Tìm hướng thoát nghèo ở Xín Mần

XÍN MẦN LÀ MỘT TRONG NHỮNG HUYỆN BIÊN GIỚI XA XÔI NHẤT CỦA TỈNH HÀ GIANG. KHÔNG ÍT BẢN LÀNG CHÚNG TÔI ĐI QUA NHƯ “NẰM TREO” TRÊN NÚI, GIAO THÔNG BỊ CHIA CẮT, CUỘC SỐNG NGƯỜI DÂN KHÓ KHĂN. MỞ HƯỚNG THOÁT NGHÈO, ĐÃ CÓ NHIỀU DỰ ÁN ĐƯỢC TRIỂN KHAI ĐANG DẦN GIÚP THAY ĐỔI CUỘC SỐNG CỦA NGƯỜI DÂN VÙNG ĐẤT NÀY.

Mong ước về một cây cầu

Đặt chân đến Chúng Trải - một thôn thuộc thị trấn Cốc Pài (Xín Mần) giữa tiết trời se lạnh. Thi thoảng chúng tôi lại gặp cậu bé mặc mỗi chiếc áo trên người, chưa kịp chào cậu đã nhanh nhảu vẫy tay nở nụ cười, reo hò. Ở nơi chỉ cách trung tâm huyện lỵ ba ki-lô-mét, nhưng để đến được thôn chúng tôi phải qua rất nhiều đèo dốc cheo leo, những khúc cua hiểm trở, một bên là vách núi, một bên là vực sâu. Anh Lý Văn Hào, người dân của thôn cho biết: “Theo như ông nội tôi nói, quanh Xín Mần có rất nhiều chỗ thấp, đẹp nhưng không ai ở được, cha ông chọn ở nơi núi cao như vậy là do nơi đây tìm được nguồn nước để sinh sống”.

Dù vậy, người dân Chúng Trải năm nào cũng vài tháng chịu cảnh sống thiếu nước sinh hoạt. Mùa này họ đang đủ nước, nhưng tới tháng 3, tháng 4 từng hộ dân phải xuống núi hay xuống thị trấn lấy nước về dùng. Thiếu nước, việc sản xuất và chăn nuôi không dễ dàng chút nào. Anh Ly Văn Tích, sinh năm 1996 - người cha của hai con nhỏ đưa tay chỉ về ngọn núi trước mặt, cho biết cách nơi anh đứng chừng năm cây số là đường biên giới, thời điểm đất khô hạn, thiếu việc làm anh phải qua biên giới làm thuê đủ nghề từ trồng rừng đến làm thợ hồ hay vận chuyển hàng hóa thuê. Kiếm đồng tiền cực nhọc, anh trở về nhà làm ruộng nương và tăng gia chăn nuôi. Tiếp lời anh Tích, ông Giàng Văn Pao, trưởng thôn Chúng Trải buồn rầu nói: “Chúng Trải có nghề chính là làm ruộng nương. Thôn có 82 hộ (với 445 nhân khẩu) thì có đến 77 hộ thuộc diện nghèo”. Cũng theo ông Pao, với điều kiện thôn Chúng Trải như “nằm treo” trên núi, giàu bản sắc dân tộc, tạo ấn tượng cho những ai đặt chân đến, nên chính quyền địa phương đang định hướng phát triển du lịch cộng đồng để mang lại nguồn thu nhập cho người dân.

Nằm bên kia sườn núi, cách con sông Chảy, đối diện với thị trấn Cốc Pài là xã Thèn Phàng. Ngôi nhà của anh Thào Ngọc Anh, 27 tuổi, thuộc thôn Cốc Soọc trông khang trang hơn so với nhiều gia đình vẫn đang sống cảnh tường vách đất. Anh kể, nhà anh trước sống trên núi cao, sau đó do thấy điều kiện sống khắc nghiệt nên quyết định “hạ sơn” xuống chân núi định cư. Nhiều năm nay Ngọc Anh làm nghề buôn bán hàng hóa nhập từ bên kia biên giới về địa phương. Công việc mang lại lợi nhuận song cũng không ít rủi ro. Anh đang bắt tay cho việc kinh doanh gạo Già dui, và thịt lợn đen, một trong những đặc sản đặc trưng của vùng đất này. “Khách du lịch dưới xuôi lên đây luôn muốn được thưởng thức loại gạo Già dui thơm dẻo và giàu chất bổ dưỡng. Người Hà Nội cũng thường đặt hàng thịt lợn đen mang về dưới đó kinh doanh, vậy thì tại sao người Thèn Phàng không đứng ra kinh doanh để làm giàu, cũng như kéo những hộ trồng lúa, nuôi lợn đen thoát nghèo”, anh Ngọc Anh trăn trở.

Thèn Phàng hiện có 982 hộ (với 4.428 nhân khẩu) thì vẫn còn 682 hộ nằm trong danh sách hộ nghèo. 90% người dân sống bằng nghề trồng lúa. Đa phần sống trên núi cao, đi lại khó khăn, hiện vẫn còn những trường hợp phụ nữ sinh con tại nhà. Trong trường hợp khó sinh mới tìm đến trạm xá xã hay ra bệnh viện huyện. Sinh nở là chuyện hệ trọng nhưng họ vẫn chỉ trông vào người có kinh nghiệm mát tay của thôn bản.

Ông Ly Văn Chấn, cán bộ xã Thèn Phàng nói về cây cầu treo Cốc Pài chênh vênh nối hai bờ qua sông Chảy phía trước mặt chúng tôi, rằng cây cầu đã ba lần bị sập, giao thương chủ yếu bằng gùi cõng hàng trên lưng ngựa. Đó là chưa kể vào những ngày mưa lũ, cầu bị ngập chìm trong biển nước, nhiều học sinh không thể tới trường. Có những trường hợp người già không may bị đau ốm đột xuất đành phải cầu trời được bình an do đường sá bị chia cắt không thể tới bệnh viện. Chính vì vậy Thèn Phàng hay Cốc Pài, cũng như Xín Mần nói chung muốn phát triển rất cần tới một cây cầu mới vững chãi bắc ngang sông.

Đổi thay ở miền sơn cước

Chúng tôi đến Xín Mần đúng vào những ngày cây cầu Cốc Pài khánh thành và khai trương điểm du lịch cầu Cốc Pài. Đây là một trong những cây cầu được xây dựng bằng nguồn vốn vay của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và nguồn vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Nhìn từ xa cầu Cốc Pài, dài 337,28 m, hòa quyện với vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ. Cây cầu có trụ cao khoảng 65 m, sừng sững được xếp cao nhất tỉnh Hà Giang hiện nay, được chính quyền huyện Xín Mần định hướng là điểm nhấn để khai thác, thúc đẩy dịch vụ du lịch.

Cốc Pài - cây cầu nối đôi bờ ấm no của người Xín Mần. Ảnh: TRỌNG CHÍNH

Là huyện biên giới của tỉnh Hà Giang, Xín Mần có dân số hơn 58.000 người thuộc 16 dân tộc thiểu số, trong đó dân tộc Nùng chiếm 43%, dân tộc Mông chiếm 23%, còn lại là các dân tộc khác như: Dao, Tày, La Chí, Phù Lá, Kinh, Mường... Ông Hoàng Nhị Sơn - Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Xín Mần cho biết, địa bàn Xín Mần được bao quanh bởi các đèo cao, suối sâu nên kết nối giao thông với vùng lân cận và khu vực trung tâm rất khó khăn. Trước đây, để kết nối với tỉnh lỵ là thành phố Hà Giang (cách 160km), hoặc thành phố Lào Cai, người dân phải vượt qua sông Chảy qua chiếc cầu treo cũ, có trọng tải nhỏ, yếu. Việc xây dựng cầu mới giúp cải thiện kết nối giao thông giữa hai tỉnh Hà Giang và Lào Cai, cũng như giữa huyện Xín Mần và các địa phương lân cận. “Du khách đã đến Xín Mần nhiều hơn, nếu như sáu tháng đầu năm nay lượng khách đến Xín Mần chỉ 9.000 lượt người, thì thêm ba tháng nữa lượng khách lên đến 16.000 lượt người, trong đó khách quốc tế gần 2.600 lượt người”, ông Nhị Sơn nói.

Cùng với dự án xây cầu, những năm qua Xín Mần đã tìm nhiều hướng đi giúp người dân xóa đói, giảm nghèo. Một hướng là nhận sự hỗ trợ từ các dự án an sinh xã hội. Chẳng hạn như đề án “Tổ chức lại sản xuất theo hướng tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi đạt 35% giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2020” của huyện gắn với Nghị quyết 209 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang. Nhờ vận dụng linh hoạt các chính sách, nhất là chính sách phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa (hỗ trợ kịp thời lãi suất vốn vay cho các hộ mua trâu, bò quy mô từ ba con trở lên) đã trở thành nguồn lực khuyến khích các hộ dân mạnh dạn vay vốn, bỏ cách chăn nuôi cũ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và mở rộng quy mô chăn nuôi, làm tăng thu nhập cho gia đình và thoát nghèo bền vững.

Mới đây nhất, Quỹ phát triển kinh tế Cô-oét đang tới Xín Mần để thẩm định dự án “Phát triển đa mục tiêu vùng đồng bào dân tộc thiểu số các xã nghèo huyện Xín Mần”. Dự án này được xây dựng bởi hai hợp phần gồm: Xây dựng và cải tạo ba tuyến đường giao thông liên thôn, liên xã với tổng chiều dài 26 km; xây dựng năm hồ chứa nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất cho nhân dân trong vùng. Thông qua dự án, giúp cho hơn 37.570 người sinh sống tại 11 xã đặc biệt khó khăn trong vùng dự án được hưởng lợi trực tiếp và khoảng 18.000 người thuộc các xã lân cận được hưởng lợi gián tiếp. Hy vọng với tính hiệu quả và khả thi khi đi vào cuộc sống những dự án đóng góp một phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số của Xín Mần và của cả Hà Giang.

Cầu Cốc Pài (Hà Giang) là một trong những cây cầu thuộc Dự án tín dụng ngành giao thông giai đoạn 2 (do Bộ Giao thông vận tải là cơ quan chủ quản), được thực hiện từ năm 2013-2020 nhằm khôi phục và xây mới các cầu yếu trên hệ thống quốc lộ (mục tiêu xây dựng 76 cầu, trong đó dự án giai đoạn 1 đã hoàn thành xây dựng 144 cầu), để cải thiện điều kiện an toàn giao thông và nâng cao đời sống cho người dân.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/doi-song-xa-hoi/item/31257102-tim-huong-thoat-ngheo-o-xin-man.html