Tìm giải pháp phòng ngừa tội phạm giết người

Khi phát sinh mâu thuẫn những người liên quan cần phải hết sức kiềm chế, cư xử nhã nhặn, giải quyết mâu thuẫn có tình có lý, thấm nhuần lời dạy của ông bà xưa: 'Một điều nhịn, chín điều lành'.

Hiện trường vụ hỗn chiến sau va chạm giao thông, 2 người chết

UBND tỉnh Bình Dương vừa tổ chức hội thảo khoa học về công tác phòng chống tội phạm giết người , cố ý gây thương tích trong tình hình hiện nay và đề ra một số giải pháp phòng ngừa.

Theo báo cáo của Công an tỉnh Bình Dương từ tháng 11.2013 đến nay trên địa bàn xảy ra 3.290 vụ phạm pháp hình sự, trong đó án giết người chiếm 121 vụ (đạt 3,7%), án cố ý gây thương tích chiếm 560 vụ (đạt 17%). Các vụ án giết người xảy ra do nguyên nhân xã hội chiếm đến 92% như ghen tuông tình ái, va chạm giao thông, mâu thuẫn trong xã hội kéo dài…

Va chạm giao thông mất 2 mạng người

Đại diện Công an Bình Dương cũng nêu ra một số vụ án mạng để dẫn chứng. Cụ thể, vào chiều 27.12.2015, anh Hoàng Đông (27 tuổi, ngụ Quảng Bình) chở vợ bằng xe gắn máy đi trên đường ĐT743 thuộc P.An Phú (TX.Thuận An) thì xảy ra va chạm với xe gắn máy của anh Nguyễn Văn Mậu (31 tuổi, ngụ Nghệ An) đang chở bạn gái lưu thông theo chiều ngược lại. Sau khi va chạm, hai bên đã lao vào nhau cự cãi, đồng thời kêu thêm người (mỗi bên gọi 5-6 người) quen đến hiện trường và xảy ra xô xát. Sau đó, hai bên đồng ý thương lượng bồi thường. Tại tiệm sửa xe, Mậu đồng ý bồi thường cho anh Đông 470.000 đồng nhưng người này đòi thêm 400.000 đồng. Lời qua tiếng lại, hai nhóm tiếp tục lao vào xô xát, hậu quả anh Đông và Trương Văn Khỏe (22 tuổi) bị đâm chết và nhiều người khác bị thương.

Vào tối ngày 16.2.2016, ông Nguyễn Văn Cu (49 tuổi, ngụ ấp Hiệp Thọ, xã Định Hiệp, H.Dầu Tiếng, Bình Dương) tổ chức đánh bài với điều kiện ai thua thì phải dẫn đi ăn lẩu. Lúc này, người con là Nguyễn Thành Tâm (28 tuổi, bị câm bẩm sinh) ra hiệu cho ông Cu xin được đánh bài. Ông Cu không đồng ý liền bị Tâm cầm dao đâm vào bụng làm người cha tử vong .

Đoàn, thể không đứng ngoài cuộc

Để giảm thiểu số vụ giết người và cố ý gây thương tích, đại diện Ủy ban MTTQ VN tỉnh Bình Dương cho rằng cần tăng cường phối hợp giữa công an và các ngành liên quan trong công tác tuyên truyền phổ biến cho người dân ý thức chấp hành pháp luật; đẩy mạnh và nhân rộng các mô hình CLB phòng chống tội phạm ở các địa phương. Trong khi đó, đại diện Tỉnh Đoàn Bình Dương đóng góp: “Các ĐVTN khi tham gia phòng chống tội phạm cũng phải biết cách tuyên truyền phổ biến pháp luật, cảm hóa, giáo dục thanh thiếu niên chậm tiến. Thực hiện tốt công tác phối hợp giữa nhà trường, gia đình và địa phương trong việc giáo dục nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho ĐVTN”

Khoảng 13 giờ ngày 18.6.2016, Nguyễn Thị Bé Ni cùng Nguyễn Thành Chên tổ chức uống rượu tại phòng trọ ở KP.Hòa Long, P.Lái Thiêu (TX.Thuận An). Khi thấy Phan Thành Đạt (người làm chung với Chên) đi ngang thì Chên gọi vào uống rượu. Vì xã giao, anh Đạt uống một ly rượu rồi đến gặp anh Nguyễn Hữu Hạnh đang ngồi trước phòng trọ của mình. Sau đó Ni lên tiếng gọi Đạt quay lại uống tiếp. Thấy vậy, anh Hạnh lên tiếng “Tụi bây là cái gì mà kêu em tao uống rượu”. Thế là xảy ra mâu thuẫn, dẫn đến xô xát, Ni đã dùng hung khí đâm chết anh Hạnh.

Một điều nhịn, chín điều lành

Thượng tá Đặng Hữu Phương, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương cho rằng nói: “Khi phát sinh mâu thuẫn những người liên quan cần phải hết sức kiềm chế, cư xử nhã nhặn, giải quyết mâu thuẫn có tình có lý, thấm nhuần lời dạy của ông bà xưa “Một điều nhịn, chín điều lành”. Người trong cuộc cũng phải có trách nhiệm can ngăn, động viên, kéo các bên đi nơi khác để giảm cường độ gay gắt của các bên xung đột, ngăn ngừa hậu quả xấu; kịp thời báo chính quyền địa phương khi không thể giải quyết được mâu thuẫn trong êm đẹp”.

Còn đại tá Nguyễn Văn Kim, Phó giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai cho rằng: “Cần phải phòng ngừa từ gốc, từ những nguyên nhân làm phát sinh tội phạm. Đó chính là việc tạo ra môi trường sống lành mạnh, an toàn, con người được giáo dục, có văn hóa, đạo đức, tôn trọng pháp luật, mạng sống của người khác”.

Liên quan đến các nghiệp vụ của công an trong công tác phòng ngừa tội phạm, đại tá Vũ Tiến Sỹ, Trưởng khoa Cảnh sát hình sự (Trường ĐH Cảnh sát Nhân dân) cho rằng: “Công an cần phải kết hợp chặt chẽ với các đoàn thể, ban ngành ở địa phương để phát hiện và hòa giải kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong nội bộ gia đình, khu dân cư. Ngoài ra, công an còn phải kết hợp với Viện Kiểm sát, Tòa án kịp thời điều tra, xét xử đúng pháp luật các mối quan hệ xã hội phát sinh cần sự điều chỉnh của pháp luật; đồng thời tăng cường xét xử lưu động để vừa tuyên truyền cho người dân vừa mang tính răn đe với những mầm mống phát sinh hành vi phạm tội”.

Đỗ Trường

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/tim-giai-phap-phong-ngua-toi-pham-giet-nguoi-764907.html