Tín hiệu mới Hàn Quốc muốn sở hữu vũ khí hạt nhân

Để đối phó với Triều Tiên, Hàn Quốc đã công khai muốn đóng tàu ngầm hạt nhân và muốn rút khỏi Hiệp ước không phổ biến loại vũ khí hủy diệt này.

Đóng tàu ngầm hạt nhân

Theo hãng thông tấn Yonhap, ngày 11/10, Tư lệnh Hải quân Hàn Quốc, ông Um Hyu-seong tuyên bố, mua sắm tàu ngầm hạt nhân có thể giúp nước này có thể ngăn chặn hiệu quả mối đe dọa ngày càng tăng từ phía Triều Tiên.

Ông Um Hyu-seong cho biết rằng: "Tàu ngầm hạt nhân sẽ giúp ích rất nhiều cho hạm đội tàu chiến". Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quyết định nào được thực hiện, vị tư lệnh này cho biết thêm.

Đây cũng là câu trả lời của ông Um Hyu-seong trước câu hỏi của Nghị sĩ Kim Hack yong, thuộc Đảng cầm quyền Sanenuiri: Chính phủ Hàn Quốc có nên đóng tàu ngầm hạt nhân để săn tìm tàu ngầm, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên?

Ông này cho biết thêm rằng: "Để có một tàu ngầm hạt nhân, Bộ Quốc phòng cần phải xem xét nhiều điều kiện". Được biết, đây không phải là lần đầu tiên Hàn Quốc công khai muốn đóng tàu ngầm hạt nhân.

Chiến hạm Aegis Hàn Quốc tập trận với Mỹ.

Cuối tháng 8/2016, hãng thông tấn Yonhap dẫn tuyên bố của nhóm gồm 23 nghị sỹ của Đảng Saenuri cầm quyền ở Hàn Quốc cho biết, nước này cần xem xét khả năng đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để đối phó với các hành động khiêu khích đang gia tăng từ phía Bình Nhưỡng.

Tuyên bố có đoạn viết: "Quân đội Hàn Quốc cần có động thái đối phó hữu hiệu với mối đe dọa bằng tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) của Triều Tiên bằng cách triển khai một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân có thể phát hiện và tấn công các tàu của Triều Tiên tốt hơn...

Bình Nhưỡng phải ngừng các hành động khiêu khích đe dọa không chỉ khu vực Đông Bắc Á mà còn toàn thể thế giới. Triều Tiên cần phải đi theo con đường hòa bình và thịnh vượng, và phải nhận ra rằng thử hạt nhân và phóng tên lửa sẽ chỉ dẫn đến sự tự diệt".

Nghị sỹ Won Yoo-chul, người đứng đầu nhóm nghị sỹ trên cho biết, vì có ba mặt giáp biển nên Hàn Quốc rất dễ bị lâm nguy trước các mối đe dọa SLBM của Triều Tiên, vì vậy việc triển khai tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân là rất cần thiết để đối phó với những hành động khiêu khích.

Cùng với việc muốn sở hữu tàu ngầm chạy năng lượng hạt nhân, tờ Chosun Ilbo của Hàn Quốc hồi giữa tháng 9/2016 dẫn nguồn tin quân sự nước này cho biết, để đối phó hiệu quả với sự khó lường từ Triều Tiên, Hàn Quốc nên cân nhắc khả năng rút khỏi Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân để tiến hành vũ trang hạt nhân "có điều kiện".

"Con đường sinh tồn của Hàn Quốc chính là sở hữu vũ khí hạt nhân giống như Triều Tiên," tờ Chosun viết. Dù phía Seoul chưa đưa ra phản ứng chính thức nào về thông tin này nhưng như vậy cũng đủ cho thấy, có thể đây là những tín hiệu đầu tiên về tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân được Hàn Quốc hiện thực hóa.

Mỹ khiến Hàn Quốc hụt hẫng

Không phải ngẫu nhiên giới quân sự Hàn Quốc lại công khai ý muốn sở hữu vũ khí hạt nhân vào thời điểm này, bởi ngay trước đó, Mỹ đã thẳng thừ từ chối bảo vệ Seoul bằng chiếc ô hạt nhân dù mối đe dọa bên kia giới tuyến đang ngày càng gia tăng.

Theo tờ Dong A Ilbo của Hàn Quốc, Nhà Trắng đã từ chối lời kêu gọi từ Hàn Quốc về trang bị hoặc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ cho Seoul.

"Sẽ không có lợi cho cả Mỹ và Hàn Quốc khi theo đuổi vũ khí hạt nhân", ông Jon Wolfshal, Giám đốc cấp cao về kiểm soát và không phổ biến vũ khí hạt nhân thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ nói với các phóng viên, sau khi tham Đối thoại Mỹ-Hàn lần thứ 4 tại Trung tâm Khoa học Chính trị Quốc tế Woodrow Wilson ở Washington.

Đây là lần đầu tiên, một quan chức cấp cao Nhà Trắng phụ trách vấn đề hạt nhân Triều Tiên công khai bày tỏ sự phản đối của Washington đối với trang bị hoặc tái triển khai vũ khí hạt nhân chiến lược ở Hàn Quốc.

"Quan điểm lâu nay ở Mỹ là chúng tôi có nhiều khả năng bảo vệ Hàn Quốc và Nhật Bản chống lại mọi mối đe dọa từ bất cứ quốc gia nào, chúng tôi luôn có đầy đủ mọi khả năng cần thiết", ông Wolfshal khẳng định.

Ông nhấn mạnh, Seoul và Washington "cần phải nghiêm túc tuân thủ Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân, chỉ có cách đó mới đem lại lợi ích cho cả 2 bên và cũng để hình thành xương sống của liên minh".

Clip Mỹ thử nghiệm bom B61-12

Mỹ Đức

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/tin-hieu-moi-han-quoc-muon-so-huu-vu-khi-hat-nhan-3320668/