Tình dục an toàn cho cặp đôi "trái dấu"

GiadinhNet - Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng vừa tổ chức Hội thảo "Tiếng nói bị bỏ quên - Những vấn đề của bạn tình âm tính, của người có HIV và cặp đôi trái dấu".

Tình dục an toàn cho cặp đôi "trái dấu"

GiadinhNet - Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng vừa tổ chức Hội thảo "Tiếng nói bị bỏ quên - Những vấn đề của bạn tình âm tính, của người có HIV và cặp đôi trái dấu".

Đây là cơ hội để tìm ra phương pháp giúp các cặp đôi có đời sống tình dục bình thường, sinh con an toàn.

Các dịch vụ tư vấn còn thiếu

Cặp đôi "trái dấu" - hay cặp đôi không cùng huyết thanh là cụm từ chỉ cặp đôi trong đó một người dương tính và một người âm tính với HIV. Mặc dù hầu hết các mối quan hệ dựa trên cơ sở tình yêu và cam kết nhưng các cặp có huyết thanh trái dấu vẫn sống trong sự lo sợ bị nhiễm, lo sợ bị mất bạn tình. Một số cặp đôi "trái dấu" may mắn có kết quả âm tính khi "quan hệ" hoàn toàn nhờ vào sự may mắn chứ không phải do họ dùng biện pháp bảo vệ ngay từ đầu.

Chồng chị Diệp Thị Hằng ở Quan Lạn, Vân Đồn (Quảng Ninh) nhiễm HIV do sử dụng ma túy. Nghĩ chồng nhiễm HIV thì mình chắc chắn cũng bị nhiễm nên chị Hằng nhất định không chịu đi xét nghiệm. Chị Hằng kể lại: Biết chồng nhiễm, em cũng tin chắc mình bị và vẫn bảo chồng "cứ để thế này thì còn sống được chứ xét nghiệm, biết chắc chắn mình dính rồi còn suy sụp hơn". Mãi sau này, nhờ sự tận tình tư vấn của nhóm Vì ngày mai tươi sáng Vân Đồn, chị Hằng đã đi khám, kết quả xét nghiệm âm tính. Không tin mình may mắn đến vậy, chị đi các bệnh viện xét nghiệm đến 3 - 4 lần, kết quả đều âm tính. "Giờ để tránh lây nhiễm, vợ chồng em đều dùng bao cao su mỗi khi "sinh hoạt" chứ cũng chưa biết các biện pháp khác hay dùng thuốc men thế nào", chị Hằng băn khoăn.

Theo kết quả giám sát của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, dịch HIV/AIDS tại Việt Nam vẫn ở trong giai đoạn tập trung - xảy ra chủ yếu trong các nhóm nguy cơ cao. Lây nhiễm HIV qua đường máu có xu hướng giảm, ngược lại, tỷ lệ lây nhiễm qua đường quan hệ tình dục đang tăng dần. Viện Nghiên cứu phát triển xã hội đã thực hiện khảo sát, kết quả cho thấy: 87% nam giới và 79% phụ nữ sống chung với HIV có ít nhất một người bạn tình; 39% nam giới và 20% phụ nữ có ít nhất 2 bạn tình kể từ khi biết mình bị nhiễm HIV. Cũng theo nghiên cứu này, trong số các bạn tình của nam giới có HIV, gần một nửa được xác định có HIV âm tính hoặc chưa xác định được tình trạng huyết thanh. Tỷ lệ này chiếm khoảng 15% trong số bạn tình của nữ có HIV.

Bà Khuất Thị Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng cho biết, nhu cầu sinh con là một trong những nhu cầu căn bản nhất của con người. Đối với những người nhiễm HIV nhu cầu này lại càng mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, những người nhiễm HIV, đặc biệt là những cặp đôi "trái dấu" hiện chưa có một hướng dẫn chính thức để phòng tránh lây nhiễm HIV mà chủ yếu chỉ biết thông qua truyền miệng. Các dịch vụ tư vấn an toàn sinh sản, chăm sóc SKSS cho họ còn thiếu, yếu. Họ đã tự mày mò, tự "vượt rào" để "đánh bạc" với số phận bằng việc quan hệ tình dục không an toàn như cắt đầu bao cao su, không dùng bao rồi uống thuốc phơi nhiễm... Điều nay đã góp phần làm HIV lây lan rộng.

Giảm nguy cơ từ thuốc ARV

Theo điều tra của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phát triển cộng đồng, hiện nay có khá nhiều cặp đôi "trái dấu" đang chung sống với nhau. Hầu hết các cặp đôi quyết định chung sống không phải vì lý do tài chính mà vì tình yêu, sự đồng cảm, thậm chí rất nhiều bạn đời của những người nhiễm HIV còn luôn sợ mất bạn tình. 91,2 % trong số họ không muốn có bạn tình mới.

Cũng theo bà Khuất Thị Hải Oanh, hiện nay phần lớn cặp đôi "trái dấu" chống lây nhiễm bằng cách sử dụng bao cao su. Nhưng khi mong muốn có con, nhiều người đã bỏ qua mối nguy hại về sức khỏe để quan hệ không an toàn. Trong số 307 người tham gia khảo sát, có tới 74% từng có thai với bạn tình có HIV dù biết rõ nguy cơ về sức khỏe.

Theo bác sĩ Fabio Mesquita, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại Cần Thơ và Điện Biên, WHO đang nghiên cứu thử nghiệm điều trị 2.0 cho các cặp đôi "trái dấu". Tại 2 thành phố này, trong 3 năm, những người mẹ có HIV sẽ được điều trị và thử nghiệm loại trừ hoàn toàn lây nhiễm HIV từ mẹ sang con. Nguy cơ lây nhiễm HIV hoàn toàn có thể được kiểm soát nhờ các thuốc kháng virus hiệu quả, thuốc diệt vi trùng, kỹ thuật chẩn đoán và định lượng HIV.

Tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, hiện nay Việt Nam có 378 phòng tư vấn về HIV. Tuy nhiên, con số này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, cũng như mong muốn của những người nhiễm HIV. "Đôi khi những tiếng nói của họ đã bị "bỏ quên" bởi sự kỳ thị của cộng đồng và cả những người thân của họ" Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến nói.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, người nhiễm HIV cũng có quyền được sống, được làm việc, được hưởng hạnh phúc và được mưu cầu những nhu cầu hết sức bình thường của con người. "Những người nhiễm HIV nói chung và những cặp đôi "trái dấu" nói riêng cần nắm thêm thông tin để có những biện pháp phòng tránh hiệu quả nhất, để vừa đảm bảo những nhu cầu bản năng của con người vừa đảm bảo được chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, với những người đã bị nhiễm rồi thì cần dùng thuốc kháng virus ARV. Theo nghiên cứu, những người bị nhiễm HIV có dùng thuốc ARV khi quan hệ không có bảo vệ thì tỷ lệ lây nhiễm giảm đi nhiều, thậm chí có thể giảm 90% nguy cơ. Còn nếu muốn có con thì nên đến trung tâm y tế kiểm tra để được áp dụng những phương pháp tốt nhất tránh lây nhiễm cho con", Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho hay.

Phương Thuận

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/20111102085613914p0c1001/tinh-duc-an-toan-cho-cap-doi-trai-dau.htm