Tin bão số 10

ND - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn T.Ư, hồi 19 giờ ngày 4-10, vị trí tâm bão số 10 ở vào khoảng 19,9 độ vĩ bắc, 119,8 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 900 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11, cấp 12 (tức là từ 103 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 10 di chuyển chậm theo hướng giữa bắc tây bắc và tây bắc, mỗi giờ đi được khoảng 3 đến 5 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 19 giờ ngày 5-10, vị trí tâm bão vào khoảng 20,3 độ vĩ bắc, 119,6 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa 900 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km. Trong khoảng 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển chủ yếu theo hướng nam tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 km. Đến 19 giờ ngày 6-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ vĩ bắc, 119,1 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa 780 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km. Trong khoảng 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão số 10 di chuyển theo hướng nam tây nam, mỗi giờ đi được khoảng 5 đến 10 km. Đến 19 giờ ngày 7-10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,9 độ vĩ bắc, 118,7 độ kinh đông, cách quần đảo Hoàng Sa 700 km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (tức là từ 118 đến 133 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão, vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km. Do ảnh hưởng của bão, vùng biển phía đông bắc khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 9, cấp 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11, cấp 12, giật cấp 13, cấp 14. Biển động dữ dội. Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư, Ủy ban Quốc gia TKCN vừa có Công điện gửi Ban Chỉ huy PCLB các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi; các bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải, yêu cầu: Thông báo cho chủ các phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí và hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra khỏi hoặc không đi vào khu vực nguy hiểm được xác định là vùng biển phía bắc vĩ tuyến 17 và phía đông kinh tuyến 117. Thường xuyên giữ liên lạc với các chủ tàu, thuyền để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Nỗ lực khắc phục hậu quả bão số 9, hiện nay, các địa phương, các ngành, lực lượng công an, bộ đội, các lực lượng đóng trên địa bàn bị thiệt hại đã cố gắng đến mức cao nhất tổ chức tìm kiếm người mất tích; thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời cho các gia đình có người chết, người bị thương, mất nhà cửa; khôi phục các tuyến giao thông, thông tin liên lạc tới những vùng bị chia cắt; sửa chữa, khôi phục hệ thống điện; tu sửa trường học, trung tâm y tế, trạm xá, trạm cấp nước, đường giao thông, cầu, cống, công trình thủy lợi; hướng dẫn phân luồng giao thông; tổ chức canh gác tại những điểm bị sạt lở để hướng dẫn giao thông, thu gom rác, xử lý vệ sinh, môi trường, sớm ổn định đời sống và khôi phục sản xuất. UBND tỉnh Nghệ An đã giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương triển khai kế hoạch khắc phục thiệt hại trên các tuyến đường bị sạt lở do ảnh hưởng của bão số 9. Hiện các điểm sụt trượt đất đá lấp mặt đường đang được khơi thông. Trên nhiều đoạn tỉnh lộ, công nhân đang gia cố đường để bảo đảm cho xe tải lưu thông; tại các vị trí nguy hiểm, các đơn vị tổ chức trực gác 24/24 giờ, đặt rào chắn đường, cắm biển báo để bà con đi lại được an toàn. Ở cầu Châu Hồng 2, các phương tiện xe tải, xe con và xe máy đã đi lại bình thường. Riêng cầu Châu Hồng 4, các đơn vị đang tập trung thi công cầu tạm và thông tuyến trong ngày 3-10. Tỉnh Quảng Bình hỗ trợ các gia đình có người chết ba triệu đồng/người, người bị thương hai triệu đồng/người. Ngoài ra, tỉnh cũng quyết định cấp cho nhân dân vùng lũ 7 tấn mì tôm, 93 thùng nước khoáng; tiến hành sửa chữa 76/76 phòng học bị tốc mái, hư hỏng để bảo đảm học tập cho học sinh và tu sửa 56/56 trạm y tế, công trình phúc lợi công cộng khác để kịp thời phục vụ chăm sóc sức khỏe và nhu cầu sinh hoạt cho nhân dân. Tỉnh Quảng Trị trích sáu tỷ đồng để hỗ trợ khắc phục khẩn cấp cho các địa phương bị thiệt hại do bão, lũ gây ra. Hỗ trợ cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng thiên tai 228.000 gói mì ăn liền, 50 cơ số thuốc, 500 kg hóa chất xử lý nước sinh hoạt và 200 thùng hàng dân dụng gia đình. Ngoài ra, tỉnh cũng huy động hơn 15.000 lượt cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung kích giúp dân dựng lại nhà ở, khắc phục hậu quả bão lũ sớm ổn định đời sống, sản xuất. Tỉnh Thừa Thiên - Huế hỗ trợ cho các gia đình có người chết ba triệu đồng/người, người bị thương hai triệu đồng/người; huy động 1.650 cán bộ, chiến sĩ giúp dân sửa chữa lại 4.540/6.765 nhà bị tốc mái, hư hỏng. Đồng thời tiến hành phân bổ mười tấn mì tôm dự trữ, năm tấn gạo, 200 thùng dụng cụ gia đình, 20 bình nước khoáng cho các vùng bị thiệt hại nặng do bão lũ gây ra. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã cấp điện trở lại cho khoảng 85% phụ tải, trong đó cấp điện 100% cho thành phố và các huyện lỵ. Đến nay, đoạn phía nam đường Hồ Chí Minh đến Km 384 (bên kia hầm số 2), đã thông xe. Đoạn từ A Tép đi Quảng Nam còn bị chia cắt chưa thông xe được. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam đã điều động hơn 1.770 cán bộ, chiến sĩ phối hợp với các lực lượng thanh niên địa phương giúp đỡ nhân dân các huyện Núi Thành, Điện Bàn, Duy Xuyên, Phú Ninh, Quế Sơn, Nông Sơn, Hội An... thu hoạch lúa hè thu, sửa chữa lại các nhà bị tốc mái, hư hỏng; dọn dẹp vệ sinh môi trường, sửa chữa khai thông các đoạn đường giao thông nông thôn bị sạt lở. Ngành y tế đã cử cán bộ phối hợp với các địa phương khám, chữa bệnh cho nhân dân, tổ chức khử độc tiêu trùng môi trường và giếng nước bị ngập lũ. Đến nay, ngành y tế đã cấp 415 kg Chloruamin B bột, 500.000 viên Chloruamin B, 2.650 kg phèn chua, 64 cơ số thuốc chữa bệnh và khử trùng 26.589 giếng nước bị ngập. Hiện, tuyến đường Hồ Chí Minh trên địa phận Quảng Nam tuy đã thông tuyến nhưng đi lại rất khó khăn. Tỉnh Quảng Ngãi quyết định trích mười tỷ đồng từ ngân sách của tỉnh để các địa phương hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại về người, nhà ở và khôi phục cơ sở hạ tầng. Huy động lực lượng khôi phục và sửa chữa đường dây điện trên toàn hệ thống, đã khôi phục được 80% phụ tải điện ở vùng đồng bằng và 15 xã ở vùng miền núi. Dự kiến, đến ngày 6-10 sẽ khắc phục được toàn bộ hệ thống điện trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh cũng hỗ trợ 11.000 thùng mì tôm cho nhân dân các vùng bị lũ cô lập. Tỉnh Bình Định đến nay đã khôi phục xong 100% và cơ sở y tế phòng học. Đồng thời huy động lực lượng khôi phục và sửa chữa đường dây điện trên toàn hệ thống và đã khôi phục được 70% phụ tải điện trên địa bàn tỉnh. Thiệt hại do bão số 9 gây ra tại các tỉnh miền trung và Tây Nguyên Đến nay, số người chết đã tăng lên 162 người; 13 người mất tích; 616 người bị thương; 21.429 nhà bị sập, trôi; 258.306 nhà tốc mái, xiêu vẹo, hư hỏng; 218.249 nhà, 5.280 phòng học, 12.604 trụ sở UBND, trạm y tế bị ngập; 35.741 ha lúa bị ngập, đổ; 12.804 ha ngô, mía, 31.209 ha hoa màu, 26.165 ha cây công nghiệp bị ngập, hư hại. Ngoài ra, mưa bão còn làm thiệt hại nghiêm trọng về giao thông, thủy lợi và hệ thống điện của các địa phương.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/tinbai/?article=158411&sub=127&top=39