Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 26/11

Tin tức thời sự 24h mới nhất ngày 26/11: Rơi từ giàn giáo tầng 24 tòa nhà, nam công nhân tử vong; Từ ngày 30/11, tạm dừng thu phí Trạm Đèo Ngang; ...

Rơi từ giàn giáo tầng 24 tòa nhà, nam công nhân tử vong

Khoảng 13h ngày 25/11, nam công nhân đang làm việc tại khu vực giàn giáo ở tầng 24 tòa nhà Thăng Long số 21 đường Lê Đức Thọ (phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) thì bất ngờ rơi xuống một ngôi nhà cao tầng ở gần đó dẫn đến tử vong.

Đến 15h40, thi thể nạn nhân được đưa ra ngoài hiện trường. Thông tin ban đầu, nam thanh niên gặp nạn 24 tuổi, quê ở Hòa Bình. Ngay sau khi xảy ra sự việc, lực lượng chức năng có mặt tại hiện trường tiến hành điều tra, làm rõ. Xem chi tiết

Từ ngày 30/11, tạm dừng thu phí Trạm Đèo Ngang

Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản yêu cầu Tổng công ty Sông Đà tạm dừng thu phí tại Trạm thu phí Hầm Đèo Ngang từ thời điểm 0h00 ngày 30/11 và thông báo công khai việc tạm dừng thu phí trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại trạm thu phí.

Về lý do tạm dừng thu phí, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết là để thanh, quyết toán dự án. Xem chi tiết

Lên Lào Cai đòi nợ, sản phụ đẻ rơi con giữa đường

Sự việc xảy ra vào khoảng 10h sáng 24/11. Sản phụ đẻ rơi bên đường là chị Nguyễn Thị Thanh Loan (quê ở xã Phúc Lợi, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ). Do nghĩ còn 15 ngày nữa mới đẻ nên sản phụ này đã đi xe máy một mình từ Phú Thọ lên Lào Cai để đòi tiền.

Tuy nhiên, khi lên đến Lào Cai, sản phụ này đã không đòi được tiền. Trên đường về, khi đi đến khu vực thị trấn Yên Bình, tỉnh Yên Bái thì bất ngờ trở dạ và phải sinh con giữa đường với sự trợ giúp của người dân và bác sỹ của thị trấn Yên Bình. Xem chi tiết

Cá nhân vi phạm quy định về bảo vệ môi trường bị phạt đến 1 tỷ đồng

Theo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường mà Chính phủ vừa ban hành, cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sẽ bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau: Cảnh cáo; phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức. Xem chi tiết

Khoản 1,2 Điều 4. Hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Nghị định Số: 179/2013/NĐ-CP)

1. Hình thức xử phạt chính, mức xử phạt:

Cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1.000.000.000 đồng đối với cá nhân và 2.000.000.000 đồng đối với tổ chức.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với: Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường; Giấy phép quản lý chất thải nguy hại; Giấy phép xả nước thải vào nguồn nước; Giấy chứng nhận đủ điều kiện nhập khẩu phế liệu; Giấy xác nhận đủ điều kiện vận chuyển hàng hóa nguy hiểm; Giấy chứng nhận túi ni lon (hoặc ni lông) thân thiện với môi trường; Giấy chứng nhận lưu hành chế phẩm sinh học trong xử lý chất thải tại Việt Nam; Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường; Giấy phép khai thác loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Giấy phép nuôi, trồng các loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ; Giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học; Giấy phép nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai; Giấy phép tiếp cận nguồn gen; Giấy phép khảo nghiệm sinh vật biến đổi gen; Giấy phép nhập khẩu sinh vật biến đổi gen; Giấy chứng nhận an toàn sinh học; Giấy phép trao đổi, mua, bán, tặng, cho, thuê loài thuộc Danh mục Loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thực phẩm; Giấy xác nhận sinh vật biến đổi gen đủ điều kiện sử dụng làm thức ăn chăn nuôi (sau đây gọi chung là Giấy phép môi trường) hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn theo quy định tại Khoản 2 Điều 25 Luật xử lý vi phạm hành chính từ 01 tháng đến 24 tháng, kể từ ngày quyết định xử phạt vi phạm hành chính có hiệu lực thi hành;

b) Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (sau đây gọi chung là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính).

Chú ý: Thông tin pháp lý trong hộp nội dung này được trích từ nguồn trên mạng Internet, nên chỉ mang tính chất tham khảo.

AN LÊ (tổng hợp)

Xem thêm video tin tức:

Nguồn: Tinnhanhonline.vn

Nguồn ĐS&PL: http://www.doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/tin-tuc-thoi-su-24h-moi-nhat-ngay-2611-a171683.html