Tìm mộ liệt sỹ - Phải giám định ADN mới chính xác!

(PL&XH)-Tìm được mộ người thân là mong mỏi của hầu hết các gia đình liệt sỹ. Nhiều người già đến lúc cuối đời chỉ có mong ước duy nhất là tìm được hài cốt của con em mình để đưa về quê hương.

Chính vì vậy, khi đời sống khá hơn, có điều kiện hơn, các gia đình thân nhân liệt sỹ đều nghĩ cách tìm lại mộ người thân. Những trung tâm tìm mộ liệt sỹ bằng tâm linh, ngoại cảm cũng từ đó ra đời. Theo Cục Người có công (Bộ LĐ-TB&XH), hiện nay, cả nước còn khoảng 548.000 liệt sĩ khuyết danh và liệt sĩ chưa quy tập được, trong đó, khoảng 230.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm được và gần 318.000 hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang nhưng chưa biết tên. Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu nhờ các nhà ngoại cảm mà tìm được và tìm chính xác mộ các liệt sỹ. Nhưng thực tế thời gian gần đây cho thấy, khá nhiều trường hợp người thân các liệt sỹ đã tốn không ít thời gian, công sức và tiền của (thông thường tốn vài chục triệu, có trường hợp tốn hàng trăm triệu đồng) cho các cuộc tìm kiếm nhưng lại không tìm được, hoặc được chỉ dẫn đến bốc những ngôi mộ không phải của người thân. Để rồi sau đó mất công đem trả lại và "mua" thêm những âu lo, hoang mang. Sở dĩ có chuyên này bởi số nhà ngoại cảm thật sự có khả năng áp vong, tìm mộ không nhiều, so với số trung tâm tìm kiếm mộ liệt sĩ đang mọc lên nhanh chóng. Trang web bee.net trích ý kiến của TS. Nguyễn Chu Phác (Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng con người) cho biết, theo danh sách ông có hiện nay, con số nhà ngoại cảm tìm mộ lên đến 300 nhưng thực chất trong đó chỉ có 13 người có khả năng thực sự. Điều này cho thấy, tỷ lệ người có khả năng ngoại cảm tìm mộ liệt sĩ thực sự rất thấp so với tỷ lệ ngoại cảm giả. Còn theo bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền (Trung tâm) thì qua thực tế giám định hài cốt để tìm mộ liệt sỹ tại Trung tâm này, hầu hết các cuộc tìm mộ bằng con đường tâm linh, ngoại cảm là không tìm được mộ! Có trường hợp gia đình liệt sỹ tìm mộ theo hướng dẫn của nhà ngoại cảm, mất công sang tận Campuchia lấy được mẫu hài cốt mang về, nhưng giám định ADN thì không phải người thân của mình, gia đình phải quay trở lại Campuchia để trả mẫu hài cốt đã xin. Thực tế, chỉ những gia đình tìm mộ theo chỉ dẫn của đồng đội cũ của liệt sỹ mới tìm được. Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và công nghệ di truyền Bà Nga chia sẻ: "Chúng tôi quyết định nhận giám định hài cốt liệt sỹ từ khi chương trình truyền hình "Trở về từ ký ức" chuyển đến một số trường hợp đề nghị Trung tâm giám định để khẳng định có phải là liệt sỹ cần tìm kiếm không. Vừa qua, có quá nhiều gia đình liệt sỹ tìm mộ đã mất tiền oan, nên chúng tôi cũng muốn đem cơ sở khoa học mà Trung tâm hiện có góp phần giúp người thân các liệt sỹ tìm được mộ con em mình. Hiện Trung tâm phân tích ADN nhận giám định hài cốt trong thời gian sáu tuần (trước đây là bốn tuần), với chi phí 8 triệu đồng. Hiện, những trường hợp qua Cục Người có công giới thiệu đến Trung tâm giám định đều đang được miễn phí”. Từ việc giám định hài cốt liệt sỹ, cũng có không ít câu chuyện ấn tượng để lại. Bà Nga kể, có lần Trung tâm nhận giám định cho một trường hợp, nhưng mới được mấy ngày thì người em gái của liệt sỹ quay trở lại quả quyết: "Cô ạ, hôm qua cháu mơ thấy anh ấy rồi. Anh ấy bảo nhanh nhanh đưa anh về đi, anh nằm ở đây lạnh lẽo lắm… nên cô cứ cho cháu kết quả giám định ADN luôn đi để cháu được bốc mộ anh về, không cần phải giám định nữa đâu, cháu chắc chắn là đúng rồi". Trước sự khẳng định và niềm tin của cô em gái liệt sỹ, bà Nga vẫn kiên quyết chỉ trả kết quả sau khi làm các xét nghiệm giám định. Điều đáng buồn là theo kết quả giám định thì hài cốt mà người em tìm được lại không phải là anh trai mình nên gia đình lại tiếp tục tìm kiếm. Thực ra, trong suốt quá trình tìm kiếm, người nhà luôn nghĩ đến thân nhân của mình, nên dễ có những ám ảnh và "giấc mơ" như đã kể trên, bà Nga lý giải. Mới đây, Cục Người có công giới thiệu đến Trung tâm cùng lúc ba gia đình thân nhân của ba liệt sỹ thời chống Mỹ, đem theo ba bộ hài cốt đến đề nghị giám định. Sở dĩ cả ba gia đình tìm đến cùng lúc bởi đây là trường hợp một ngôi mộ chôn ba liệt sỹ. Kết quả xác định, ba gia đình là gia đình chị Trần Thị Hải (con gái liệt sỹ) và ông Trần Văn Thuật (em trai) đã tìm được mộ liệt sỹ Trần Văn Sự; anh Dương Ngọc Tuấn (là con trai) và bà Dương Thị Hiệp (là em gái) tìm được liệt sỹ Dương Ngọc Quý và gia đình ông Đinh Ngọc Chương tìm được liệt sỹ Đinh Ngọc Cừ. Tuy nhiên, chỉ có hai bộ hài cốt có thể giám định được, nhưng bộ còn lại do xương mủn hết nên không thể giám. Kết quả xác định được danh tính hai bộ hài cốt, nên bộ còn lại được các gia đình dùng cách loại trừ, khẳng định là liệt sỹ còn lại và đón về chôn cất ở quê hương. Hiện Trung tâm cũng đang giám định cùng lúc bốn bộ hài cốt do gia đình liệt sỹ Nguyễn Trọng Hạnh mang đến để xem đâu là thân nhân của mình. Cũng từ việc giám định, mà có những bí mật khiến bà Nga nhớ mãi. Đó là trường hợp một liệt sỹ là nam giới, được người em trai cho mẫu để đối chứng. Do hài cốt còn tốt nên Trung tâm đã tiến hành phân tích cả ADN ty thể (phương pháp giám định dùng để giám định hài cốt) và ADN nhân (phương pháp giám định với gen của người sống). Kết quả thật bất ngờ vì hai anh em trai này chỉ cùng mẹ, mà không cùng cha! Tất nhiên, về nguyên tắc, chuyện này không được tiết lộ, Trung tâm vẫn trả kết quả cho khách hàng theo đúng yêu cầu và qui định: Hai người có quan hệ huyết thống theo dòng mẹ. Mong ước thẳm sâu được đưa đồng đội trở về cùng người thân Lại có trường hợp hai gia đình liệt sỹ mang đến hai bộ hài cốt cùng nhờ giám định. Kết quả thật bất ngờ bởi cả hai mẫu được đem đến giám định là của cùng một người, khiến các kỹ thuật viên phải giám định lại lẫn nữa để tránh nhầm lẫn. Hỏi hai gia đình mới hay, hai liệt sỹ này hy sinh trong tư thế ôm nhau, người dân địa phương khi bốc mộ đã chia đôi xương cốt làm hai ngôi mộ. Khi hai gia đình đến nghĩa trang xin giám định AND thì được cho hai mẩu xương… May mắn, hai gia đình này chỉ cách nhau 1km, nên họ quyết định xin bốc cả hai ngôi mộ về và cùng hương khói, vì họ đều xem cả hai liệt sỹ là người thân của mình. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào tìm được hài cốt theo chỉ dẫn cũng có thể giám định được vì có không ít trường hợp hài cốt chôn lâu quá đã bị mủn, phân hủy hết, hoặc tìm được xương nhưng lại không phải là xương người. Để giám định, phải có mẫu đối chứng là gen của người thân, tốt nhất là lấy mẫu giám định từ anh chị em ruột cùng mẹ của liệt sỹ, nếu không còn anh chị em ruột cùng mẹ thì dùng mẫu của cháu gái là con của chị gái ruột, em gái ruột của hài cốt. Sở dĩ, phải dùng mẫu của anh chị em cùng mẹ, và của cháu gái là con của em gái, chị gái cùng mẹ vì giám định hài cốt phải tiến hành bằng ADN ty thể, mà ADN ty thể thường truyền theo dòng mẹ, nên các mẫu đối chứng nói trên mới chuẩn xác. Theo bà Nga, để tìm mộ liệt sỹ, các gia đình thân nhân liệt sỹ nếu nhờ các nhà ngoại cảm thì vẫn cần đối chứng khoa học - giám định ADN bởi đây là cách duy nhất xác định chính xác hài cốt tìm được có phải người thân của mình hay không. Hiện, Bộ LĐ-TB&XH đang xây dựng Đề án xác định hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin và dự kiến cuối năm sẽ trình Chính phủ, trong đó giám định ADN là phương pháp quan trọng, chủ đạo để xác định danh tính hài cốt liệt sĩ. Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/20110904095133195p0c1001/tim-mo-liet-sy-phai-giam-dinh-adn-moi-chinh-xac.htm