Tin tài chính nổi bật ngày 12/11

(ĐTCK) Giá trị giao dịch chứng khoán cao kỷ lục 5 tháng, giá vàng SJC hồi phục cuối phiên, cần bán nợ xấu cho các NĐT nước ngoài…

Chuyển động thị trường

- Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên 12/11 có giá trị giao dịch cao kỷ lục trong vòng 5 tháng, đạt 1.927,3 tỷ đồng, tăng 27,5% so với phiên hôm qua. VN-Index trên sàn TP. HCM ẫn dao động xung quanh ngưỡng 500 điểm, đóng cửa tại 497,65 điểm, giảm 3,43 điểm (-0,68%). Trên sàn Hà Nội, HNX-Index đóng cửa tại 63,85 điểm, giảm 0,2 điểm (-0,32%).

- Thị trường chứng khoán châu Á đóng cửa chiều 12/11 (giờ Việt Nam) với diễn biến tăng giảm đan xen. Chỉ số Shanghai Composite tăng thêm 17,3 điểm (+0,82%), lên 2.126,77 điểm; chỉ số HangSeng Index giảm 168,44 điểm (-0,73%), xuống 22.901,41 điểm; chỉ số Nikkei 225 tăng thêm 318,84 điểm (+2,23%), lên 14.588,68 điểm.

- Trên thị trường chứng khoán Mỹ, kết thúc phiên 11/11, chỉ số S&P 500 đóng cửa tại 1.771,89 điểm, tăng 1,28 điểm (+0,07%).

- Thị trường trái phiếu tại Sở GDCK Hà Nội ngày có 200.000trái phiếu chính phủ đáo hạn ngày 28/2/2016 được giao dịch với mức giá gần nhất là 102.182 đồng/TP (lãi suất trái phiếu là 8,5%), tương đương lợi suất 7,3999%.

- Tỷ giá USD cuối ngày 12/11 được Vietcombank niêm yết ở mức 21.075/21.115 đồng/USD (mua/bán), không thay đổi so với cuối giờ chiều 11/11, nhưng thấp hơn 5 đồng/USD so với cuối tuần trước.

- Giá vàng SJC trong nước tiếp tục giảm, lúc 10h30 sáng 12/11 được niêm yết ở mức 36,430 - 36,490 triệu đồng/lượng (mua - bán), sau đó giá có xu hướng phục hồi, cuối giờ chiều được niêm yết ở mức 36,450 - 36,510 triệu đồng/lượng (mua - bán), giảm 30.000 đồng/lượng so với chiều 11/11.

Diễn biến khác

- Bộ Tài chính dự kiến điều chỉnh giảm các mức phí liên quan đến phát hành trái phiếu chính phủ như sau: a) 0,045% giá trị danh nghĩa trái phiếu phát hành theo phương thức đấu thầu được chi trả cho Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (hiện là 0,07%); b) Phí bảo lãnh phát hành trái phiếu được thanh toán cho tổ chức bảo lãnh chính theo thỏa thuận giữa Kho bạc Nhà nước và tổ chức bảo lãnh chính, nhưng không vượt quá 0,10% giá trị danh nghĩa trái phiếu phân phối (hiện là 0,15%); c) 0,025% giá trị lãi, gốc trái phiếu thực thanh toán được chi trả cho Trung tâm Lưu ký chứng khoán (hiện là 0,04%); d) 0,007% giá trị danh nghĩa trái phiếu phát hành được chi trả cho Kho bạc Nhà nước (hiện là 0,01%).

- Quốc hội đã thông qua dự toán ngân sách 2014 với mức bội chi được tăng lên 5,3% GDP, tương đương 224.000 tỷ đồng như đề xuất của Chính phủ. Ngoài ra, Quốc hội đã biếu quyết thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2014 là 5,8%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 30% GDP; CPI tăng khoảng 7%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 10%.

- Ngân hàng Nhà nước vừa công bố một số chỉ tiêu cơ bản về tình hình hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng tính đến 30/9/2013. Theo đó, tổng tài sản có của toàn hệ thống đạt 5.367.040 tỷ đồng, tăng 83.266 tỷ đồng so với thời điểm 30/8 và tăng 281.260 tỷ đồng (+5,53%) so với cuối năm 2012; tổng vốn tự có của toàn hệ thống đạt 455.236 tỷ đồng, tăng 10.211 tỷ đồng so với tháng trước và tăng 29.254 tỷ đồng (+6,87%) so với cuối năm 2012; tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống tăng 4,99% so với cuối năm 2012, đạt 411.732 tỷ đồng. Trong đó, vốn điều lệ của khối NHTM Nhà nước đạt 123.442 tỷ đồng, tăng 10,66%; khối NHTMCP đạt 182.244 tỷ đồng, tăng 2,6%; khối ngân hàng liên doanh, nước ngoài đạt 79.223 tỷ đồng, tăng 4,05%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống tăng nhẹ lên mức 13,76% từ mức 13,66% tại thời điểm cuối tháng 8.

- Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối tháng 9/2013, tổng nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống ngân hàng chiếm 4,62% tổng dư nợ, giảm nhẹ so với mức 4,64% cuối tháng 8. Nếu không thực hiện Quyết định số 780/QĐ-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và không xử lý bằng dự phòng rủi ro trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, thì nợ xấu toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến cuối tháng 9/2013 lên tới 12,7%.

- TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay là hậu mua nợ. Để xử lý thành công nợ xấu, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) phải bán khoảng 60 - 70% nợ xấu đã mua cho các nhà đầu tư nước ngoài.

- Theo Báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2013, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2014 vừa được Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội báo cáo Quốc hội, dự toán chi ngân sách năm 2014 sẽ tiếp tục dành khoảng 5.000 tỷ đồng để bù chênh lệch lãi suất. Cụ thể, chi cấp bù chênh lệch lãi suất tín dụng nhà nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Phát triển Việt Nam năm 2014.

- Theo Bộ phận Phân tích của CTCK Maybank Kim Eng, trường hợp tốt nhất, CTCP Nhựa Bình Minh (BMP) được hoàn trả khoản phạt chậm nộp 42,1 tỷ đồng và chỉ phải đóng 75 tỷ đồng (khoản truy thu thuế cho các năm 2009 và 2010).

- Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối quý III/2013, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng có 62,93 triệu thẻ ngân hàng, tăng 4,62% so với cuối quý II. Như vậy, trung bình cứ 1,42 người sở hữu 1 thẻ ngân hàng. Trong đó, số thẻ nội địa là 57,23 triệu thẻ (+4,26%), số thẻ quốc tế là 5,7 triệu thẻ (+8,36%). Phân chia theo nguồn tài chính, số thẻ ghi nợ là 58,21 triệu thẻ (+4,41), số thẻ tín dụng là 2,27 triệu thẻ (+8,61%), số thẻ trả trước là 2,45 triệu thẻ (+6%).

- HĐQT CTCP Phát triển nhà Thủ Đức (TDH) vừa thông qua phương án phát hành 420 trái phiếu riêng lẻ trong tháng 11 này, nhằm mục đích tái cấu trúc tài chính Công ty. Trái phiếu có kỳ hạn 4 năm, mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Lãi suất trái phiếu là lãi suất thả nổi, điều chỉnh định kỳ 6 tháng/lần, bằng lãi suất tiền gửi tiết kiệm VND kỳ hạn 13 tháng trả lãi cuối kỳ do Ngân hàng TMCP Phương Đông công bố tại thời điểm tính lãi cộng 2,875%/năm. TDH được quyền mua lại một phần hoặc toàn bộ trái phiếu vào bất kỳ thời điểm nào trước ngày đáo hạn.

- Hôm nay, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng Đầu tư Quốc tế (IIB) đã ký kết Thỏa thuận nguyên tắc về việc vay vốn trung dài hạn trị giá 50 triệu Euro. Mục đích của khoản vay là để BIDV tài trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam.

>> CTCK nhận định thị trường ngày 13/11

>> Phiên 12/11: “Dội bom”

>> Khối ngoại bán ròng hơn 40 tỷ đồng

Nguồn ĐTCK: http://tinnhanhchungkhoan.vn/GL/N/DAAECF/tin-tai-chinh-noi-bat-ngay-12-11.html