Tin mới nhất vụ tấn công hóa học Syria: 'Đòn trừng phạt kiểu Mỹ'

Dù sự việc chưa ngã ngũ, nhưng Mỹ đã lại tiếp tục tung "đòn trừng phạt" với Syria

"Đòn trừng phạt kiểu Mỹ"

Theo Washington Post, sau vụ tấn công vũ khí hóa học tại Syria ngày 4/4, Mỹ đã tiến hành nhiều biện pháp trả đũa cứng rắn cả về quân sự và đối ngoại đối với Chính phủ Syria.

Vụ tấn công vũ khí hóa học tỉnh Idlib, Syria ngày 4/4 khiến gần 100 dân thường thiệt mạng (Ảnh: Reuters).

Mới đây nhất, ngày 25/4, Mỹ đã đưa 271 nhân viên thuộc một cơ quan Chính phủ Syria vào danh sách trừng phạt với cáo buộc, cơ quan này là nơi "chịu trách nhiệm phát triển và sản xuất chất độc thần kinh sarin" sử dụng trong vụ tấn công khiến gần 100 dân thường thiệt mạng ngày 4/4 tại tỉnh idlib, Syria.

Trong một tuyên bố trước truyền thông, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nhấn mạnh: "Mỹ đang gửi thông điệp mạnh mẽ tới Chính phủ Syria và những bên liên quan rằng, Washington sẽ không tha thứ cho hành động vô lương tâm này. Các biện pháp trừng phạt trên diện rộng nhằm vào trung tâm hỗ trợ khoa học cho vụ tấn công khủng khiếp bằng vũ khí hóa học do lực lượng của Tổng thống Syria Bashar al-Assad gây ra”.

Ông Steven Mnuchin đang nói tới vụ tấn công hóa học ngày 4/4 mà phía Mỹ đưa ra cáo buộc Chính phủ Syria cần phải chịu trách nhiệm cho vấn đề này.

Theo Bộ trưởng Mnuchin, 271 nhân viên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật cao của Syria nằm trong danh sách trừng phạt là những chuyên gia về hóa học và các lĩnh vực có liên quan, hoặc đã làm việc hỗ trợ cho chương trình vũ khí hóa học của trung tâm này ít nhất từ năm 2012.

Giới quan sát cho rằng, mặc dù không ai trong số 271 nhân viên Syria này có tài sản hay giao dịch tài chính với Mỹ, nhưng với động thái này, Mỹ đang muốn khoét sâu mâu thuẫn nội bộ giữa Chính phủ và các nhân viên. Đặc biệt, hình ảnh của chính quyền Assad ảnh hưởng không nhỏ sau vụ trừng phạt này.

Syria sẵn sàng chào đón các điều tra viên

Năm 2013, một vụ tấn công vũ khí hóa học đã xảy ra tại ngoại ô Damascus khiến hàng trăm dân thường thiệt mạng, nhưng thời điểm đó, cựu Tổng thống Barack Obama đã không được Quốc hội chấp thuận thực hiện một cuộc tấn công vào Chính phủ Syria.

Sau đó, phía Mỹ, Nga đã cùng thương thuyết và đạt được một thỏa thuận khung mang tính đột phá để loại bỏ vũ khí hóa học của Syria. Thỏa thuận đã đề ra một loạt các bước để Chính phủ Syria thực hiện.

Theo đó, Syria phải giao nộp danh sách đầy đủ các cơ sở vũ khí hóa học của nước này và các thanh tra viên vũ khí của Liên Hiệp Quốc sẽ bắt đầu thực hiện nhiệm vụ trên lãnh thổ Syria để giám sát.

Nhưng sau khi thỏa thuận được ban hành, Mỹ cùng nhiều nước phương Tây không ít lần lên tiếng cáo buộc Chính phủ Syria vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học. Song hầu hết những cáo buộc đó đều không có chứng cứ cụ thể.

Với vụ tấn công mới nhất ngày 4/4, bộ Ngoại giao Nga cho biết, quân đội Syria sẽ sẵn sàng ngừng bắn xung quanh thị trấn Khan Sheikhun nếu các chuyên gia quốc tế được phái tới đây để tiến hành điều tra.

Moscow khẳng định, Damascus "sẵn sàng tuyên bố tạm dừng hoàn toàn các hoạt động của binh sĩ cũng như các hoạt động trên không và pháo kích tại khu vực này" nếu các điều tra viên được cử tới. Họ cũng sẽ được phép tiếp cận căn cứ không quân Shayrat, nơi bị cáo buộc được sử dụng để tiến hành vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học nói trên.

Phương Anh

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/tan-cong-hoa-hoc-syria-chua-ro-trang-den-my-da-tiep-tuc-hanh-dong-a323635.html