Tìm giải pháp khai thác hợp lý nguồn tài nguyên nước

Ngày 22-3, một hội thảo do Sở Tài nguyên & Môi trường TP Đà Nẵng đã được tổ chức nhân ngày Nước thế giới 22-3 đã thu hút nhiều nhà khoa học và các ngành chức năng để tìm giải pháp khai thác, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn TP Đà Nẵng.

Bà Đặng Nguyễn Thục Anh, Phòng Tài nguyên nước, Sở TN&MT nhìn nhận, trừ sông Phú Lộc, hiện nay các sông trên địa bàn TP vừa là nguồn cung cấp nước, đồng thời là nơi tiếp nhận nước thải từ các hoạt động canh tác nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất công nghiệp, khai khoáng và nước thải đô thị. Đây là nguyên nhân chính làm cho nước sông bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người. Bên cạnh đó, tình trạng nhiễm mặn và thiếu nước diễn ra trong mùa cạn do tác động của các hoạt động trên lưu vực sông Vu Gia-Thu Bồn cho thấy nguồn nước mặt đang bị hao hụt về khối lượng, suy giảm về chất lượng để sử dụng.

Trong khi đó, TS Tô Thúy Nga quan ngại khi đề cập đến việc nhiễm mặn, bởi lẽ, nước ngầm đã bị nhiễm mặn “cổ” ở một số nơi phía Nam sông Cu Đê, phía Nam sông Hàn, sông Cầu Đỏ với diện tích nhiễm mặn khá rộng. Các bãi giếng gần biển tại Q.Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà có nguy cơ nhiễm mặn sau khoảng 10 năm khai thác. TS Nga cho rằng, trong tương lai, Đà Nẵng và Quảng Nam có khả năng sẽ xây dựng các đập dâng kiên cố trên sông Vĩnh Điện và trên sông Cầu Đỏ sẽ có tác động đến vùng hạ lưu đập ngăn mặn. Do đó, cần có những nghiên cứu quy mô hơn bài toán nước ngầm có sự tương tác độ mặn biển cũng như độ mặn gia tăng dọc 2 bờ sông trong tương lai.

Ông Bùi Thọ Ninh, Trưởng Phòng Kế hoạch, Cty CP Cấp nước Đà Nẵng thừa nhận, việc khai thác nước ngầm quá mức trong khi nguồn bổ sung bị suy giảm sẽ gây ra nhiều hệ lụy. Nếu không có các biện pháp quản lý, giám sát chặt chẽ có thể dẫn đến sự suy thoái và ô nhiễm nguồn nước ngầm. Ông Ninh cho biết, công suất khai thác hiện nay của Cty có thể đạt mức tối đa là 250.400m3/ngày và sẽ được nâng lên trong những năm tiếp theo để đáp ứng nhu cầu dùng nước của TP.

TS Nguyễn Thị Minh Phương, Trưởng Khoa Môi trường và Công nghệ, Trường Đại học Duy Tân đề nghị: Trong ngắn hạn, dừng ngay các hoạt động làm cạn kiệt nguồn nước dưới đất cho đến khi nó được phục hồi. Tính toán sự thay đổi giao diện giữa nước ngọt và nước mặn gắn tính toán tốc độ sụt lở và quy mô sụt lở. Về dài hạn, cần tính toán trữ lượng nước và khả năng tái tạo để có thể khai thác bền vững.

P.V

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/119_163517_tim-giai-phap-khai-thac-hop-ly-nguon-tai-nguyen-nu.aspx