Tìm nước… giữa mùa mưa Tây Nguyên

TP - Ngay giữa mùa mưa, người dân Tây Nguyên lại ráo riết cho “chiến dịch” khoan xuyên lòng đất tìm nước. Trước đó, nhiều nhà đầu tư hàng trăm triệu đồng, khoan hàng chục giếng mà không có nước.

Người dân xã Nam Dong đổ khá nhiều tiền khoan giếng tìm nước.

22 giếng vẫn không có nước

Chúng tôi đến xã Nam Dong, huyện Cư Jút (tỉnh Đắk Nông) vào những ngày cuối tháng 6. Thời điểm này, Tây Nguyên do ảnh hưởng của thời tiết, trời mưa nhiều, lượng mưa rất lớn. Dọc hai bên đường dẫn vào trung tâm UBND xã, tiếng máy nổ kêu xình xịch, có hàng chục hộ dân thuê máy, đang khoan giếng ngay trước nhà, hay bên rẫy. Rút kinh nghiệm như những năm trước, năm nay người dân chủ động tìm nước sớm hơn.

Chị Đào Thị Trinh (42 tuổi - trú tại thôn 12), nổi tiếng vì lập “kỷ lục” về làm giếng khoan cho biết: “Vụ mùa năm trước do không có nước tưới, tiêu vừa trồng được ít ngày thì chết. Năm nay tôi mở rộng diện tích nhiều hơn, cần rất nhiều nước tưới. Gia đình tôi sử dụng tiền vay ngân hàng để làm giếng. Không sợ tốn tiền, chỉ sợ không có nước”.

Từ đầu năm đến nay gia đình chị Trinh đã thuê người khoan 22 giếng trong rẫy, có những giếng có độ sâu 100m nhưng tất cả đều không có nước. Mặc dù vậy, công cuộc tìm nước của gia đình chị vẫn đang tiếp diễn.

“Vụ mùa năm trước do không có nước tưới, tiêu vừa trồng được ít ngày thì chết. Năm nay tôi mở rộng diện tích nhiều hơn, cần rất nhiều nước tưới. Gia đình tôi sử dụng tiền vay ngân hàng để làm giếng. Không sợ tốn tiền, chỉ sợ không có nước”.

Chị Đào Thị Trinh

Ở xã Nam Dong, việc một gia đình thuê khoan từ 3 đến 5 giếng không có nước là chuyện bình thường. Anh Vũ Mạnh Phú (46 tuổi- ngụ tại thôn 7) cũng lập kỷ lục về khoan giếng. Để tìm nước tưới cho hơn 1 ha đất rẫy, anh Phú khoan 15 giếng với độ sâu từ 95-120m, nhưng chỉ 3 giếng là có nước.

Cũng theo anh Phú, chưa năm nào phải khoan giếng tràn lan, nhiều như năm nay. “Nhà nhà khoan giếng, người người khoan giếng. Những năm trước, nếu khoan giếng không có nước, chủ giàn khoan sẽ thỏa thuận với gia đình trả chi phí cho mỗi giếng là 50/50. Nhưng, năm nay họ đánh cược với chúng tôi ngay từ đầu, có nước cũng mất tiền, không có cũng phải thanh toán 100%. Do vậy, 15 giếng khoan chúng tôi đều phải thanh toán hết. Mỗi giếng khoan được tính trên 16 triệu đồng, tính cả chi phí mua ống nhựa, tiền điện bơm nước hết trên 240 triệu đồng”- anh Phú cho biết.

Ông Vũ Trung Thành, Phó chủ tịch Hội nông dân xã Nam Dong cho biết, do tâm lí ám ảnh về trận đại hạn lịch sử năm vừa rồi, nên toàn xã đua nhau thuê khoan giếng để tìm nước. “Ở xã Nam Dong hầu như hộ nào cũng làm giếng khoan để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu. Nhưng chưa năm nào, “nạn” làm giếng khoan nhiều như năm nay.

Cầm cố sổ đỏ vay tiền làm giếng

Xã Nam Dong chỉ là một trong những điển hình nhỏ, trong chuỗi lớn các tỉnh thành ở Tây Nguyên “đổ” tiền để khoan giếng. Cách xã này chừng 15 km, chúng tôi đến thôn Ea Pô, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút. Mặc dù đang ở giai đoạn thời tiết chịu ảnh hưởng của đợt áp thấp nhiệt đới, mưa nhiều, nhưng người dân vẫn thuê người xuyên lòng đất tìm nước.

Ông Y’Minh, trưởng thôn Ea Pô xác nhận, ở thôn có trên 90% người dân khoan giếng, có những hộ khoan tận 3 cái mà không có nước là chuyện bình thường. “Gia đình tôi phải vay tiền ngân hàng để khoan giếng, chi phí trên 30 triệu, nhưng mạch nước rất yếu. Số tiền này, tôi phải đem sổ đỏ cầm cố để vay” - ông Y’Minh cho biết.

Tại thành phố Buôn Ma Thuột và các huyện (tỉnh Đắk Lắk) “phong trào” khoan, đào giếng cũng không kém. Tâm lí chung của người dân, lo sợ nạn hạn hán có thể tái diễn. Chị Trần Thị Thủy (42 tuổi) ngụ tại phường Khánh Xuân cho biết, tháng 6/2016, đã thuê người khoan giếng độ sâu 120m mới có nước. Ghi nhận của chúng tôi tại các phường Ea Tam, xã Ea Kao, huyện Krông Búk, Cư M’ga… người dân cũng đang ồ ạt làm giếng.

Ông Trần Văn Thiện, giám đốc Cty TNHH MTV cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk cho biết, việc người dân khoan giếng nhiều sẽ làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm. “Việc khoan giếng ồ ạt ở Đắk Lắk thời gian qua, phần nào đã làm ảnh hưởng đến mạch nước ngầm khiến mực nước tụt giảm. Nếu khoan giếng chuyên dụng để tưới cây cà phê, tiêu và các cây trồng khác… đúng quy chuẩn giếng này cách giếng kia 1km, nếu mạch nước mạnh có thể cách nhau 500m. Nhưng, bà con ở các rẫy làm giếng với mật độ quá dày, làm theo kiểu mạnh ai người làm, miễn làm sao có nước dùng là được”, ông Thiện cho biết.

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/tim-nuoc-giua-mua-mua-tay-nguyen-1024149.tpo