Tinh hoa Đất võ (4)

* Bài cuối: Những truyền nhân giữ lửa

* Bài cuối: Những truyền nhân giữ lửa

Đất võ Bình Định có câu "Roi Thuận Truyền quyền An Vinh" để chỉ 2 làng võ nức tiếng với những võ sư tài ba, những thế võ huyền thoại. Trải qua hàng trăm năm, điều đáng mừng câu nói đó vẫn ứng nghiệm tới nay khi 2 làng võ luôn có truyền nhân xuất chúng, những người "giữ lửa" và "truyền lửa".

Luyện võ dưới tượng Quang Trung

Chiều xuống, trong sân Bảo tàng Quang Trung, dưới chân tượng đài người anh hùng áo vải, hàng trăm trẻ em ở TT Phú Phong, H. Tây Sơn lại hăng say luyện võ dưới sự chỉ dẫn của võ sư Hồ Sỹ (trú khối 1-TT Phú Phong). Ông cố nội của Hồ Sỹ là võ sư Hồ Ngạch ở Thuận Truyền từng vang danh thiên hạ với những đường roi do mình sáng tạo ra như roi rút, roi đổ thủy, roi điểm huyệt. Ở thời đó, Hồ Ngạnh từng đánh bại tên tướng cướp Dư Đành khét tiếng, giao đấu roi thắng cao thủ Thiếu Lâm gốc Hoa là Diệp Trương Phát (Tàu Sáu). Lúc đó Tàu Sáu và Hồ Ngạnh thắp 1 cây nhang, chấm mực 2 đầu roi, đánh tàn nhang không phân thắng bại như đếm số nốt mực trên áo Tàu Sáu dính nhiều hơn nên chấp nhận thua. Tên tuổi Hồ Ngạnh nổi tiếng đến mức triều đình Huế biết được đã triệu ông ra dạy võ cho thanh niên hoàng tộc. Tại Huế, Hồ Ngạnh khiến nhiều môn đồ mở mang tầm mắt khi dùng roi giao đấu thắng Trịnh Hoàng Kế, võ sư gốc Hoa cầm đầu nhóm Sơn Đông mãi võ tại chợ Đông Ba. Những đường roi nức tiếng làm nên tên tuổi Hồ Ngạnh được truyền qua đời ông nội, đến đời cha là võ sư Hồ Sừng và bây giờ là Hồ Sỹ.

Võ sư Hồ Sỹ chỉ dạy các học trò dưới tượng Quang Trung ở Tây Sơn.

Võ sư Hồ Sỹ chỉ dạy các học trò dưới tượng Quang Trung ở Tây Sơn.

Hồ Sỹ đang công tác tại Bảo tàng Quang Trung, nhiệm vụ của anh là biểu diễn võ thuật phục vụ du khách khi tới tham quan bảo tàng để hiểu rõ hơn về nét văn hóa bản sắc Tây Sơn. Sau giờ làm việc, anh phụ trách giảng dạy học trò tại võ đường của mình cũng như tại sân của bảo tàng. Hầu hết các bài roi danh tiếng của Thuận Truyền đều được anh dạy cho học trò, thậm chí cả đường roi nghịch được gọi là tuyệt kỹ của dòng họ Hồ do ông cố nội anh sáng tạo ra từ việc tổng hợp tuyệt kỹ roi của nhiều môn phái khác. Anh chia sẻ, luyện tập đường roi nghịch rất công phu, song khi giao đấu lợi hại vô cùng. Võ đường của anh khá đông học trò, một phần vì anh là truyền nhân của những bài roi Thuận Truyền nổi tiếng, mặt khác trong phương pháp truyền dạy của mình, anh luôn gắn vào những bài học rèn tính, rèn khí, rèn nghĩa. Anh quan niệm mỗi đứa trẻ như một mầm non, cha mẹ chúng cho đi học võ với mong muốn rèn luyện sức khỏe và khí chất cứng cáp. Và việc học võ ngày nay cũng không như xưa, đam mê ăn vào máu, luyện võ hằng ngày như cơm ăn nước uống. Nhiều học trò bây giờ luyện võ rất dễ nản chí. Do đó, với một truyền nhân "giữ lửa" và "truyền lửa" võ cổ truyền như Hồ Sỹ phải luôn biết cách cân bằng, khơi gợi đam mê trong học trò, tạo cho chúng ngọn lửa đam mê thực sự, có vậy võ cổ truyền, nét văn hóa, di sản tinh túy ông cha để lại mới được duy trì, phát huy. Từ võ đường của Hồ Sỹ, nhiều võ sĩ trẻ tài năng đã bước ra trở thành những vận động viên võ thuật đạt nhiều huy chương cấp quốc gia và quốc tế.

Ấm lòng người "giữ lửa"

Truyền nhân của cố võ sư nổi tiếng Phan Thọ đại diện cho quyền An Vinh hiện nay là võ sư Lê Xuân Nam (45 tuổi, ở TT Phú Phong- Tây Sơn). Anh Nam hiền lành, khiêm nhường, có ý chí khổ luyện mà thành tài nên được thầy Phan Thọ rất quý mến. Anh Nam kể 15 tuổi đã theo thầy học võ như bao trai gái trong làng. Cái khó nhất khi theo nghiệp võ được anh chia sẻ là cuộc sống mưu sinh dễ làm mình nản. Thời xưa người ta nói "giàu học võ, khó học văn", đằng này nghèo nhưng anh Nam lại mê học võ, vì thế để có tiền đóng cho thầy anh phải làm mướn cho người làng, ai kêu gì làm nấy. Mỗi thế võ học được từ thầy anh đều nghiền ngẫm, dồn tâm sức luyện tập kiên trì nên tiến bộ rất nhanh. Anh bảo cái tinh túy của quyền An Vinh chính là sự nhanh nhẹn, đòn đỡ cũng chính là đòn công, một tay có thể ra 5 đến 7 đòn liên tiếp khiến đối phương không kịp trở tay. Trong những bí kíp võ công của thầy Phan Thọ đang được anh nắm giữ, đáng kể nhất là 18 ban binh khí có từ thời Tây Sơn do Nguyễn Huệ sáng tạo ra dùng cho quân lính chiến đấu. Những thế võ này nhìn không đẹp song lại có tính chiến đấu hiệu quả cao. Chính cố võ sư Phan Thọ đã dùng chúng trong những lần giao đấu và tạo nên danh tiếng. Kể về thầy với tấm lòng trân trọng, tự hào, đôi mắt anh sáng rực: "Lúc sinh thời, thầy tôi đã 2 lần dùng chiêu Độc xà thám nguyệt-con rắn nhìn trăng để đấu với 2 sĩ quan sư đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn khiến 2 võ sĩ tứ đẳng huyền đai và ngũ đẳng huyền đai môn Teakwondo phải tâm phục khẩu phục. Tuy vậy, tính thầy khiêm nhường, luôn khắt khe với học trò, người học võ tối kỵ khoe khoang, núi này cao thì có núi khác cao hơn. Bài học ấy tôi luôn ghi trong lòng và vận dụng ngay cả trong đời sống thường ngày". Võ sư Nam hiện đang công tác ở Bảo tàng Quang Trung, trong đội võ thuật, có nhiệm vụ nghiên cứu, quảng bá nhằm phát huy giá trị truyền thống của võ Tây Sơn. Nhiều khách thập phương khi tới tham quan bảo tàng, nơi sinh trưởng Hoàng đế Quang Trung, sau khi tìm hiểu các giá trị di tích thời Tây Sơn đều muốn chiêm ngưỡng các thế võ do chính người anh hùng sáng tạo ra. Võ sư Nam chính là người "giữ lửa" và "truyền lửa" nét tinh túy võ nghệ ấy...

Võ sư Lê Xuân Nam biểu diễn một thế võ từ thời Tây Sơn do Nguyễn Huệ sáng tạo.

Chia tay đất Tây Sơn, tôi cứ nhớ mãi câu hồ hởi của võ sư Hồ Sỹ, rằng phong trào võ học đang "sống lại" mạnh mẽ trên đất này. Cứ 2 năm một lần, festival võ cổ truyền lại mở hội tại Tây Sơn quy tụ môn phái khắp nước và quốc tế đến giao lưu, trao đổi, phát huy giá trị. Tỉnh Bình Định cũng quyết tâm bảo vệ danh xưng đất võ bằng việc đưa môn võ cổ truyền vào trường học trong chương trình ngoại khóa. Sau giờ học, lớp trẻ lại nô nức kéo nhau đến các võ đường, không khí ấy khiến những người "giữ lửa" và "truyền lửa" như anh cảm thấy ấm lòng. Đã có những lúc khó khăn, người học võ tưởng chừng đã bị đánh gục bởi miếng đánh áo cơm, nhưng nay thì khác. Đứng trên cầu Phú Phong, gió từ sông Kôn phảng phất, nghe như đâu đó tiếng trống trận Tây Sơn vang vọng thuở nào. Một thời nghĩa binh Tây Sơn oai hùng được tập hợp bởi những nông dân giỏi võ nghệ khắp vùng, dưới cờ tụ nghĩa của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ đã làm nên những trang sử hào hùng của dân tộc.

Hải Quỳnh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_157136_tinh-hoa-da-t-vo-4-.aspx