Tìm lại cho em nụ cười tròn trịa

Sinh ra với chiếc môi hở ngoác, Tà Yên Rẫy bị bà con xúi mẹ em hãy giết em đi vì 'nó mang gương mặt của quỷ'. Thương con, mẹ len lén bế em lên rẫy sống, rồi đặt tên con là Rẫy, tránh xa những dị nghị của bà con, chòm xóm. Rẫy sống một cuộc sống hoang dã, không biết chữ, không nói tiếng Việt và không có bạn. Cuộc gặp gỡ tình cờ với một nhiếp ảnh gia tốt bụng đã giúp em về Sài Gòn, được bác sĩ khám và phẫu thuật để trở lại một gương mặt bình thường.

BS Nguyễn Văn Đẩu khám cho Rẫy lúc mới phẫu thuật xong. Ảnh: K.Q

Bức ảnh thay đổi cuộc đời

Trong hàng ngàn bệnh nhân giữa Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, Tà Yên Rẫy ngơ ngới bám lấy áo mẹ - chị Tạ Yên Thị Mai. Chị Mai cũng gương mặt đầy lo lắng, hướng mắt về anh Trần Trọng Lượm - nhiếp ảnh gia đưa hai mẹ con xuống Sài Gòn.

Đây là lần đầu tiên, hai mẹ con Rẫy rời nương rẫy, rời căn nhà lợp lá rách bươm để đến một nơi đô hội, đông đúc như Sài Gòn. Vốn liếng tiếng Việt của hai mẹ con chỉ đếm bằng từ, bằng những câu ngăn ngắn. Vốn liếng đó không đủ giúp chị Mai hiểu bác sĩ nói gì, cũng không đủ để biết người lạ muốn hỏi cái gì. Hỏi đi hỏi lại mấy lần, chị chỉ biết cười, hở hàm răng rụng mất mấy chiếc dù tuổi đời chưa đến 50.

Cách đây 1 tháng, anh Trần Trọng Lượm lên xã Ma Nới, huyện Ninh Sơn (tỉnh Ninh Thuận) để “săn ảnh” và thăm cậu bé Tà Yên Nghiệp - một nhân vật trong bức ảnh của anh. Anh băng băng qua những ngọn đồi, nương rẫy của đồng bào Raglai rồi chợt dừng chân trước hình ảnh cậu bé Rẫy 16 tuổi đang chăn bò. Đó là một cậu bé gầy còm, đen nhẻm và ánh mắt sợ sệt, đôi môi hở ngoác. Thấy người lạ, cậu bé vội vã kéo đàn bò về.

“Hôm sau, tôi tìm đến nhà của Rẫy. Gọi là nhà, nhưng nó giống như túp lều, nhỏ, lợp lá rách bươm, đến chỗ ngủ cũng không có. Nhà có lúc còn không có gạo ăn. Ba Rẫy mất lâu rồi, 6 anh chị em Rẫy không đi học, không ai biết chữ”, anh Trần Trọng Lượm kể lại.

Lý do anh lặn lội tìm đến nhà Rẫy đơn giản chỉ là: “Nhìn Rẫy, tôi chợt nhớ đến thằng bé Tà Yên Nghiệp. Nghiệp hở môi, hàm ếch còn nặng hơn Rẫy. Vậy mà phẫu thuật xong, Nghiệp tự tin hẳn, có nhiều bạn bè, đi học lúc nào cũng là học sinh giỏi. Tôi nghĩ, phải tìm cách thuyết phục để đưa Rẫy đi vá môi, thay đổi cuộc đời em”.

Anh Lượm kể lại, một ngày cuối tháng 12.2013, Lượm rong ruổi khắp miền núi xã Ma Nới để “săn ảnh”. Khi đi sâu vào làng, anh tình cờ thấy vài em nhỏ đang vui chơi ngoài sân hồn nhiên quá. Anh dừng lại chụp thì lại thấy một em trai đang lấp ló sau tấm bạt treo ở vách nhà, tha thẩn một mình. Đó là Tà Yên Nghiệp. Nghiệp mang một vành môi hở ngoác rất nặng, chìa cả răng ra ngoài. Giây phút Tà Yên Nghiệp cười lấp ló sau tấm bạt đã được anh Lượm nhanh tay ghi lại. Bức ảnh đó mang lại cho anh giải thưởng đặc biệt của một cuộc thi ảnh.

Bức ảnh trở nên nổi tiếng. Nhờ bức ảnh này, các thành viên của Tổ chức Smile Train đã tìm mọi cách để liên hệ với gia đình Nghiệp với quyết tâm giúp em tìm lại được nụ cười tròn trịa. Nhờ sự giúp đỡ, Nghiệp được làm thủ tục nhập viện Nhi đồng 1 TPHCM phẫu thuật vá môi miễn phí.

Từ câu chuyện của Tà Yên Nghiệp, anh Trần Trọng Lượm đã gắn bó hơn với làng Ma Nới qua nhiều lần đi lại thăm hỏi nhân vật của mình. Anh theo dõi cuộc đời của Nghiệp và chịu khó ghi lại những khoảnh khắc hạnh phúc trong cuộc sống đời thường của cậu bé.

Khoảnh khắc lao động của Tà Yên Rẫy lúc chưa phẫu thuật được anh Trần Trọng Lượm ghi lại. Ảnh: T.T.L

Cậu bé hoang dã

Nhưng thuyết phục mẹ của Tà Yên Rẫy không hề dễ. Lúc anh Lượm tìm đến nhà, Rẫy rất sợ và không dám gặp. Mẹ của Rẫy tiếp anh Lượm cũng trong một thái độ dè chừng, e sợ người lạ. Anh vừa đề cập chuyện giúp Rẫy đi phẫu thuật vá môi, mẹ em đã lắc đầu: “Không được đâu, trời sinh sao mình nuôi vậy thôi”.

Chị Tạ Yên Thị Mai kể lại, Rẫy là con thứ 5 của chị. Lúc mới sinh ra em, thấy con trai mang một gương mặt với đôi môi hở ngoác, chị sợ lắm, khóc suốt. Trong lúc đó, bà con kéo đến, bảo chị giết nó đi, bỏ nó đi vì lý do “nó lớn lên mang gương mặt của quỷ cũng khổ nó”.

Tình mẫu tử thiêng liêng không cho phép chị tự tay giết hay bỏ con mình. Sống giữa buôn làng, chị càng không thể gạt qua những lời “chỉ dẫn” của bề trên. Chị đau đớn bế con lên rẫy, làm nhà trên đó để nuôi con, đặt tên cậu bé là Rẫy: “Mình chỉ nghĩ, trời cho sao thì mình nhận lấy. Nó xấu cũng là con mình. Cứ nuôi nó lớn, không làm được gì thì đi chăn bò giúp mẹ là được”.

Mang một đôi môi dị dạng, Rẫy không tự bú được. Chị Mai phải kiễn nhẫn đút từng thìa nước gạo pha đường cho con. Vậy mà cậu bé Rẫy kiên cường lớn lên qua những mùa nắng cháy của Ninh Thuận, qua những năm mất mùa, mấy mẹ con phải đi mót từng bông lúa. Sống xa buôn làng, Rẫy chưa từng biết trường học, bạn bè là gì. Trong nhà em không một thiết bị gì của cuộc sống hiện đại, tivi, điện thoại cũng không. Rẫy cứ thế, lớn lên một cách hoang dã và bản năng giữa nương rẫy, ruộng đồng với lúa ngô khoai sắn.

“Tuy nó là đứa con xấu nhất, nhưng mình thương nó nhất. Giờ nó lớn, biết chăn bò rồi, phẫu thuật xong lỡ nó đẹp, nó bỏ mình đi lấy vợ, không ai nuôi mình, khổ lắm”. Chị Tạ Yên Thị Mai kết lại sau những lời thuyết phục như trút ra từ gan ruột của anh Lượm. Bị từ chối, anh Lượm không nản lòng, anh lại tìm đến trưởng làng nhờ ông đến thuyết phục chị Mai. Trong cuộc trò chuyện đó, một phần nghe người làng, một phần nhìn những tấm hình hạnh phúc sau khi được phẫu thuật của Tà Yên Nghiệp, chị Mai đồng ý cho Rẫy xuống TPHCM phẫu thuật.

Còn bao nhiêu thân phận bị bỏ sót?

Cuộc phẫu thuật của Tà Yên Rẫy và mọi chi phí đi lại ăn ở được anh Trần Trọng Lượm liên hệ với Quỹ phẫu thuật nụ cười tài trợ. Anh cũng thu xếp công việc, lên tận làng đưa hai mẹ con xuống BV Nhi đồng 1 TPHCM phẫu thuật. Sau khi khám, các bác sĩ đã tiến hành mổ, vá lại môi cho Rẫy.

Sau cuộc mổ kéo dài 1 tiếng đồng hồ, chị Mai ngạc nhiên nhìn chiếc môi của Rẫy lành lặn như người bình thường dù còn sưng to. Dường như chị không thể ngờ được, thì ra “gương mặt của quỷ” lại có thể trở lại bình thường nhờ dao kéo của bác sĩ chứ không phải nhờ thần linh hay do cúng bái.

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Đẩu - Trưởng khoa Răng hàm mặt (Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM), người điều trị cho Rẫy - cho biết: “Mức độ dị tật của em chỉ ở loại trung bình. Tuy nhiên, do được mổ quá trễ nên mức độ giãn rộng ở vòm trong rất rộng. Vì vậy, sau 3 tháng vá môi, Rẫy sẽ phải tiến hành một cuộc phẫu thuật nữa để vá vòm trong. Sau khi hoàn thành phẫu thuật, em phải luyện tập vật lý trị liệu để phát âm tròn vành, rõ chữ như người bình thường”.

Bác sĩ Nguyễn Văn Đẩu cho biết, theo nguyên tắc, em phải được phẫu thuật từ khi 1-2 tuổi. Nhưng em lại bị bỏ sót đến tận 16 tuổi. Ông kể thêm, trong những chuyến phẫu thuật môi, hàm ếch miễn phí ở Tây Nguyên, ông đã phẫu thuật vá môi cho một bà cụ gần 70 tuổi. Vậy là đúng 70 năm, bà cụ mới tìm được nụ cười của mình.

Cũng có lần ông phẫu thuật cho hai anh em trai sinh đôi tại Bệnh viện tỉnh Gia Lai. Cả hai cùng bị hở hàm ếch và mãi đến 23 tuổi mới được phẫu thuật. Rẫy cũng thế, đã 16 tuổi, đang bước vào ngưỡng cửa chuẩn bị trưởng thành, lấy vợ, sinh con mà vẫn chưa biết chữ, không nói được tiếng Việt. Trong những năm qua, chắc chắn một đứa trẻ như em đã có những tổn thương tâm lý không hề nhỏ.

Theo BS Nguyễn Văn Đẩu, khi các đoàn bác sĩ, tổ chức đến với các địa phương vùng sâu, vùng xa để khám, phẫu thuật miễn phí, họ liên hệ với chính quyền địa phương để lên danh sách bệnh nhân. Nhưng không hiểu sao vẫn có rất nhiều người bị bỏ sót lại.

“Trong nhiều năm làm việc ở khoa Răng hàm mặt, tôi thấy còn rất nhiều bệnh nhân hở hàm ếch tương tự như Tà Yên Rẫy. Có vẻ các em chưa được xã hội, ngành y tế quan tâm thực sự. Không biết còn bao nhiêu thân phận như thế bị bỏ sót?”.

KHƯƠNG QUỲNH

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/phong-su/tim-lai-cho-em-nu-cuoi-tron-tria-565350.ldo