Tìm hiểu về tác hại của phenol

Phenol là chất rắn, tinh thể không màu, có mùi đặc trưng, nóng chảy ở 43 °C. Phenol rất độc, gây bỏng nặng khi rơi vào da.

* Xin cho biết phenol là chất gì và nó có tác hại như thế nào?

Bạn Dương Bích An (TP Đông Hà, Quảng Trị)

Phenol là chất rắn, tinh thể không màu, có mùi đặc trưng, nóng chảy ở 43 °C. Phenol là những hợp chất hữu cơ trong phân tử có nhóm OH liên kết trực tiếp với nguyên tử C vòng benzen. Để lâu ngoài không khí, phenol bị ôxi hóa một phần nên có màu hồng và bị chảy rữa do hấp thụ hơi nước. Phenol ít tan trong nước lạnh, tan trong một số hợp chất hữu cơ. Phenol rất độc, gây bỏng nặng khi rơi vào da. Phenol tan vô hạn ở 660C.

Phenol được phát hiện vào năm 1834, khi nó được chiết xuất từ nhựa than đá, đó là nguồn chính sản xuất phenol cho đến khi ngành công nghiệp hóa dầu phát triển. Các chất sát trùng mang đặc tính của phenol được sử dụng bởi Joseph Lister (1827-1912) trong kỹ thuật phẫu thuật tiên phong của ông dùng chất khử trùng, mặc việc tiếp xúc liên tục với phenol gây kích ứng da. Lister đã phủ những vết thương với một miếng giẻ hoặc vải thô được ngâm trong phenol.

Phenol cũng là thành phần hoạt chất trong một số thuốc giảm đau đường uống như Chloraseptic, đường xông hơi (phun) như Carmex. Nó cũng là thành phần chính của quả cầu khói Carbolic Ball, một thiết bị trên thị trường tại London vào thế kỷ 19 sử dụng để chống dịch bệnh cúm và các bệnh khác.

Vì rẻ tiền, dễ điều chế, gây ra cái chết nhanh chóng và êm dịu chỉ với 1 gram, phenol được sử dụng như một phương tiện giết người của Đức quốc xã trong thế chiến thứ hai từ năm 1939 đến những ngày cuối cùng của cuộc chiến.

Thời kỳ đó, Zyklon-B một phát minh của Gerhard Lenz, được sử dụng trong các phòng hơi ngạt để giết người với số lượng lớn, phát xít Đức còn dùng phenol tiêm cho từng nạn nhân để sát hại nhóm ít người như một biện pháp tiết kiệm kinh tế. Việc tiêm phenol được áp dụng với hàng ngàn người dân trong các trại tập trung.

Phenol là một chất độc cho con người. Nhiễm độc đường tiêu hóa từ 50 đến 500mg ở trẻ sơ sinh, và 1-5g ở người lớn là liều gây tử vong. Tử vong ở người lớn có kết quả sau khi nuốt chửng từ 1 đến 32g. Phenol được hấp thu nhanh chóng từ phổi vào máu.

May mắn là mùi phenol khó chịu nên thường chúng ta tránh được ngay khi ngửi. Nhiễm độc hay gặp nhất là tiếp xúc trực tiếp lên da, mắt: Tất cả các dạng phenol gây kích ứng, và các hiệu ứng độc cấp tính của phenol thường nhất xảy ra khi tiếp xúc với da. Ngay cả dung dịch phenol loãng từ 1% đến 2% cũng có thể gây bỏng nặng nếu tiếp xúc là kéo dài. Độc tính do tiếp xúc ở da, mắt tương đương như khi hít phải. Thường tử vong sau 30 phút tiếp xúc với da. Đường lây nhiễm thứ ba của phenol là đường tiêu hóa thông qua thức ăn bị nhiễm độc.

Ngoài tác dụng ăn mòn tại chỗ, tiếp xúc với phenol bằng bất cứ đường nào cũng có thể bị nhiễm độc toàn thân. Nhiễm độc toàn thân ảnh hưởng hệ thần kinh trung ương (CNS) gây co giật, hôn mê. Đây là nguyên nhân chính gây chết trong nhiễm độc phenol. Các triệu chứng khác gồm: buồn nôn, đau bụng, ói mửa, tiêu chảy, tăng methemoglobin máu, tan huyết, vả mồ hôi, tụt huyết áp, loạn nhịp tim, phù phổi… Nếu nhiễm độc phenol lâu dài có thể gây suy thận. Phenol là một chất độc cho bào thai (fetotoxic), nhưng không gây quái thai.

Nếu phenol đi vào cơ thể qua đường ăn uống thì cũng có thể sử dụng chính đường ăn uống để loại bỏ phenol (trừ trường hợp ngộ độc cấp tính). Nguyên lý chung vẫn là cung cấp cho cơ thể các dưỡng chất cần thiết để kích thích các cơ chế giải độc sẵn có. Như vậy các vitamin, chất khoáng, chất xơ là vô cùng thiết yếu. Một số loại gia vị, thảo dược dưới đây rất hữu ích trong việc này. Theo Đông y thì các thảo dược sau đây có tác dụng giải độc cho cơ thể: Thì là, rau má, rau diếp cá . Tuy nhiên, đã biết cá nhiễm phenol thì không nên sử dụng.

gs.ngnd nguyễn lân dũng

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/tim-hieu-ve-tac-hai-cua-phenol-post168163.html