Tin cảnh báo nổi bật ngày 22/10: Bộ Y tế công bố chính thức chất lượng nước mắm

Tin cảnh báo nổi bật ngày 22/10: 100% mẫu nước mắm được kiểm nghiệm đều an toàn; Hậu quả của việc dùng mỹ phẩm dỏm; Hóa chất ủ giá đỗ độc hại thế nào?

100% mẫu nước mắm được kiểm nghiệm đều an toàn

Chiều 22/10, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế, đoàn kiểm tra liên ngành đã lấy 247 mẫu ngẫu nhiên với 210 nhãn hiệu sản phẩm nước mắm khác nhau của 82 cơ sở sản xuất (cả theo phương pháp truyền thống và công nghiệp), trên thị trường và một số siêu thị để kiểm nghiệm. Kết quả kiểm tra cho thấy không phát hiện mẫu nước mắm nào chỉ được sản xuất từ nước và hóa chất. Các cơ sở được kiểm tra đều sản xuất nước mắm từ nguyên liệu là cá và muối hoặc nước mắm cốt (được sản xuất từ cá và muối) và phụ gia thực phẩm với các tỷ lệ khác nhau. Về kết quả kiểm nghiệm Asen, 247/247 (100%) các mẫu nước mắm được kiểm nghiệm không phát hiện Asen vô cơ vượt ngưỡng giới hạn tối đa cho phép theo QCVN 8-2:2011/BYT của Bộ Y tế.

100% nước mắm được kiểm nghiệm đều an toàn. Ảnh minh họa

Hậu quả của việc dùng mỹ phẩm dỏm

Hiện nay thị trường mỹ phẩm tại Việt Nam rất đa dạng và sôi động, từ các nhãn hàng cao cấp của các thương hiệu nổi tiếng có giá hàng triệu đồng một sản phẩm, đến các mặt hàng bình dân giá chỉ vài chục ngàn. Thông thường, khi bôi mỹ phẩm, cụ thể là kem tẩy trắng da, những ngày đầu, thật sự sẽ thấy hiệu quả đúng như lời giới thiệu của người bán. Tuy nhiên, sau khoảng 3 tuần, sẽ bắt đầu xuất hiện các triệu chứng như da mặt lúc nào cũng ửng đỏ, cảm giác ngứa, châm chích khắp mặt và da bị mỏng dần đi. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tài, khi thấy có các vấn đề bất thường ở trên da, như; ngứa, nổi mẩn đỏ, ban xuất huyết, teo da, bong vảy, xuất hiện các mụn nước, mụn mủ, bóng nước thì cần phải đến khám với các bác sĩ chuyên khoa Dị ứng - miễn dịch lâm sàng hoặc da liễu ngay, tuyệt đối không nên tự điều trị. Mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, bào chế thủ công là nguy cơ lớn cho các chị em khi làm đẹp.

Tanzania cấm túi nilon từ năm 2017

Ngày 22/10, chính quyền Tanzania thông báo sẽ cấm sử dụng túi nilon từ tháng 1/2017, đồng thời khuyến khích các nhà sản xuất túi nilon ở quốc gia miền Đông châu Phi này áp dụng các công nghệ mới để sản xuất túi có thể phân hủy sinh học. Theo đó, các túi nilon sẽ không được phép sử dụng tại nước này từ ngày 1/1 tới. Quan chức này đã trình lên một dự thảo quy định, theo đó nêu rõ không cho phép dùng túi nilon trong các dịch vụ y tế, đóng gói công nghiệp, ngành xây dựng, nông nghiệp, vệ sinh và quản lý rác thải. Theo nhà chức trách nước này, nguyên nhân cấm là do các túi nilon gây ô nhiễm nghiêm trọng. Riêng tại Dar es Salaam, chính quyền đã chi tới 5 triệu USD/năm để sửa chữa hệ thống cấp nước do bị các túi nilon làm tắc nghẽn. Từ năm 2006, Chính phủ Tanzania đã nỗ lực đặt ra quy định nhằm giải quyết vấn đề này bằng cách cấm sử dụng loại túi nilon có độ dày dưới 30 micromet. Năm 2015, lệnh cấm này đã được mở rộng với loại túi có độ dày dưới 50 micromet.

Hóa chất ủ giá đỗ độc hại như thế nào?

Trước thông tin nhiều cơ sở sản xuất nước mắm dùng hóa chất để kích thích tăng trưởng. Vậy hóa chất này nguy hiểm thế nào? Theo các chuyên gia cho biết, hóa chất sử dụng nhằm kích thích tăng trưởng tế bào giá đỗ có thể là chất 6-BA (6-Benzylaminopurine). Hóa chất nói trên không nằm trong danh mục cho phép sử dụng trong thực phẩm, cũng không nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng do Bộ Y tế và Bộ NN&PTNT ban hành. Độc tính của hóa chất 6-benzylaminopurine rất nguy hiểm. Một khi đã ngấm vào giá đỗ sẽ không thải hết khi ngâm trong nước sạch. Dư lượng hóa chất tồn dư trong giá đỗ sẽ gây nguy hại sức khỏe người sử dụng. Đặc biệt, do có tính kiềm cao nên hóa chất nói trên có thể gây bỏng da, viêm kết mạc nếu tiếp xúc trực tiếp. Khi hít vào gây tổn thương cơ quan hô hấp, phổi.

An Dương (T/h)

Nguồn VietQ: http://vietq.vn/tin-canh-bao-noi-bat-ngay-2210-bo-y-te-cong-bo-chinh-thuc-chat-luong-nuoc-mam-d106300.html