Tình người nơi vùng lũ

Trận lũ quét lịch sử xảy ra tại huyện Mường La (Sơn La) vào đêm 2-8, rạng sáng 3-8 đã làm 15 người bị chết và mất tích, hơn 200 ngôi nhà bị cuốn trôi, 198 ngôi nhà bị hư hỏng nặng phải di chuyển khẩn cấp. Trong cơn hoạn nạn ấy, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương, vai trò của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trong việc trợ giúp người dân vùng lũ đã để lại nhiều ấn tượng và những câu chuyện xúc động.

Hỗ trợ người dân vùng lũ

Theo báo cáo nhanh của huyện Mường La, lúc 8 giờ sáng 3-8, riêng khu vực dọc suối Nặm Păm, thị trấn Ít Ong, gồm các bản: Hua Nà, Nà Nong, Nà Lo, Chiềng Tè và tiểu khu 1 đã có gần 50 nhà dân bị nước cuốn trôi, hoặc bị sập mái, có nguy cơ sạt lở phải di chuyển khẩn cấp, trong đó có một hộ vợ chồng già ở bản Nà Nong bị cuốn trôi cả người và nhà cửa. Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Sơn La Cầm Thị Chuyên và Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La Mùi Thị Sinh đã có mặt tại bản Nà Nong, thăm hỏi, động viên bà con. Hội CTĐ tỉnh đã hỗ trợ người thân của gia đình ông Lò Văn Hao và bà Vì Thị Lay bị lũ cuốn mất tích bốn triệu đồng, hai gia đình có nhà bị cuốn trôi hai triệu đồng, ba gia đình bị sập nhà 500.000 đồng/nhà.

Để lên đường đến ngay với bà con vùng lũ, đoàn cán bộ Hội CTĐ tỉnh Sơn La đã phải mượn xe của Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh. Khi đi đến ngã ba đầu huyện Mường La, nước từ trên núi xả xuống, tạo thành một hố nước lớn biến dòng suối Nặm Păm vốn nhỏ hẹp, hiền hòa nay như con thú dữ gầm gào, cuộn chảy, trùm lên mặt đường làm tắc nghẽn giao thông, xe phải đi vòng đường ruộng qua bản Nà Nong.

Mặc cho trời mưa rả rích, các lực lượng gồm: Hội CTĐ, thanh niên tình nguyện, bộ đội, công an đã tập trung tham gia vận chuyển lương thực, đến thăm hỏi, động viên các gia đình có nhà bị cuốn trôi, tháo dỡ nhà bị hư hỏng thuộc khu vực thị trấn Ít Ong. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ huy cứu hộ, cứu nạn huyện Mường La, Hội CTĐ tỉnh đã kịp thời báo cáo diễn biến trận lũ lịch sử về Trung ương Hội CTĐ Việt Nam. Nhờ đó, chỉ hai ngày sau khi xảy ra lũ quét, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam là tổ chức đầu tiên trong khối các cơ quan, đoàn thể Trung ương đến với đồng bào vùng lũ huyện Mường La.

Đoàn cứu trợ Hội CTĐ Việt Nam cùng đoàn xe chở 180 thùng hàng đã có mặt tại Mường La. Từ đây, hàng cứu trợ được bộ đội, thanh niên tình nguyện vận chuyển qua cầu Nặm Păm để đưa đến vùng rốn lũ đang bị cô lập. Mỗi thùng hàng gồm: một thùng nhựa đỏ 50 lít có nắp đậy sau này dùng đựng nước, bên trong đựng một chăn len, xô nhựa, gáo múc nước, chảo, nồi nấu, ấm nhôm, cùng 180 tấm bạt nhựa để làm lều bạt, che mưa, 50 bộ dụng cụ sửa nhà, gồm: xẻng, cuốc chim, cuốc có cán, búa, kéo, kìm, dao, dây thừng, dây thép, cưa...

Ngày 8-8, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam đã có thư kêu gọi hội viên trong cả nước hướng về đồng bào vùng lũ. Nhưng trước đó, Hội CTĐ thành phố Hà Nội, CTĐ các tỉnh: Phú Thọ, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Hòa Bình,... đã chủ động đến thăm hỏi, chia sẻ mất mát đau thương với đồng bào vùng lũ huyện Mường La.

Hướng về Mường La

Những ngày này, tại Mường La không còn hình ảnh những thửa ruộng bậc thang xanh mướt, những ngôi nhà sàn gỗ nằm nép bên vách đá, ven bờ suối Chiến, suối Nặm Păm. Từ cầu Nặm Păm đi ngược lên đỉnh Sam Síp xưa kia là bản du lịch, cảnh đẹp nên thơ nay hoang tàn chỉ toàn đá bao phủ. Đá từ trên núi đổ xuống, cùng cây cối bị bật gốc, xoắn cành, xen lẫn những cây cột điện bê-tông bị quật đổ, cầu bị bẻ gãy, mái tôn nhà dân trôi theo dòng nước. Đá cuội lớn nhỏ, có hòn to như cái bàn lộ ra sau cơn lũ trải dài hơn 10 km, chiều rộng có chỗ gần 1 km.

Thảm họa thiên nhiên không có gì ngăn nổi, trong chốc lát đã cướp đi cuộc sống thanh bình của đồng bào dân tộc nơi đây. Gần 400 hộ dân mất nhà cửa hiện phải trú tạm trong nhà văn hóa xã, Trung tâm chính trị huyện, ở nhờ nhà anh em hoặc tập trung dựng tạm lán bạt để sống. Người dân được hỗ trợ lương thực, chăn màn, quần áo, xoong nồi để dùng tạm không phải đối mặt với cái đói, nhưng để có cuộc sống ổn định lâu dài thì quả là còn vô vàn khó khăn. Khuôn mặt ai nấy đều thất thần, buồn bã và đau thương.

Điều đáng quan tâm là chỉ vài giờ xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, ngay sáng 3-8, chính bà con huyện Mường La đã có những hoạt động kêu gọi và trực tiếp tham gia cứu trợ, giúp đỡ các gia đình gặp nạn. Gia đình chị Cầm Hoài My, là chủ quán cơm tại bản Chiềng Tè, thị trấn Ít Ong đã tự tổ chức nấu cơm phục vụ miễn phí lực lượng đến tham gia cứu hộ và người bị cuốn trôi nhà cửa, bình quân từ 150 đến 200 suất ăn/ngày. Nhiều bạn trẻ dùng facebook kêu gọi mọi người tham gia cứu trợ, xây dựng thành phong trào rất xúc động.

Đã có hơn 900 tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng do lũ quét tại huyện Mường La, và đến chiều 13-8 đã ủng hộ được 5 tỷ 440 triệu đồng, đã chuyển vào tài khoản của Ban cứu trợ huyện 2,8 tỷ đồng, đăng ký nhưng chưa chuyển khoản 9,83 tỷ đồng. Trong đó, nhiều cá nhân trực tiếp mang tiền mặt đến ủng hộ như: chị Dương Thị Hạnh, công nhân Công ty CP Thủy điện Nậm Chiến 500 nghìn đồng; Nhà nghỉ Xuân Hương, ở thị trấn Ít Ong năm triệu đồng, gia đình bà Cầm Thị Phụi, ở thành phố Sơn La 11 triệu đồng, gia đình bà con Việt kiều Bá Thịnh, định cư tại Mỹ bảy triệu đồng,v.v...

10 ngày sau trận lũ lịch sử, ngoài các hoạt động cứu trợ huyện Mường La, tỉnh Sơn La đang tập trung cao nguồn lực khắc phục hậu quả. Công ty Thủy điện Sơn La đã lắp đặt thành công hai dầm cầu, khắc phục tình trạng cô lập về giao thông giữa trung tâm huyện Mường La với xã Nặm Păm sớm hơn dự kiến 15 ngày. Ngành y tế tổ chức khám, chữa bệnh cho người dân, phun thuốc diệt muỗi, xử lý môi trường; ngành giáo dục chuẩn bị các điều kiện để các cháu vùng lũ có thể khai giảng năm học mới đúng thời gian…

Trong cơn lũ dữ, giữa bộn bề gian khó, không chỉ có nỗi đau, đâu đó vẫn bắt gặp những nụ cười, ánh mắt, niềm tin. Sau cơn lũ người ta không chỉ nói về mất mát, đau thương, mà ở đó còn có những câu chuyện về tình nghĩa đồng bào, tấm lòng chia sẻ.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/33792602-tinh-nguoi-noi-vung-lu.html