báo bão, giáo dục và sơ tán tránh thảm họa thuộc Đại học Rice (Mỹ) nhận định, do vấn đề biến đổi mang tính toàn cầu, các nước trên thế giới cần hiểu biết thực trạng về biến đổi khí hậu và chung tay đối phó với vấn đề này, trong bối cảnh các hình thái thời tiết cực đoan đã ảnh hưởng tới đời sống của người dân ở mức độ nghiêm trọng chưa từng thấy. Theo ông Blackburn, việc Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, là "rào cản" lớn đối với nỗ lực của cộng đồng quốc tế chung tay đối phó với biến đổi khí hậu. Bởi vậy, bên cạnh việc sát cánh giúp người dân sau cơn bão vượt qua khó khăn, có lẽ Tổng thống Mỹ cũng nên xem xét việc “phá rào cản” và góp sức cùng thế giới để những cơn bão sẽ không còn là nỗi ám ảnh với nước Mỹ.

HÙNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/tinh-nguoi-trong-con-bao-du-517978