Tình hình Syria 14/10: Thành lập vùng cấm bay ở Syria, phương Tây tuyên chiến với Nga

Anh cần cân nhắc các phương án quân sự ở Syria; Phương Tây đã nhường cho Nga thế chủ động ở Syria; Thành lập vùng cấm bay, phương Tây tuyên chiến với Nga; Ngoại trưởng Nga, Pháp thảo luận về Syria…là những tin mới nhất về tình hình chiến sự Syria....

Chiến đấu cơ Su-34 của Nga tham chiến chống IS ở Syria

The Guardian: Thành lập vùng cấm bay trên không phận Syria phương Tây đã tuyên chiến với Nga

Hiện Hạ Nghị viện Anh đang tiến hành thảo luận sôi nổi về triển vọng thành lập một vùng cấm bay trên không phận Aleppo (Syria). Trước đó, ứng cử viên Tổng thống Mỹ Hillary Clinton cũng thể hiện sự ủng hộ những biện pháp tương tự nhằm giải quyết xung đột ở Syria.

Bình luận viên của tờ The Guardian - Jonathan Steele cho rằng, ý tưởng sử dụng “lực lượng Không quân” có vẻ hấp dẫn các quốc gia phương Tây nhưng đối với Damascus bước đi này đầy rẫy những nguy hiểm nghiêm trọng.

Theo nhà báo này, năm 1991, London và Washington đã thành công lập một vùng cấm bay ở miền Bắc Iraq để bảo vệ lực lượng người Kurd. Đồng thời, Mỹ đã cô lập cựu Tổng thống (Iraq) Saddam Hussein khỏi sự hỗ trợ của quốc tế, tước đoạt đi tham vọng đối đầu với Washington của ông này, và cuối cùng đã khiến ông Hussein bại trận ở Kuwait.

Khi đó việc “đóng cửa không phận” còn thuận tiện vì ông Hussein không có bất kỳ kháng cự đặc biệt nào. Và không một chiến đấu cơ nào của Liên quân do Mỹ dẫn đầu bị bắn hạ, nhưng trong trường hợp ở Syria tình hình có vẻ khác.

“Không quân Syria đang hoạt động mạnh mẽ và họ không định dập tắt chiến dịch tiêu diệt kẻ thù của mình tại Aleppo. Sau 3 năm bình ổn lực lượng giờ đây ông Bashar al-Assad cảm thấy đã có được ưu thế và dự định sẽ giành lại thành phố lớn nhất cả nước này” – bài báo viết.

Và theo nhà bình luận The Guardian vấn đề quan trọng hơn cả là Không quân Nga cũng đang hoạt động, do đó việc thành lập vùng cấm bay thực tế sẽ trở thành một tuyên bố chiến tranh với cả Damascus và Moscow. Trong trường hợp này phương Tây thậm chí còn bỏ qua vai trò của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Ông Steele chỉ ra, có 3 phương án hợp lý để giải cứu cho người dân Aleppo và giúp giải quyết tình hình Syria mà không cần tới cuộc đối đầu quân sự giữa Nga và phương Tây. Một trong số đó là phương án di rời tự nguyện của bọn khủng bố, những kẻ hiện đang sử dụng dân thường Aleppo làm lá chắn sống và chặn lối ra khỏi thành phố.

Lựa chọn thứ hai liên quan tới việc trả lại quyền kiểm soát hoàn toàn Aleppo cho chính phủ Syria. Phương án cuối cùng mà tác giả đề cập đến là lệnh ngừng bắn, việc đạt được thỏa thuận này là một thách thức vô cùng khó khăn sau khi thỏa thuận Nga-Mỹ mới bị sụp đổ

Anh cần cân nhắc các phương án quân sự ở Syria

Ngoại trưởng Anh Boris Johnson ngày 13/10 tuyên bố nước này cần cân nhắc "các phương án quân sự" ở Syria, song cho rằng đây vẫn là viễn cảnh và chỉ có thể xảy ra trong một liên minh với Mỹ.

Phát biểu trước một ủy ban của Quốc hội Anh, Ngoại trưởng Johnson, người sẽ chủ trì cuộc đàm phán với các cường quốc Phương Tây khác về xung đột Syria trong ngày 16/10, cho hay: "Ngay bây giờ chúng ta cần một lần nữa xem xét các phương án quân sự".

Hồi năm 2013, Quốc hội Anh đã bỏ phiếu phản đối không kích nhằm vào lực lượng Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Sau đó, Quốc hội Anh đã cho phép tiến hành các cuộc không kích, song chỉ nhằm vào những mục tiêu của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Syria.

Cảnh hoang tàn tại Syria

Ngoại trưởng Nga, Pháp thảo luận về Syria

Bộ Ngoại giao Nga thông báo, ngày 13/10 Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã điện đàm với người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault để thảo luận về cuộc xung đột ở Syria.

Theo Bộ Ngoại giao Nga, Ngoại trưởng Ayrault cho hay Paris sẽ tiếp tục hợp tác với Moscow trong việc phát triển quan hệ song phương cũng như về các vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự quốc tế. Bộ này nêu rõ, cuộc điện đàm diễn ra theo đề nghị của phía Pháp.

Cựu Giám đốc MI-6: Phương Tây đã nhường cho Nga thế chủ động ở Syria

Theo Cựu giám đốc Cơ quan tình báo nước ngoài của Anh (MI-6), John Sawers, quyết định của chính phủ David Cameron về việc Vương quốc Anh không can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria là một sai lầm và dẫn đến thực tế là Liên bang Nga đã nắm quyền chủ động. Theo ông, hiện nay, thế giới bước vào một kỷ nguyên mới, "nguy hiểm" hơn so với thời kỳ "chiến tranh lạnh" vì sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Liên Bang Nga.

"Phương Tây cần phải thừa nhận rằng, cán cân lực lượng thế giới đã thay đổi, vì Nga và Trung Quốc đã trở nên mạnh mẽ hơn so với quá khứ. Chúng ta đang tiến vào một kỷ nguyên nguy hiểm, nếu không nói là nguy hiểm hơn so với Chiến tranh lạnh, bởi vì chúng ta không tập trung đến các mối quan hệ chiến lược giữa Washington và Matxcơva", ông Sawers nói.

Đức Dũng (lược dịch)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tinh-hinh-syria-1410-thanh-lap-vung-cam-bay-o-syria-phuong-tay-tuyen-chien-voi-nga-post211421.info