Tình hình trẻ em phạm pháp diễn biến phức tạp

Theo Đại tá Phạm Văn Sỹ, Trưởng phòng 6 - Cục Cảnh sát Hình sự, Bộ Công an, tình hình trẻ em vi phạm pháp luật diễn biến phức tạp, tăng số vụ; đáng chú ý là tình trạng thanh thiếu niên bỏ nhà đi lang thang, tụ tập băng nhóm, sử dụng hung khí đâm chém nhau.

Băng nhóm đua xe thanh thiếu niên. (Ảnh: TTXVN)

Các đối tượng nghiện games, ma túy, không có tiền đã phạm tội nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản.
Theo thông tin được đưa ra tại Hội nghị góp ý “Dự án hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật giai đoạn 2013-2016” do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (Unicef) tổ chức ngày 16/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ở Thái Bình, Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Vĩnh Phúc xuất hiện băng nhóm người chưa thành niên sử dụng vũ khí quân dụng hoặc súng tự chế, vũ khí thô sơ chống người thi hành công vụ, bắn nhau, cướp tài sản. Năm 2012, cả nước đã xảy ra 8.820 vụ vi phạm pháp luật (tăng 231 vụ so với năm 2011) do gần 13.300 trẻ em, người chưa thành niên gây ra, trong đó độ tuổi từ 14-16 chiếm 31,9% và từ 16-18 tuổi chiếm 61,1%, tập trung nhiều nhất ở bậc trung học cơ sở (41,8%), kế đến là trung học phổ thông (31,9%).
Ông Đặng Nam, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Chăm sóc Trẻ em, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thừa nhận: Người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong những năm gần đây đang là vấn đề xã hội "nóng" không chỉ trên báo chí mà ngay cả nghị trường Quốc hội. Công tác phòng ngừa và tái hòa nhập cộng đồng đối với trẻ em, người chưa thành niên vi phạm pháp luật chưa hiệu quả, tỉ lệ tái vi phạm còn ở mức trên 34,8%.
Theo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, công tác bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em của thành phố đang đối mặt với nhiều thách thức như tình trạng trẻ bị xâm hại tình dục, cưỡng bức lao động, tai nạn thương tích, trẻ nhiễm HIV/AIDS.
Từ năm 2005 đến nay trên địa bàn thành phố xảy ra 575 vụ xâm hại tình dục, nạn nhân ngày càng nhỏ tuổi, chủ yếu là nhóm trẻ em lang thang, trẻ em trong các gia đình nhập cư. Năm 2012, thành phố xảy ra hơn 5.000 vụ phạm pháp hình sự, bắt 4.679 đối tượng (chiếm 26,13%), trong đó người chưa thành niên là 1.223 đối tượng, tăng 11,08% so với năm 2011. Nếu trước đây người chưa thành niên thường phạm tội như trộm cắp tài sản, cố ý gây thương tích với tính chất đơn lẻ, thủ đoạn đơn giản, suy nghĩ bồng bột thì nay hình thành nên những băng nhóm, thực hiện manh động, tính chất rất nghiêm trọng, gây nguy hiểm cao cho xã hội.
Tại hội nghị, nhiều đại biểu đề cập các giải pháp đang thực hiện lâu nay. Trẻ em, người chưa thành niên là đối tượng đặc biệt về độ tuổi, khả năng hiểu biết, nhận thức pháp luật. Khi vi phạm pháp luật thì phải xử lý nghiêm nhưng trên hết phải đảm bảo cho được tính nhân văn, giáo dục, hòa nhập cũng như phải tương thích, thống nhất với các quy định của quốc tế về quyền con người trong đó có quyền trẻ em. Trong bối cảnh đó, xử lý chuyển hướng đang là giải pháp được sự đồng thuận của nhiều người cũng như nhiều quốc gia trên thế giới.
Theo Tổ chức Unicef tại Việt Nam: Xử lý chuyển hướng là việc đưa người chưa thành niên vi phạm pháp luật ra khỏi hệ thống tư pháp chính thống một cách có điều kiện để chuyển cho các cơ quan ngoài tư pháp xử lý, nhờ đó tránh được hậu quả tiêu cực do tố tụng tư pháp chính thức mang lại và tránh án tích cho người chưa thành niên. Giải pháp này bao gồm việc xử lý tại cộng đồng thay thế cho giam giữ và tái hòa nhập cộng đồng.
Muốn thực hiện được giải pháp trên, pháp luật cần quy định cụ thể các trường hợp được xử lý chuyển hướng, quy định về thẩm quyền của cảnh sát, công tố viên cũng như các cơ quan khác. Mặt khác, việc bắt giữ tạm giam chỉ áp dụng khi có bằng chứng thuyết phục về hành vi phạm tội của người chưa thành niên. Nội dung của xử lý chuyển hướng là không được bao gồm bất cứ một hình thức trừng phạt thân thể, hạ nhục trước công chúng hay tước tự do nào nhưng cũng phải đảm bảo tương ứng với hành vi vi phạm. người chưa thành niên khi xử lý chuyển hướng sẽ phải xin lỗi, bồi thường bị hại, viết luận về hậu quả xảy ra, lao động công ích theo lứa tuổi, được kèm cặp, tham vấn điều trị cai nghiện, giáo dục kỹ năng sống, họp nhóm gia đình.
Theo ông Đặng Nam, việc xử lý chuyển hướng nhằm mục đích hạn chế, thay thế biện pháp tước tự do, giam giữ đối với người chưa thành niên, giảm nhẹ thủ tục, hình phạt, tăng sự hòa giải trong phạm vi gia đình cũng như tăng cường các dịch vụ xã hội, dịch vụ tư pháp để trẻ em phạm pháp được hòa nhập cộng đồng một cách bền vững. Ông Nam còn cho rằng, trước mắt cần thiết lập mô hình tòa án trẻ em, trong đó xây dựng đội ngũ thẩm phán chuyên trách về trẻ em.
Theo Vụ Pháp luật Hành chính, Bộ Tư pháp, hiện Bộ Tư pháp đang hoàn hiện hệ thống tư pháp thân thiện với người chưa thành niên vi phạm pháp luật đồng thời xây dựng và thực hiện thí điểm việc xử lý chuyển hướng đối với người chưa thành niên phạm tội, mà trước tiên áp dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Cụ thể hóa cho giải pháp xử lý chuyển hướng nói trên, Thành phố Hồ Chí Minh đang thí điểm Dự án “Hỗ trợ người chưa thành niên vi phạm pháp luật giai đoạn 2013-2016”. Theo đó, thành phố sẽ chọn quận 1 và quận Bình Thạnh để triển khai. Mục tiêu của dự án là hỗ trợ xử lý chuyển hướng, thay thế xử lý không giam giữ và tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật; tăng cường năng lực cho cán bộ tham gia dự án và tăng khả năng phối hợp liên ngành giữa các cơ quan Nhà nước.
Dự án phấn đấu giúp 80% người chưa thành niên phạm pháp được hưởng lợi từ các dịch vụ của dự án, 30% đối tượng được xử lý chuyển hướng, thay thế xử lý hành chính hoặc hình sự, 20% đối tượng được chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng trước thời hạn; 70% điều tra viên chịu trách nhiệm điều tra các vụ án người chưa thành niên vi phạm pháp luật được tập huấn về kỹ năng điều tra thân thiện.
Dự án sẽ xây dựng các chương trình họp nhóm gia đình, tập huấn kỹ năng sống cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật cũng như kỹ năng làm cha làm mẹ của phụ huynh các em, hỗ trợ tâm lý xã hội cho người chưa thành niên phạm pháp, chuyển gửi các em đến các dịch vụ hỗ trợ thích hợp như dạy nghề, tạo việc làm, cai nghiện. Dự án cũng sẽ tập huấn về điều tra, xét xử thân thiện đối với trẻ em cho điều tra viên, kiểm sát viên và thẩm phán; xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong việc xử lý chuyển hướng và tái hòa nhập cộng đồng cho người chưa thành niên vi phạm pháp luật./.

Trần Xuân Tình (TTXVN)

Nguồn TTXVN: http://www.vietnamplus.vn/home/tinh-hinh-tre-em-pham-phap-dien-bien-phuc-tap/20134/193031.vnplus