Tin cuối ngày: Nga cứu Syria, Mỹ ngừng hợp tác

Mỹ ngừng đàm phán ngừng bắn với Nga tại Syria; Quan chức chính phủ Mỹ phớt lờ những phát ngôn của ông Duterte; Nhật Bản lo sợ Triều Tiên; v.v...

Trung Đông

*Quân nổi dậy ở Syria, được sự hỗ trợ của Thổ Nhĩ Kỳ và liên quân chống khủng bố do Mỹ đứng đầu, đang chuẩn bị tiến công làng Dabiq, phía Bắc thành phố Aleppo (Syria). Mặc dù không mang nhiều giá trị chiến lược, với IS Dabiq mang ý nghĩa tinh thần rất lớn bởi theo giáo lý của tổ chức khủng bố này, đây là nơi sẽ xảy ra cuộc đại chiến giữa những người Hồi giáo và người ngoại đạo, đánh dấu Ngày tận thế. Theo một thủ lĩnh quân nổi dậy, dự kiến cuộc tấn công sẽ diễn ra trong vòng 48 giờ tới.

*Mới đây Mỹ đã tuyên bố ngừng các hoạt động đối thoại với Nga về việc áp dụng lệnh ngừng bắn tại Syria. Lý do mà Mỹ đưa ra là bởi Nga “đã không thực hiện đúng với những gì đã cam kết”, cụ thể là họ đã cùng quân chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad “thực thi các biện pháp quân sự” thay vì gây sức ép đối với chính phủ Syria. Tháng trước, Nga và Mỹ đã công bố một lệnh ngừng bắn được áp dụng tại Syria, song nó đã nhanh chóng bị đổ vỡ còn hai nước liên tục quy trách nhiệm cho nhau.

Xung đột ở Syria đã căng thẳng trở lại sau khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ.

Xung đột ở Syria đã căng thẳng trở lại sau khi thỏa thuận ngừng bắn đổ vỡ.

Đông thái này diễn ra chỉ vài tiếng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố rút lui khỏi thỏa thuận hạt nhân với Mỹ. Ông Putin cho biết, nguyên nhân là bởi “xuất hiện mối đe dọa khẩn cấp đối với sự ổn định chiến lược và là hệ quả của những hành động thù địch từ phía Mỹ đối với Nga; cũng như sự "bất lực" của Hoa Kỳ trong việc thực hiện đầy đủ các cam kết về plutonium ở cấp độ vũ khí”. Một loạt những sự kiện trên đang cho thấy, quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Nga đang ngày càng đi xuống.

*Một nhà phân tích chính trị người Syria cho biết, chiến dịch quân sự của Nga đã cứu Syria khỏi chịu chung số phận với các nước Libya và Iraq. Người này cho biết, sự can thiệp của Nga đã làm thay đổi tình hình chiến sự ở Syria, ngăn chặn các đợt tấn công của các thế lực khủng bố và giúp quân chính phủ giành lại thế chủ động, cải thiện tinh thần của các binh sĩ.

*Bên cạnh đó, một số tin tức đáng chú ý về tình hình Syria gồm có: Đánh bom ở thành phố Hama (Syria) khiến nhiều người chết và bị thương; Nga coi việc ngăn chặn sự sụp đổ thỏa thuận ngừng bắn là tối quan trọng; Một thủ lĩnh của Mặt trận Nusra đã bị tiêu diệt; Chechnya sẵn sàng hỗ trợ Syria đào tạo binh lính v.v...

Philippines

*Mới đây, hai quan chức Mỹ giấu tên cho biết, những phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte “chỉ là những lời nói suông” và không có ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ – Philippines. Họ cũng nói rằng mặc dù việc bất đồng với Philippines sẽ khiến Mỹ thất thế ở Biển Đông, nơi Trung Quốc đang có những hành động gây hấn, Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Philippines về quân sự cũng như các lĩnh vực khác.

Ông Duterte đã có những phát ngôn mạnh bạo kể từ khi lên nhậm chức.

Ông Duterte đã từng gọi Tổng thống Mỹ Barack Obama là một “tên khốn” và gần đây ông đã tự ví mình với trùm phát xít Adolf Hitler và nói rằng ông thấy “vui mừng” khi tiêu diệt 3 triệu người nghiện hút và buôn bán ma túy ở Philippines. Tổng thống Philippines sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi về những lời nói trên, trong khi Mỹ và các nước phương Tây đang lo ngại tình trạng bạo lực đang diễn ra ở Philippines kể từ khi ông Duterte lên nhậm chức vào tháng 6 năm nay.

Châu Á – Thái Bình Dương

*Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tiết lộ một phần nội dung của cuộc đàm phán về chủ quyền quần đảo Kuril (thuộc miền Viễn Đông Nga và phía Bắc Nhật Bản) với Nga. Ông khẳng định Crimea là của Ukraine, Nhật Bản không phụ thuộc vào Mỹ trong các cuộc đàm phán với Nga, đồng thời khẳng định chủ quyền của một số đảo thuộc quân đảo Kuril.

*Nhật Bản đang phụ thuộc vào Mỹ để “chống đỡ” các loại tên lửa của Triều Tiên. Theo một nguồn tin quân sự, kể từ sau cuộc thử nghiệm lần thứ năm, Triều Tiên đang nắm trong tay ưu thế về quân sự và điều này khiến Nhật Bản lo ngại. Chi tiết có thể xem tại đây.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trong một buổi họp báo.

Ukraine

*Trong bối cảnh các chính sách cải tổ vẫn chưa được thực hiện, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra đánh giá mới nhất rằng việc đạt được những kết quả đột phá “là rất khó xảy ra bởi tình trạng tham nhũng đã trở nên sâu rộng và cần sự quyết tâm đấu tranh lâu dài của chính phủ Ukraine. Nếu không, chương trình viện trợ kinh tế sẽ còn bế tắc”.

Anh Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/tin-cuoi-ngay-nga-cuu-syria-my-ngung-hop-tac-post210628.info