Tìm vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp

Nhờ những chính sách đặc biệt hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp, Việt Nam đang thu hút khá nhiều Quỹ đầu tư mạo hiểm trên khắp thế giới, nhờ đó, nhiều dự án đã thành công. Tuy nhiên, với không ít DN khởi nghiệp, việc tiếp cận và phát huy hiệu quả các nguồn quỹ đầu tư vẫn còn hạn chế.

Hoạt động giới thiệu sản phẩm của Công ty Hachi tại Ngày hội Khởi nghiệp Techfest 2016. Ảnh: H.Dịu.

Nguồn quỹ nhiều...

Theo thông tin từ Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), giai đoạn 2012-2016 chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể về số lượng và chất lượng của các cơ sở ươm tạo và các tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Hiện có khoảng 1.800 DN khởi nghiệp, 21 cơ sở ươm tạo và 7 tổ chức thúc đẩy kinh doanh. Hơn nữa, Việt Nam đang được xếp thứ 3 trong danh sách các nước tốt nhất trên thế giới nên đầu tư vào vì vậy 2016 là năm tiếp tục khởi sắc khi nhiều dự án khởi nghiệp nhận được các khoản đầu tư lớn. Ví dụ như trong năm 2016, MoMo do Công ty Cổ phần M-Service sở hữu đã nhận được khoản đầu tư lên tới 600 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư Standard Chatered Private Equity (SCPE) và Ngân hàng Goldman Sachs; Gotit nhận được khoản đầu tư 200 tỷ đồng và lọt vào top 2 ứng dụng trên Apple Store…

Không những thế, cộng đồng khởi nghiệp cũng liên tiếp đón nhận tin vui về các quỹ khởi nghiệp quốc tế có uy tín đầu tư vào Việt Nam. Tiêu biểu như Quỹ đầu tư mạo hiểm 500 Starups của Mỹ đã quyết định thành lập quỹ nhỏ trị giá 10 triệu USD, rót vốn vào khoảng 100-150 dự án khởi nghiệp Việt Nam và sẽ còn tiếp tục tăng vốn trong 5 năm tới.

Cũng theo Bộ KH&CN, riêng trong hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, số lượng quỹ đầu tư mạo hiểm mong muốn đầu tư vào Việt Nam đang có xu hướng tăng lên. Nếu như vào năm 2012, tổng số thương vụ đầu tư mạo hiểm là 24 thương vụ, thì đến năm 2015, con số này đã tăng lên 67 thương vụ.

Về nguồn quỹ trong nước, thực hiện chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về thúc đẩy khởi nghiệp, đặc biệt là “Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” của Chính phủ, nhiều cơ quan bộ ngành đã xây dựng nên các quỹ dành cho khởi nghiệp. Trong đó, vào năm 2013, Bộ KH&CN đã phê duyệt Đề án thương mại hóa theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (VSV), đặc biệt là thành lập được Quỹ Khởi nghiệp DN KH&CN Việt Nam (VSF) với số vốn điều lệ 5,2 tỷ đồng.

Nhận được bao nhiêu?

Chia sẻ về thành công của DN khởi nghiệp, ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Công ty Cổ phần công nghệ cao Hachi Việt Nam (một DN khởi nghiệp đã có nhiều thành công trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, công nghệ internet trong lĩnh vực nông nghiệp) cho biết, dự án của Hachi may mắn hơn khi biết được chỗ nào có nguồn vốn để thể hiện ý tưởng, chứng minh ý tưởng nhằm kêu gọi vốn đầu tư. Nhờ có sự hỗ trợ về vốn nên Hachi đã hiện thực hóa ý tưởng, phát triển nhanh chóng và thâm nhập được vào thị trường. Hiện Hachi đã gọi được vốn từ VSV và cũng đang nhận được nhiều lời đề nghị từ các nhà đầu tư thiên thần nước ngoài.

Điều này cho thấy, điều kiện cần và đủ của các DN khởi nghiệp luôn là nguồn vốn. Tuy vậy, vẫn còn không ít DN khởi nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vốn. Ông Trần Thanh Huy, Chủ nhiệm Câu lạc bộ DN khởi nghiệp TP.Hà Nội cho biết, các bạn trẻ có nhiều ý tưởng về khởi nghiệp nhưng thiếu về nguồn vốn nên chưa thể triển khai và phát triển thành DN.

Theo Bộ KH&CN, các quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài có nguồn quỹ dồi dào và phát triển về số lượng, tuy nhiên, các quỹ này chưa đầu tư thành lập quỹ 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam mà chỉ có văn phòng đại diện để tìm các khoản đầu tư. Theo một số nhà đầu tư nước ngoài, vấn đề pháp lý tại Việt Nam đang là rào cản để các nhà đầu tư tiến sâu hơn nữa thị trường Việt Nam.

Hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng, nguồn quỹ nhiều nhưng hiệu quả đến với DN khởi nghiệp lại chưa cao. Về vấn đề này, ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Trung tâm ươm tạo DN công nghệ cao cho rằng, không phải do các nhà đầu tư không quan tâm đến khởi nghiệp mà chủ yếu do các dự án khởi nghiệp chưa hấp dẫn, các bạn trẻ chưa thể, thậm chí là chưa dám trình bày đầy đủ, rõ ràng ý tưởng của mình để các quỹ đầu tư thấy được tiềm năng.

Cần cải thiện

Từ những vướng mắc nêu trên, các chuyên gia đều cho rằng, hệ sinh thái khởi nghiệp cần phải có nhiều sự thay đổi hơn nữa, từ những chính sách của Nhà nước cho đến tự bản thân các bạn trẻ và DN khởi nghiệp.

Chia sẻ về kinh nghiệm khởi nghiệp của mình, bà Nguyễn Ngọc Ánh, Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Minh Thành (DN sản xuất thiết bị cơ khí ngành nước) cho hay, để khởi nghiệp, các bạn trẻ cần có đam mê và kiến thức, cần sự tìm tòi và nghiên cứu thông tin thị trường và nguồn vốn. Hơn nữa, các DN khởi nghiệp nên tham gia các hiệp hội, các chương trình hỗ trợ khởi nghiệp bởi đây là “kênh” dễ tìm thị trường và nguồn vốn hơn cả.

Còn theo ông Đặng Xuân Trường, làn sóng khởi nghiệp hiện tại khá phát triển, việc tìm kiếm quỹ đầu tư không còn khó khăn, vấn đề là các DN khởi nghiệp có dám mạnh dạn trình bày ý tưởng của mình, cũng như thể hiện việc mình mong muốn tìm đến ai, và chứng minh tính khả thi của dự án.

Riêng về việc cải thiện hiệu quả của các quỹ đầu tư, theo các DN, điều này tùy thuộc vào dự án và năng lực thẩm định dự án của các quỹ đầu tư. Ông Đàm Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Agricare Việt Nam nhận định, vấn đề lớn nhất là quy chế cho quỹ, làm sao để khuyến khích, tạo niềm tin và cơ sở cho các quỹ thành lập và hoạt động. Đặc biệt, Nhà nước cần cơ chế phát triển các quỹ đầu tư trong nước để hạn chế việc chảy máu chất xám ra nước ngoài.

Vì thế, trong thời gian tới, các DN mong muốn các quỹ đầu tư của Việt Nam cần cơ chế rõ ràng hơn để nâng cao tính hiệu quả, đưa hoạt động khởi nghiệp của Việt Nam có được kết quả tích cực hơn nữa. Làm được như vậy, mục tiêu đạt được 1 triệu DN hoạt động hiệu quả đến năm 2020 của Chính phủ sẽ thành hiện thực.

Ông Nguyễn Thanh Hà, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN:

Trong nhiều DN khởi nghiệp, về mặt công nghệ, sản xuất họ có thể vận hành trơn tru, nhưng rủi ro về thị trường (như là cách người tiêu dùng đón nhận, hay cạnh tranh với các sản phẩm khác) lại khó có thể dự đoán. Điều này luôn là trở ngại cuối cùng và có tác động lớn tới quyết định của các nhà đầu tư.

Ông Hồ Sỹ Thường, Phó Giám đốc điều hành Vườn ươm DN chế biến và đóng gói thực phẩm Hà Nội:

Các DN khởi nghiệp thường có ý tưởng mới, dự án mới nên cần rất nhiều thời gian cũng như tiền bạc để thuyết phục người tiêu dùng. Mặt khác, DN khởi nghiệp thường không có doanh thu trong giai đoạn đầu nên một nguồn vốn lớn để hỗ trợ là điều cần thiết.

Việt Nam đang có nhiều quỹ phát triển khởi nghiệp. Nhưng các DN khởi nghiệp vẫn khó khăn với việc tiếp cận nguồn vốn do rào cản về thủ tục hành chính, tài sản thế chấp. Bởi các DN khởi nghiệp thường không có hoặc có rất ít tài sản thế chấp. Các sản phẩm của họ cũng chưa có thương hiệu và cần có thời gian để chứng tỏ tiềm năng nên khó khăn để các quỹ và ngân hàng chấp nhận đầu tư.

Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT:

Để hỗ trợ hơn nữa cho cộng đồng khởi nghiệp Việt Nam, Quỹ đầu tư mạo hiểm FPT cùng với Tập đoàn Hanwa của Hàn Quốc và Quỹ đầu tư mạo hiểm Dragon Capital, Công ty chứng khoán BIDV phối hợp thành lập Quỹ tăng tốc khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam. Quỹ sẽ giúp cho các bạn trẻ khởi nghiệp Việt Nam ngoài vốn còn có điều kiện để tiếp cận với thị trường quốc tế, được huấn luyện đào tạo bởi những chuyên gia có kinh nghiệm đồng thời giúp cho các bạn khởi nghiệp, có thể sau đấy nhận được nguồn vốn đầu tư lớn hơn.

H.D (ghi)

Bình Nam

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tim-von-cho-doanh-nghiep-khoi-nghiep.aspx