Tin khó tin: Những 'quả đấm thua lỗ', những 'cái tát nợ nần' và luật pháp chỉ nghiêm với 'con cá, lá rau'

Doanh nghiệp nhà nước, những "quả đấm thép" hiên ngang ngày nào giờ không ít đã và đang trở thành những "quả đấm thua lỗ" một cách khủng khiếp. Ngân sách Nhà nước, mới có 7 tháng mà đã "ăn hụt" đến hơn 100 ngàn tỷ đồng và đằng sau đó là những "cái tát nợ nần" cùng sự tiêu xài vô tội vạ tiền thuế và khi luật pháp chỉ nghiêm khắc với những "con cá, lá rau". Đọc Tin khó tin hôm nay, quý vị sẽ biết vì sao người ta gọi dân là "dân đen"...

1. Những quả đấm… thua lỗ

Công ty mẹ COMA hiện có số nợ gấp 12 lần vốn chủ sở hữu. Ảnh: Tiền Phong

Một số doanh nghiệp nhà nước, một thời được ví von như là những “quả đấm thép” của nền kinh tế hiện nay không những không còn “thép” mà còn ngập đầu trong nợ nần khủng khiếp.

Hãy đọc số liệu do Kiểm toán Nhà nước công bố liên quan đến tình hình quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước năm 2014 tại 38 tập đoàn, tổng công ty, công ty Nhà nước với tổng cộng 234 doanh nghiệp.

Có đến 5/38 tập đoàn, tổng công ty, công ty kinh doanh thua lỗ, mà đứng đầu là Vinalines với số lỗ khủng lên đến gần 3.500 tỷ đồng; Tổng công ty 15 là 471 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng công nghiệp Việt Nam (Vinaincon) lỗ 131 tỷ đồng...

Một chi tiết đáng chú ý là hoạt động kinh doanh của nhiều tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chủ yếu dựa vào vốn vay của các tổ chức tín dụng, vốn chiếm dụng... dẫn đến hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao. Tính đến cuối năm 2015, Chính phủ đã phải bảo lãnh vay vốn hơn 26 tỷ USD cho các doanh nghiệp thuộc khối này.

Dẫn đầu trong số doanh nghiệp có nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu cao là các công ty thuộc Vinalines như Công ty Công nghiệp tàu thủy Cà Mau (154 lần), Công ty Phát triển Hàng hải (55 lần), Cảng Năm Căn (17 lần), Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô (40 lần), Cảng Cái Lân (27 lần)... Công ty mẹ COMA có số nợ gấp 12 lần vốn chủ sở hữu...

Đó là chưa kể đến những khoản nợ khó đòi nhiều vô số kể. Những “quả đấm thép” đã và đang biến thành những “quả đấm nợ nần”. Và tất nhiên, các doanh nghiệp này cũng chỉ đóng góp khoảng 30% vào GDP, trong khi lại chiếm 70% vốn đầu tư toàn xã hội, 50% vốn nhà nước, 60% tín dụng, 79% tổng nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại và 70% vốn ODA… Xem tại đây

2. Những “cái tát nợ nần”

Trên Lao Động vừa có bài viết gọi giá ô tô ở Việt Nam là “ma trận”. Đó là cách giải thích hợp lý nhất cho một sự thật hoa mắt và khủng khiếp: Ở Việt Nam, người ta bán 1 xe Rolls-Royce thu lãi đúng bằng… 12 xe Camry!

Việt Nam, một thị trường nhỏ bé nhưng lại là miếng bánh ngon của các thương hiệu xe lớn trên thế giới chỉ vì một lý do rất đơn giản: Ở đây có thể khai giá thấp để gian lận thuế và sau đó bán giá cao!

Cũng là chuyện nhập xe, hôm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) gởi Bộ Tài chính “tố” một số nhà nhập khẩu trong nước khai giá nhập ôtô Trung Quốc thấp hơn thực tế.

Hiệp hội này dẫn chứng, dòng xe ben Chassic giá thực tế là 40.900 USD nhưng khi doanh nghiệp khai báo hải quan chỉ là 21.865 USD. Tính ra với mức giá chênh lệch hơn 19.035 USD và thuế nhập khẩu 25%, khoản tiền Nhà nước thất thu khoảng 106 triệu đồng mỗi xe.

“Giả sử một năm Việt Nam nhập khẩu dòng xe này với số lượng là 10.000 thì tính sơ sơ, Nhà nước sẽ bị thất thu số thuế nhập khẩu khoảng 1.061 tỷ đồng”.

Đây có thể coi là những “cái tát nợ nần” sau những “quả đấm thua lỗ”!

Ai còn giữ được bình tĩnh thì có thể tham khảo thêm cái này: Tính từ đầu năm đến thời điểm 15.7.2016, tổng thu ngân sách Nhà nước ước tính đạt 500,8 nghìn tỷ đồng. Trong khi tổng chi ngân sách Nhà nước ước tính đạt 606,4 nghìn tỷ đồng.

Như vậy đến thời điểm này, ngân sách Nhà nước đang bội chi ước đạt 105,6 nghìn tỷ đồng!

Miệng ăn núi lở là như thế này đây! Xem tại đây , tại đây tại đây

3. Phó Bí thư Tỉnh ủy đi học bằng "dỏm" bằng tiền ngân sách

Ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định. Ảnh: Tuổi trẻ

Đây, thêm một ví dụ nữa để minh họa cho thực trạng “miệng ăn núi lở”. Tờ Tuổi Trẻ vừa phát hiện ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Bình Định, đã làm nghiên cứu sinh bằng tiền ngân sách nhà nước với tổng số tiền 386 triệu đồng.

Ông Lê Kim Toàn đăng ký đi học vào thời điểm đang làm Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bình Định.

Ông Lê Kim Toàn là lãnh đạo Đảng, nhưng lại đi làm nghiên cứu sinh tiến sĩ quản lý giáo dục do Trường Đại học Đại Nam (Hà Nội) và Trường Đại học Bulacan State (Philippines) tổ chức.

Nhưng chuyện hài vẫn chưa được khép lại ở đó. Bởi thực chất, chương trình đạo tạo mà ông Toàn theo học chỉ là một chương trình bán du học kiểu ngắn ngày, thời gian học thực tế của mỗi đợt thường kéo dài từ hai đến ba ngày. Và Bộ GD&ĐT Việt Nam chưa công nhận văn bằng, hình thức đào tạo của trường này.

Làm lãnh đạo, lấy ngân sách đi học nhưng lại học phải chương trình đạo chẳng được ai công nhận rồi sau đó về làm lãnh đạo cao hơn. Tiền thuế là do dân còng lưng ra đóng, sao lại có thể tiêu xài một cách hoang phí và ngược ngạo như thế được nhỉ?

Chẳng lẽ ở Việt Nam, Công Lý cứ mãi mãi làm diễn viên hài? Xem tại đây tại đây

4. Phát ngôn trong ngày: Luật chỉ nghiêm với “con cá, lá rau”

Hai thanh niên cướp bánh mỳ lãnh 10 tháng tù. Ảnh: Lao Động

Nhân chuyện Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình yêu cầu Tòa án Nhân dân TP.HCM xem xét lại vụ việc 2 thanh niên ở TP.HCM bị xử lý hình sự vì trộm bánh mỳ do quá đói.

Đại biểu Quốc hội, luật sư Nguyễn Văn Chiến, Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hà Nội đã có một phát ngôn rất thú vị rằng: “Rất nhiều vụ việc mà lẽ ra các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc để xử lý thật nghiêm và khẩn trương thì lại bị cho là khó và có những yếu tố này khác để chậm trễ xem xét hoặc không xử lý hình sự. Bên cạnh đó, những vụ việc như là trộm cắp “cái mũ, cái bánh mỳ, con cá lá rau” là những vụ việc vặt vãnh thì lại xử lý rất nghiêm khắc”.

Việc mà lẽ ra các cơ quan bảo vệ pháp luật cần vào cuộc để xử lý nghiêm và khẩn trương, theo ông Chiến là việc 5 lãnh đạo Vinaconex được miễn xử lý hình sự trong vụ vỡ đường ống sông Đà vì nhân thân tốt.

Ông Chiến bảo “trong các trường hợp vừa qua, căn cứ vào yếu tố nhân thân mà miễn xử lý hình sự thì còn khiên cưỡng và chưa thực sự phù hợp”.

Bổ nhiệm cán bộ thì theo nguyên tắc “nhất hậu duệ, nhì tiền tệ, ba quan hệ…”. Luật chỉ nghiêm với những “con cá, lá rau”. Giờ thì biết vì sao người ta gọi dân là “dân đen” rồi! Xem tại đây

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/kho-tin/tin-kho-tin-nhung-qua-dam-thua-lo-nhung-cai-tat-no-nan-va-luat-phap-chi-nghiem-voi-con-ca-la-rau-577687.bld