Tinh hoa văn hóa vùng Tây Bắc hội tụ tại Lào Cai

Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Tây Bắc mở rộng lần thứ XIII năm 2016 tại Lào Cai diễn ra trong 3 ngày (từ 1 - 3-10) là dịp khôi phục, tái hiện và quảng bá những nét văn hóa đặc sắc nhất, gắn với đời sống tâm linh và thể hiện ước vọng của cộng đồng các dân tộc trong vùng Tây Bắc.

Những ngày đầu tháng 10, Lào Cai- mảnh đất "nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt" rộn ràng hơn bao giờ hết. Ngoài niềm vui ghi dấu thành tựu của 25 năm tái lập tỉnh, Lào Cai còn trở thành "sân khấu lớn" để tinh hoa của 8 tỉnh Tây Bắc - nơi có nguồn tài nguyên văn hóa, nhân văn to lớn và phong phú, đặc biệt là kho tàng tri thức bản địa cùng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc của đồng bào các dân tộc như Thái, Mường, Hmông, Dao, Tày, Nùng… được hội tụ và khoe sắc.

Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Tây Bắc mở rộng lần thứ XIII năm 2016 tại Lào Cai diễn ra trong 3 ngày (từ 1 - 3-10) là dịp khôi phục, tái hiện và quảng bá những nét văn hóa đặc sắc nhất, gắn với đời sống tâm linh và thể hiện ước vọng của cộng đồng các dân tộc trong vùng Tây Bắc về cuộc sống ấm no, hạnh phúc đến gần hơn với đông đảo nhân dân các dân tộc trong khu vực.

"Chưa bao giờ tôi thấy tự hào về trang phục của dân tộc mình như vậy, đặc biệt khi được biểu diễn trên một sân khấu lớn cùng hàng chục dân tộc anh em khác", chị Vi Thị Chang, dân tộc Nùng (Cao Sơn, Mường Khương, Lào Cai) không giấu được sự xúc động khi có mặt tại Nhà Văn hóa tỉnh Lào Cai để thưởng thức buổi trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc Tây Bắc.

Một tiết mục tham dự liên hoan.

Tham gia trình diễn trang phục có 50 thí sinh đến từ 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng gồm: Hòa Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên, Lai Châu, Phú Thọ và Hà Giang.

Mỗi thí sinh phải tham gia phần thi trình diễn trang phục lễ hội truyền thống nguyên bản của các dân tộc ở địa phương; trong quá trình các thí sinh trình diễn, sẽ có phần giới thiệu về các trang phục đó do đơn vị và thí sinh dự thi chuẩn bị.

Đây là hoạt động nhằm tôn vinh vẻ đẹp của trang phục các dân tộc trong vùng, góp phần bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa thông qua trang phục truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Nghệ nhân ưu tú Lò Văn Lả, Đoàn Sơn La chia sẻ, trước đây, khi điều kiện kinh tế còn thấp, đồng bào vẫn thiết tha với quần áo dân tộc. Bởi họ có cả một môi trường lớn để trưng diện những bộ váy áo truyền thống, trong cả sinh hoạt và lễ hội.

Tuy nhiên, hiện nay, hầu hết trang phục của các dân tộc thiểu số chỉ được mặc vào các dịp trọng đại như ngày Tết, lễ hội hoặc các ngày kỉ niệm lớn của đất nước. Đây là cơ hội để những bộ trang phục xuất hiện trang trọng trong niềm tự hào, hân hoan của người mặc và những người chiêm ngưỡng xung quanh.

Việc đăng cai Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc Tây Bắc mở rộng lần thứ XIII năm 2016 tại Lào Cai chính là một sự kiện có ý nghĩa mở màn cho chuỗi các hoạt động hưởng ứng Năm du lịch Quốc gia được tổ chức tại tỉnh năm 2017.

Với chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc tại Lào Cai không chỉ tăng cường sự gắn bó keo sơn, gần gũi, củng cố tình đoàn kết các dân tộc trong vùng mà còn khơi dậy lòng tự tôn, tự hào về truyền thống văn hóa dân tộc, ý chí và quyết tâm xây dựng Tổ quốc ta giàu đẹp, văn minh; quảng bá hình ảnh và nền văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Hương Thu - Cao Hương

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/chuyen-dong-van-hoa/tinh-hoa-van-hoa-vung-tay-bac-hoi-tu-tai-lao-cai-410960/