Tìm mô hình bảo tồn hiệu quả di tích

Sau khi hoàn thành Tổng kiểm kê trên địa bàn, số di tích tại Hà Nội đã xấp xỉ 6 nghìn. Hà Nội tiếp tục khẳng định vị thế 'Thủ đô di sản'. Ðiều đó cũng đặt ra nhiều vấn đề trong công tác quản lý. Thành phố Hà Nội đã ban hành Quy chế Quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn và triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo tồn, phát huy giá trị những di tích này.

Việc tăng lên tới gần 700 di tích sau khi thực hiện Tổng kiểm kê di tích trên địa bàn thành phố Hà Nội không làm nhiều người bất ngờ. Bởi lẽ con số 5.275 di tích trước đó là con số được “cộng dồn” một cách cơ học khi sáp nhập Hà Nội - Hà Tây. Triển khai Tổng kiểm kê di tích không những giúp thành phố nhận diện rõ hơn số lượng, mà còn làm rõ chủng loại, hiện trạng của từng di tích. Việc thực hiện Tổng kiểm kê di tích tiếp tục cho thấy, hệ thống di tích trên địa bàn Hà Nội rất phong phú và đa dạng, trong đó có 2.008 chùa, 1.803 đình, 804 đền, 390 nhà thờ họ... Di tích phân bố không đồng đều, mỗi quận chỉ có vài chục di tích, nhưng ở ngoại thành, mỗi huyện lại có đến hàng trăm di tích, điển hình như huyện Ba Vì có 440 di tích, huyện Ứng Hòa có 443 di tích.

Hà Nội chiếm đến một phần ba số di tích quốc gia của cả nước nhưng số di tích đang bị xuống cấp cũng tăng theo sau đợt Tổng kiểm kê. Toàn thành phố có tới 2.200 di tích xuống cấp, trong đó, 211 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều di tích đã xuống cấp từ lâu, các địa phương chưa tìm được nguồn kinh phí để tôn tạo. Có thể kể đến trường hợp đình Xuân Canh (xã Xuân Canh, huyện Ðông Anh), đình Vĩnh Phệ, chùa Nả (huyện Ba Vì); đình Cổ Chế (huyện Phú Xuyên), chùa Ðông Khê (huyện Ðan Phượng)… Huyện Phúc Thọ là một điển hình của khó khăn trong công tác bảo tồn, tu bổ. Trên địa bàn huyện có khoảng 30 di tích xuống cấp nghiêm trọng. Ðể tu bổ mỗi di tích cần đến nhiều tỷ đồng. Ngân sách thành phố thì có hạn, kêu gọi xã hội hóa tu bổ di tích ở địa bàn nông thôn không phải điều dễ dàng, vì nguồn lực của người dân hạn chế. Một vấn đề khác cũng nan giải không kém là việc quản lý các di tích, nhất là di tích quốc gia đặc biệt. Hiện Hà Nội có 11 di tích quốc gia đặc biệt, nhưng mỗi di tích lại được quản lý bởi một mô hình khác nhau, có di tích trực thuộc UBND thành phố, có di tích giao cho Sở Văn hóa và Thể thao, có di tích quốc gia đặc biệt thuộc thẩm quyền quản lý của cấp xã, thí dụ như đền Phù Ðổng ở xã Phù Ðổng, huyện Gia Lâm. Ðây là di tích xảy ra nhiều sai phạm trong quản lý, tu bổ thời gian qua. Ngoài ra, vẫn còn khoảng 3.500 di tích chưa được xếp hạng. “Ðãi cát tìm vàng” từ số lượng di tích chưa được xếp hạng khổng lồ này cũng đòi hỏi rất nhiều công sức.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến cho biết: “Với số lượng di tích rất lớn, lại có những đặc thù về tính chất, loại hình, phân bố… cho nên công tác quản lý di tích trên toàn thành phố khá phức tạp. Từ cuối năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quy chế quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử - văn hóa và danh lam thắng cảnh. Sau một thời gian thực hiện, Quy chế này đã góp phần khắc phục những bất cập về công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, nhất là về việc sử dụng nguồn công đức, chế độ cho người quản lý, quy trình thẩm định, thiết kế, phê duyệt dự án tu bổ di tích,… Nguồn lực tu bổ, sửa chữa di tích không phải là câu chuyện có thể giải quyết ngày một, ngày hai. Hiện UBND thành phố đã phân cấp quản lý di tích, vốn đầu tư chủ yếu cân đối từ ngân sách huyện. Một số huyện đã thực hiện tốt như huyện Quốc Oai, trước đây hầu như chỉ dựa vào ngân sách thành phố, nhưng năm 2016 - 2017 đã thực hiện tu bổ được sáu di tích. Những huyện làm được như vậy chưa nhiều, đòi hỏi sự phối hợp tích cực hơn giữa các địa phương với các sở, ngành để giải quyết”.

Hà Nội dự kiến sẽ xây dựng kế hoạch đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích dài hơi, ưu tiên tôn tạo các di tích quốc gia đặc biệt, các di tích cách mạng kháng chiến, các di tích có những giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo, có niên đại cao. Do số lượng di tích xuống cấp rất lớn, từng di tích cụ thể lại mang giá trị khác nhau, do vậy việc xây dựng thành các nhóm ưu tiên cho hoạt động tu bổ là cần thiết. Bên cạnh đó, nên kết hợp cả ba nguồn lực: ngân sách thành phố, ngân sách các quận, huyện và xã hội hóa cho việc tu bổ, tôn tạo các di tích. Ðối với quản lý di tích quốc gia đặc biệt, thời gian qua đã xảy ra một số vi phạm, điển hình là đền Phù Ðổng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Trương Minh Tiến nhấn mạnh: “Mô hình các ban quản lý di tích - nhất là đối với các di tích cấp quốc gia đặc biệt của thành phố còn tồn tại những bất cập, trong mô hình quản lý. Căn cứ vào quy định hiện hành thì cấp huyện không có Ban quản lý di tích. Nhưng để đáp ứng nhu cầu, trong năm 2016, UBND huyện Quốc Oai và UBND huyện Thạch Thất đã thành lập Ban quản lý di tích để quản lý di tích chùa Thầy, chùa Tây Phương. Mô hình đang phát huy hiệu quả. Sở Văn hóa và Thể thao đang theo dõi sát mô hình này, rút kinh nghiệm từ thực tế để tìm ra mô hình quản lý phù hợp nhất”.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/33423502-tim-mo-hinh-bao-ton-hieu-qua-di-tich.html