Tín dụng tiêu dùng đang 'nhập nhằng' với tín dụng 'đen'

Nhu cầu tiêu dùng và những hình thức tín dụng tiêu dùng được áp dụng các “chiêu trò” hấp dẫn khiến người tiêu dùng dễ rơi vào “bẫy” cho vay tín dụng của tín dụng “đen”, cho vay nặng lãi nếu không tỉnh táo và lựa chọn cẩn trọng nhà cung cấp tín dụng.

TDTD là loại tín dụng được cấp phát cho cá nhân để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, dùng để mua sắm xe cộ, thiết bị điện tử gia đình… dưới hình thức trả góp mua sắm hàng hóa, vay tiền mặt.

“Miếng mồi” lãi suất

Tính đến thời điểm hiện tại, các phản ánh, khiếu nại liên quan đến tín dụng tiêu dùng (TDTD) chiếm hơn 80% tổng số phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính ngân hàng nói chung.

“Các tranh chấp giá trị không có nhưng để lại hậu quả nghiêm trọng tới tài chính, danh dự, sức khỏe người tiêu dùng (NTD), đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của thị thường TDTD” – ông Trịnh Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương khẳng định.

Qua tiếp nhận phản ánh của NTD, ông Hồ Tùng Bách (Phòng bảo vệ quyền lợi NTD, Cục Quản lý cạnh tranh) cho biết, một số doanh nghiệp cho vay tiêu dùng cung cấp thông tin không đầy đủ, chính xác, cố tình gây nhầm lẫn, lừa dối về lãi suất, điều kiện, phí phạt khi vi phạm hợp đồng… là một vi phạm điển hình trong lĩnh vực TDTD.

Theo bà Đinh Thị Thanh Nhàn (Đại học Thương mại Hà Nội), pháp luật chưa có quy định riêng đối với cho vay tiêu dùng. Quy chế cho vay đang áp dụng chung cho cả ngân hàng và công ty tài chính còn sơ sài, ít tác động đến hoạt động cho vay tiêu dùng.

Bên cạnh đó, pháp luật đã có nhiều quy định về lãi suất cho vay, lãi suất quá hạn và chế tài khi vi phạm quy định về lãi suất (tội cho vay nặng lãi trong BLHS).

Khi hành vi cho vay tiêu dùng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội phạm thì mức thỏa thuận sẽ không có hiệu lực mà quay về lãi suất trần là 20% (BLDS 2015).

Dù quy định trần lãi suất 20% là “lãi suất trong mơ” và để chống “bóc lột” NTD nhưng bà Đinh Thị Thanh Nhàn nhận định “không còn phù hợp” với cho vay tiêu dùng vì cho vay tiêu dùng là lĩnh vực khấu hao nhanh, không sinh lợi, đối tượng vay thường thu nhập trung bình... nên nhiều rủi ro cho việc thu hồi nợ.

Đó là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp có xu hướng “cài cắm” điều khoản trong hợp đồng để tăng lãi suất hoặc áp dụng nhiều các khoản phí, khoản phạt nhằm lách quy định về giới hạn lãi suất trần của pháp luật.

Do đó, trong các hợp đồng cho vay tiêu dùng, mức lãi suất trần cho vay thường bị “lờ” đi mà áp dụng các mức lãi suất quá cao (22-60%), thậm chí là 72-84%/năm. Nhưng các quảng cáo cho vay tiêu dùng chỉ đưa ra lãi suất là 20-30%/năm (tương đương 2-3%/tháng).

Cần cơ chế để khuyến khích môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực tín dụng tiêu dùng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

NTD chấp nhận bất lợi vì những món vay “hời”?

Trước “mánh khóe” của công ty cho vay tiêu dùng, đại bộ phận NTD lại chưa hiểu biết đầy đủ về tính chất trọn gói của hợp đồng theo mẫu, không được cảnh báo về hệ lụy phát sinh (trách nhiệm trả nợ: thời hạn, phương thức, tiền phạt phát sinh…), không được cầm hợp đồng để nắm được thông tin đầy đủ về HĐ.

“Khi mời chào ký hợp đồng thì nhân viên rất nhiệt tình nhưng khi tiếp nhận và giải quyết khiếu nại lại có biểu hiện trốn tránh, kéo dài thời gian giải quyết thông tin; không có thiện chí trong việc tiếp nhận thông tin, đẩy trách nhiệm…”, bà Đinh Thị Thanh Nhàn phản ánh.

Các hợp đồng cho vay tiêu dùng thường được thực hiện tại các trung tâm thương mại/siêu thị điện máy. Có trường hợp, hợp đồng để trống phần lãi suất, điều kiện thực hiện… khiến NTD phải “ngậm ngùi” thực hiện hợp đồng đã ký với những điều khoản bất lợi được điền vào sau khi đã ký hợp đồng.

Ông Hồ Tùng Bách cũng cảnh báo, các công ty cho vay tiêu dùng có hiện tượng sử dụng thông tin của NTD không đúng mục đích như quấy rối, gọi điện liên tục đe dọa đối với NTD và cả người thân, gây ảnh hưởng tới uy tín, danh dự của NTD trong quá trình thu hồi nợ. Có trường hợp đã ép người thân ký giấy nhận nợ thay khi người vay bỏ trốn/không liên hệ được.

Minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng

Do đó, các chuyên gia lưu ý, để tránh rơi vào “bẫy” TDTD, giải pháp đầu tiên là nâng cao nhận thức và kiến thức của NTD để “tiêu dùng thông minh và có trách nhiệm”.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải có cảnh báo, công cụ tư vấn, hỗ trợ thông tin cho NTD. Xây dựng khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng với nguyên tắc bảo đảm sự hài hòa giữa lợi ích NTD – lợi nhuận của DN – sự phát triển lành mạnh của thị trường.

Khuyến khích môi trường cạnh tranh lành mạnh trong lĩnh vực TDTD. Nâng cao trách nhiệm giám sát và quản lý của cơ quan chức năng đối với hoạt động cho vay tiêu dùng. Đặc biệt, theo Cục Quản lý cạnh tranh, phải minh bạch hóa hoạt động cho vay tiêu dùng.

Bà Đinh Thị Thanh Nhàn

Bà Đinh Thị Thanh Nhàn kiến nghị, trong ngắn hạn, nới lỏng mức lãi suất trần cho vay tiêu dùng, quy định cụ thể giới hạn thu các khoản phí trong các hợp đồng cho vay tiêu dùng.

Trong dài hạn, hạn chế sử dụng công cụ lãi suất trần. Tăng cường quản lý bằng các biện pháp khác như kiểm soát quy trình, giới hạn rủi ro, tăng cường cơ chế giám sát thông tin đảm bảo tính minh bạch trong việc tính toán áp dụng lãi suất.

Giá trị TDTD ở Việt Nam tháng 8/2015 là 10,4 tỷ USD, tương đương 6,6% GDP. Tháng 12/2015 Việt Nam có 16 công ty tài chính. Tốc độ tăng trưởng của thị trường TDTD đến tháng 8/2014 là 18%.

Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, trong 7 năm qua tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đã tăng trưởng trung bình gần 20%/năm (ước tính hiện có khoảng 15,8 triệu người là khách hàng tiềm năng của các công ty cung cấp TDTD).

Báo cáo tài chính của một công ty hoạt động trong lĩnh vực cấp TDTD cho thấy, trong 2 năm 2013-2014, mức lợi nhuận của công ty tăng 38,7%, tổng tài sản tăng 124,7% từ mức 2.611 tỷ đồng lên 5.867 tỷ đồng.

Huy Anh

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chinh-sach/tin-dung-tieu-dung-dang-nhap-nhang-voi-tin-dung-den-283754.html