Tìm về O thanh niên xung phong trong nguyên mẫu bài thơ ' Gửi em' của nhà thơ Phạm Tiến Duật ...

“...Có lẽ nào anh lại mê em/ Một cô gái không nhìn rõ mặt/ Đại đội thanh niên đi lấp hố bom /Áo em hình như trắng nhất/ Em ở Thạch Kim sao lại đùa anh nói là Thạch Nhọn/ Đêm ranh mãnh ngăn cái nhìn đưa đón/ Cái miệng em ngoa cho bạn em cười giòn…”.

Chợ Gò Thạch Kim, nơi o Nhị mưu sinh

Tác phẩm "gửi em", cô thanh niên xung phong của cố nhà thơ Phạm Tiến Duật một thời đã đi vào lòng bạn đọc, góp phần làm nên tên tuổi ông.

Chợ hôm, xã Thạch Kim nằm sát nơi cửa biển vẫn tấp nập như thường lệ trong cái nắng nóng khô rát mặn mòi hương vị biển của những ngày đầu hè rát bỏng Miền Trung.

Đón tôi là một câu chào hiền hậu đặc tính địa phương của người dân nơi đây “Mua chi rứa chú?”, chưa kịp chào người tôi định tìm thì từ “ gian hàng ” ấy đã có tiếng đon đả mời chào như thế. Người mà tôi mong mỏi được diện kiến trong suốt hành trình tìm về ngôi làng ven biển này không ai khác, đó chính là hình tượng nguyên mẫu, Cô thanh niên xung phong trong bài thơ " Gửi em " của nhà thơ Phạm Tiến Duật .

Cô thanh niên căng tràn nhựa sống tuổi hai mươi ấy sau cuộc chiến cũng trở về sinh sống trên chính mảnh đất quê hương mình như bao người lính trở về sau cuộc chiến.

Hơn 40 năm sau, giờ cô thanh niên ấy đã thành cụ bà. Nhưng đâu đó tôi vẫn nhận ra những gì nhà thơ Phạm Tiến Duật đã khắc họa trên gương mặt đã thay đổi theo thời gian và năm tháng với bao lo toan bộn bề trong cuộc sống: Ánh mắt sáng, nụ cười giòn đáo để. Cô thanh niên xung phong năm ấy trên cung đường Trường Sơn có tên là Lê Thị Nhị (SN 1946), người dân Thạch Kim vẫn quen gọi là o Nhị.

O Nhị bảo rằng, có lẽ cả đời o sẽ gắn với cái gò nổi này. Ngày xưa, mẹ o Nhị cũng đã bán buôn ở đây. “O là con út trong một gia đình 5 chị em, khi o được 1 tuổi, cha o đi vận tải ở Thanh Hóa thì bị địch bắn chết. Qua cơn đói năm 1945, ba anh chị trước o đều không qua được, chỉ có o và người chị đầu là may mắn sống xót qua nạn đói. Và để con không bị “ma đói” bắt đi, mẹ o tay thúng tay mẹt ra gò này mưu sinh” - O Nhị nói, như một dòng trích ngang đầy ám ảnh.

“Gian hàng” nhỏ của o Nhị sống qua ngày

Quê em “Thạch Nhọn”

O Nhị của “cái nhìn ranh mãnh” năm nào, giờ đã trở thành một cụ bà bước vào tuổi xế chiều của đời người, khắc khổ và lam lũ, chiều chiều vẫn ngồi bó gối nhìn xa xăm ra biển trong ánh chiều chạng vạng. GòThạch Kim là một bãi cát nhô ra biển, giờ người dân cũng gọi nó là gò… “Thạch Nhọn”, bởi thứ nhất là nó… nhọn thật, thứ nhì là nơi đó có cô gái “Thạch Nhọn” một thời vẫn đi đi về về.

Buổi sáng, đây là một cái chợ nổi. Thuyền bè đi khơi về, cá và hải sản tấp nập được chuyển lên bờ. Người dân đổ xô tới đây buôn bán. Người buôn bán lớn thì gom hàng nơi đây rồi trung chuyển đi các thị trường lớn; kẻ buôn bán nhỏ thì điếu thuốc, bánh trái, gói kẹo, chai nước, một vài món điểm tâm làm ấm lòng những ngư phủ.

Quay trở lại những trang sử hào hùng của dân tộc những năm kháng chiến chống Mỹ. Năm 1965, địch ném bom miền Bắc, Hà Tĩnh - mà đặc biệt là ngã ba Đồng Lộc chính là địa điểm được coi là “ yết hầu” trên cung đường trường sơn của bộ đội ta 1 năm sau, theo tiếng gọi thiêng liêng để bảo vệ tổ quốc, o Nhị và bạn bè xung phong lên đường nhập ngũ, người đi các chiến trường, người vào thanh niên xung phong đến với những trọng điểm bị địch bắn phá ác liệt, để bảo vệ những tuyến giao thông huyết mạch chạy dọc Trường Sơn .

O Nhị được phân công vào tuyến lửa ngã ba Đồng Lộc, thuộc quân số của C4- Tổng đội TNXP 55 khi o tròn 20 tuổi.

Kể về sự tình cờ mà O Nhị trở thành nguyên mẫu bài thơ nổi tiếng của Phạm Tiến Duật với chúng tôi o nói: “Hồi đó, đoàn xe của đường dây 559 trong Nam ra thì dừng lại Đức Thọ. Trong đoàn có một anh bộ đội có cái mũi rất thẳng nói giọng Bắc ngọt lịm, nhỏ nhẹ như con gái cất tiếng hỏi: “Quê em ở đâu?”, o trả lời: “Quê em qua Thạch Bằng rồi đến Thạch nớ là Thạch Nhọn eng nờ”.

Cả tiểu đội con gái cười giòn như pháo. Sau đó anh bộ đội ấy hỏi ra mới biết Thạch Nhọn là Thạch Kim, và mãi sau này bài thơ phát trên đài o mới biết anh đó là Phạm Tiến Duật và là nhà thơ, nhà báo chứ lúc đó biết ông là ai? Khi bài thơ được phát thì đơn vị có gọi o lên khiển trách "tại răng lại đi nói dối anh bộ đội”.

O Nhị kể: “Lúc nói đùa như thế o đâu biết chú ấy (Phạm Tiến Duật) là nhà thơ, nhà báo chi mô. Sau vì bài thơ mà o bị đơn vị kêu lên khiển trách vì cái tội nói... dối, dám lừa bộ đội. Cái thời nớ nó rứa”.

Cô thanh niên xung phong ngày ấy bây giờ !

Hằng ngày, o Nhị ngồi ở bậu cửa hướng xa xăm ra biển như còn chờ đợi điều gì!

Hoàn thành nhiệm vụ, o Nhị về với mẹ, với quê hương, hai mẹ con lại gồng gồng gánh gánh bán buôn để mưu sinh bên cái gò nổi này.

Cuộc sống có khó khăn vất vả nhưng vẫn êm đềm trôi qua cùng với tuổi xuân của o Nhị, thương con đôi lúc mẹ giục: “Con ơi, con đi lấy chồng đi ”, đáp lại o Nhị chỉ biết hướng cái nhìn xa xăm của mình ra biển: “Người ta thương con thì con không thương, mà người con thương thì… mẹ cứ từ từ cho con, mẹ nhá”.

Người Mẹ già chỉ biết ôm lấy con gái mình mà khóc. Để rồi cứ thế, cái tuổi nó đuổi xuân đi, khi mẹ mất, o đã gần… 70 tuổi, vẫn là con gái của mẹ mà chưa phải là dâu con của ai. “Nghĩ mà thương mẹ đứt ruột. Mẹ định chết nhiều lần để con gái không phải vướng bận gì để đi lấy chồng, đến phút cuối mẹ vẫn ân hận. O nói với mẹ rằng số con nó vậy, con chấp nhận, con đã có xã hội quan tâm rồi mẹ hãy cứ bình thản mà ra đi…”.

“Năm 2002, Mẹ mất, rồi đến năm 2012 chị gái cũng bỏ tôi mà đi” - o Nhị gồng gánh một mình. Ngày mẹ còn sống, ngày nào o cũng gánh giúp mẹ sau đó về trông con gà, con lợn nhưng bây giờ, thời gian từ 4 giờ sáng đến 11 giờ trưa của o gần như khép kín .

Hàng quán cũng chẳng có gì nhiều, mấy gói kẹo, gói thuốc, chai rượu và lỉnh kỉnh vài đồ khác như gói dầu gội, bịch sữa cho trẻ con thế nhưng o Nhị phải gánh ra đây từ khi 4 giờ sáng.

“Trông rứa nhưng mà nặng, so với thời con gái thì không là chi cả, bom o còn vác được nói chi là mấy cái ni, nhưng càng ngày lại càng thấy nặng rồi chú ạ”- o Nhị tâm sự. Thu nhập của gánh hàng ngồi từ tờ mờ sáng đến trưa vậy cũng chỉ vài ba chục ngàn đồng, phụ thêm với tiền trợ cấp thương binh hơn 300 ngàn đồng/tháng cũng cố cho vừa đủ tiêu pha hàng tháng ở cái vùng đất “bán hải địa” này.

Cuộc đời o Nhị cứ thế trôi đi. Một đôi lần, có những nhà báo tìm về. Từ tấm lòng cảm thông yêu mến của bạn đọc khắp nơi, ngôi nhà xiêu vẹo của mẹ con o Nhị được thay bằng nhà xây lợp ngói với diện tích hơn 10 m2. Nhưng hiện nay căn nhà đã có dấu hiệu dột nát, mong muốn của o là có một ngôi nhà nhỏ làm chốn nương thân lúc về già.

Năm 2000, nhà thơ Phạm Tiến Duật có gọi điện mời cô gái Thạch Nhọn ra Hà Nội thăm chơi nhưng o Nhị không đi được. Cho đến năm 2005 khi nghe tin nhà thơ ốm nặng, o đã ra thăm ông bên giường bệnh, ngày ông mất, o cũng có mặt ở lễ viếng. Và mỗi năm, vào ngày giỗ của ông, o vẫn khăn gói ra Hà Nội thắp hương.

Đôi lần có những đoàn làm phim tài liệu Ngã ba Đồng Lộc của đài VTV tìm về mời o làm cố vấn, o Nhị hăng hái nhận lời vì đó là niềm vui và cũng là để bớt nhớ bao đồng đội đã ngã xuống nơi tíu lửa mưa bom ngày nào.

Ông Trần Đình Bé, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Kim cho biết: mặc dù bà Nhị không được hưởng chế độ chính sách của nhà nước nhưng hiện tại cuộc sống của bà cũng không vất vả lắm. Vì bà được người dân trong vùng yêu mến nên mỗi khi ngư dân đi biển về họ thường biếu bà con cá, con tôm. Và ở cái xóm chợ gò bé xíu ấy, người ta luôn ưu tiên mua hàng của bà trước…”

Ngày thường, để quên bớt sự cô đơn hiu quạnh của tuổi già đơn bóng, người đàn bà ấy, cô thanh niên xung phong, “nàng thơ” của ngày nào lại ngồi bên bậu cửa ngó cái nhìn xa xăm ra cửa biển, mà không biết mình đang chờ đợi điều gì!

Lê Phan – Hữu Ngọc

Nguồn TBDN: http://tbdn.com.vn/tim-ve-o-thanh-nien-xung-phong-trong-nguyen-mau--bai-tho--gui-em-cua-nha-tho-pham-tien-duat-_n27550.html