Tín hiệu đáng mừng

Vậy là Quốc hội khóa XIV đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Theo đó, bộ máy của Chính phủ mới gồm 5 Phó thủ tướng, 17 Bộ trưởng và 4 thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ. Riêng vị trí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) là ông Nguyễn Xuân Cường, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT thay ông Cao Đức Phát được Bộ Chính trị phân công nhiệm vụ mới.

Theo dõi hoạt động của Chính phủ, cử tri tin rằng Chính phủ mới sẽ thừa kế phong cách làm việc và tư duy mới trong chỉ đạo, điều hành hơn 3 tháng qua chắc chắn sẽ tạo đà cho hoạt động của Chính phủ trong nhiệm vụ năm 2016 và cả nhiệm kỳ 2016-2021.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng về các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong nhiệm kỳ mới gặp không ít khó khăn và trở ngại, đòi hỏi quyết tâm rất cao của Chính phủ và cả hệ thống chính trị cùng toàn xã hội. Chính phủ mới do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đứng đầu, với vai trò là cơ quan hành chính quốc gia cao nhất, phải đảm đương vị trí “đứng mũi chịu sào” trong điều hành nền kinh tế đã có kết quả bước đầu khả quan.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các doanh nghiệp

Các chuyên gia nhận xét, Chính phủ mới phải đương đầu với hàng loạt khó khăn, phải tập trung giải quyết là hậu quả của thời tiết bất thường khiến các tỉnh miền núi phía bắc phải chịu các đợt băng giá kéo dài hồi đầu năm, còn khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long lại đối mặt với tình trạng hạn hán và nhiễm mặn được coi là lịch sử. Thiên tai đã làm thiệt hại 16.900 tỉ đồng, gần bằng 1% tổng giá trị nền kinh tế làm ra trong 6 tháng đầu năm. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua, ngành nông nghiệp không có tăng trưởng khiến GDP trong 6 tháng đầu năm 2016 của cả nước ước chỉ đạt 5,52%, thấp xa so với con số 6,32% của cùng kỳ năm ngoái.

Sự giảm tốc của đà tăng trưởng kinh tế, gánh nặng nợ công, biến động của giá cả, nguy cơ lạm phát tăng cao, tệ nạn xã hội không giảm, gây lo lắng cho toàn xã hội... là những vấn đề nan giải mà Chính phủ đã phải vào cuộc rốt ráo để giải quyết. Những nỗ lực và kết quả trong việc tìm kiếm, cứu hộ và giải quyết hậu quả hai vụ tai nạn máy bay, cuộc đấu tranh kiên trì và quyết liệt, với các luận cứ và chứng cứ khoa học buộc Formosa Hà Tĩnh phải nhận trách nhiệm khắc phục hậu quả và bồi thường vụ gây ô nhiễm môi trường biển 4 tỉnh miền Trung gây ấn tượng sâu sắc trong dư luận. Cách thức giải quyết vụ cà phê “Xin chào”, quyết định đóng cửa rừng tự nhiên, chưa xem xét việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đường thủy xuyên Á trên sông Hồng... là những việc làm có hiệu quả cụ thể của Chính phủ mới được nhân dân hoan nghênh.

Đáng chú ý, các quyết định nhạy bén và kịp thời mà Thủ tướng, các Phó thủ tướng và các bộ trưởng đưa ra khi làm việc với các địa phương, các bộ, ngành đã thể hiện sự năng động của Chính phủ dẫu có nhiều thành viên mới. Ngoài ra, những trở lực khiến bộ máy hành chính từ Trung ương đến địa phương vận hành kém hiệu quả; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn được Chính phủ nhìn nhận là những trở lực từ thể chế, chính sách, từ tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, nhũng nhiễu, cửa quyền, xa dân, xa rời thực tế, nói không đi đôi với làm hoặc nói nhiều làm ít, hoặc từ lợi ích cá nhân, lợi ích cục bộ và lợi ích nhóm... của một “bộ phận không nhỏ” trong bộ máy công quyền.

Tập trung tìm giải pháp tháo gỡ, với quyết tâm xây dựng “một Chính phủ trong sạch, liêm chính, hiệu quả, nói không với tham nhũng, nói không với tiêu cực, nói không với lãng phí, một Chính phủ làm gương cho xã hội về vấn đề nói đi đôi với làm được người đứng đầu Chính phủ khẳng định.

Phát biểu tại hội nghị với doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu tất cả các quy định phải nhận khó khăn về cơ quan Nhà nước, tạo ưu tiên cho người dân và doanh nghiệp, theo tinh thần lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ.

Với tư duy và quyết tâm mới, Chính phủ tập trung kiến tạo thể chế quản lý điều hành bằng cơ chế chính sách, công cụ kinh tế, hạn chế can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh tế, đồng thời thể hiện sự minh bạch, nâng cao trách nhiệm thực thi theo tinh thần phục vụ, giảm dần và tiến tới xóa bỏ cơ chế xin - cho trong tất cả các lĩnh vực...

Chỉ trong vòng hơn 3 tháng đã có hơn 50 nghị định và nghị quyết được Chính phủ ban hành thể hiện được tinh thần kiến tạo và phục vụ của cơ quan quản lý hành chính Nhà nước, theo đó, người dân và doanh nghiệp được tạo nhiều điều kiện thông thoáng hơn để đẩy mạnh sản xuất và kinh doanh. Những chủ trương và những quyết sách này thể hiện tư duy mới trong thiết kế thể chế, chính sách, trong quản lý, điều hành với tinh thần hành động quyết liệt để tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp mà Chính phủ thể hiện trong thời gian vừa qua là những tín hiệu đáng mừng. Đây là cơ sở để người dân và doanh nghiệp tin tưởng, đồng hành cùng Chính phủ trong suốt nhiệm kỳ.

Đúng như đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi đánh giá, Chính phủ mới đã và đang khởi động và thể hiện tinh thần rất quyết liệt, là Chính phủ kiến tạo, liêm chính. Cử tri hoan nghênh Chính phủ đã rà soát lại toàn bộ hệ thống văn bản, chính sách để làm sao tháo dỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân để giải quyết vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước. Người dân và doanh nghiệp ghi nhận sự chuyển biến bước đầu của Chính phủ. Các thành viên Chính phủ mới trẻ hơn, chuyên môn trình độ, năng lực, bằng cấp, ngoại ngữ khá hơn, dù so với các tư lệnh nhiều khóa, sự tích lũy kinh nghiệm chưa bằng. Nhưng đây là những yếu tố có thể tạo cơ hội cho các tư lệnh ngành vươn lên, để phấn đấu đạt được nhiệm vụ theo Nghị quyết của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội.

Đối với cá nhân Thủ tướng, đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi nhận xét: Ông Nguyễn Xuân Phúc rất quyết liệt, rất bám cơ sở, rất lắng nghe các doanh nghiệp và lắng nghe người dân. Đó là phẩm chất đáng quý của người đứng đầu!

Nguồn PetroTimes: http://petrotimes.vn/tin-hieu-dang-mung-456756.html