Tính năng của tên lửa lớn bất thường trên tiêm kích Trung Quốc

Mẫu tên lửa bí ẩn trên tiêm kích J-16 Trung Quốc có thể là vũ khí diệt máy bay cảnh báo sớm, cũng có thể là tên lửa diệt vệ tinh hoặc radar do nước này phát triển.

Chiếc J-16 với hai quả tên lửa bí ẩn bên dưới cánh. Ảnh: Weibo.

Những hình ảnh chụp chiếc tiêm kích J-16 tại thành phố Thẩm Dương, Trung Quốc bị rò rỉ gần đây cho thấy nó đang đeo hai quả tên lửa có kích thước lớn bất thường. Đây có thể là mẫu tên lửa diệt máy bay cảnh báo sớm (AWACS) đang được Trung Quốc thử nghiệm, theo Combat Aircraft.

Bắc Kinh đã hé lộ hàng loạt tên lửa không đối không (AAM) trong những năm gần đây, bao gồm cả loại tên lửa trang bị cho tiêm kích tàng hình J-20. Tuy nhiên, quả tên lửa gắn trên chiếc J-16 có chiều dài gần 5,8 m, đường kính 30 cm, lớn hơn nhiều các mẫu AAM được nước này biên chế và phát triển. Việc quả đạn không có cánh dẫn hướng phía trước cũng là một đặc điểm khác thường.

Một số chuyên gia gọi mẫu tên lửa bí ẩn này là PL-XX. Không quân Trung Quốc (PLAAF) đã sở hữu nhiều loại tên lửa tầm ngắn và tầm trung hoàn thiện, không có nhu cầu thử nghiệm một loại AAM hoàn toàn mới. Điều này cho thấy PL-XX có thể đảm nhận vai trò vũ khí tầm siêu xa, nhằm vào các mục tiêu giá trị cao như máy bay cảnh báo sớm E-3 hay trinh sát RC-135, những "mắt thần" quan trọng của quân đội Mỹ.

Tên lửa KS-172 dưới cánh tiêm kích Su-35S của Nga. Ảnh: Bastion-Karpenko.

Kích thước, hình dáng và bệ phóng của PL-XX có nhiều nét tương đồng với mẫu KS-172 do Nga phát triển cho tiêm kích Su-30 vào giữa thập niên 1990. Đây là tên lửa được mệnh danh "sát thủ diệt AWACS" với tầm bắn đến 400 km, tốc độ 4.000 km/h, sử dụng đầu nổ mảnh nặng 50 kg. Dự án KS-172 đã tạm ngừng do thiếu vốn đầu tư.

PL-XX cũng có thể là tên lửa diệt vệ tinh, tương tự loại ASAT được Không quân Mỹ thử nghiệm vào đầu thập niên 1980. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã tích cực thử nghiệm các vũ khí chống vệ tinh, nhưng chưa mẫu tên lửa nào được phát triển cho tiêm kích.

Một giả thuyết khác cho rằng PL-XX không phải tên lửa đối không, mà là vũ khí diệt radar. Nếu đúng như vậy, nó sẽ là mẫu tên lửa nội địa của Trung Quốc tiếp nối dòng YJ-91, phiên bản nhái tên lửa Kh-31 của Nga.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/tinh-nang-cua-ten-lua-lon-bat-thuong-tren-tiem-kich-trung-quoc-1075925.tpo