Tìm giải pháp hạn chế mũ bảo hiểm kém chất lượng

(VEN) - Tiến sĩ Terry Smith - chuyên gia quốc tế về an toàn giao thông đường bộ và mũ bảo hiểm, người vào năm 2000 đã cùng Quỹ Phòng chống thương vong châu Á (Quỹ AIP) hỗ trợ chính phủ Việt Nam phát triển tiêu chuẩn quốc gia về mũ bảo hiểm - TVCN 5756, vừa có chuyến công tác đến Hà Nội và TP.HCM từ ngày 10-17/6 nhằm đánh giá và tư vấn cho các phòng thí nghiệm mũ bảo hiểm tại Việt Nam.

Đồng thời, ông cũng đã có cuộc gặp và làm việc với đại diện Ủy ban An toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) về các giải pháp loại trừ mũ bảo hiểm kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn trên thị trường.

Tiến sĩ Smith hiện đang là thành viên trong Ban cố vấn của Quỹ AIP, tổ chức phi chính phủ hoạt động với mục tiêu ngăn chặn thương vong do tai nạn giao thông gây ra tại Việt Nam và các nước đang phát triển. Quỹ AIP sở hữu nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm nhiệt đới Protec. Nhà máy có phòng thử nghiệm mũ bảo hiểm và là 1 trong 4 phòng thử nghiệm mũ bảo hiểm hiện đại nhất tại Việt Nam. Phòng thử nghiệm này cho phép Protec kiểm tra mũ bảo hiểm xe máy do chính mình sản xuất cũng như của các nhà sản xuất khác theo tiêu chuẩn QCVN2: 2008/BKHCN nhằm bảo vệ người sử dụng trong trường hợp có tai nạn xảy ra.

Trong chuyến làm việc này, tiến sĩ Smith sẽ tiến hành đánh giá các thiết bị của phòng thí nghiệm Protec để đảm bảo các thiết bị này đều vận hành tốt, và đối chiếu các thiết bị của phòng thử nghiệm Protec với những phòng thử nghiệm mũ bảo hiểm đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 17025. Tiến sĩ Smith cũng sẽ đến thăm ba phòng thử nghiệm còn lại do Nhà nước quản lý trong chuyến làm việc này.

Tiến sĩ Smith cho biết “Mũ bảo hiểm kém chất lượng hiện đang có mặt khá rộng rãi trên thị trường Việt Nam, theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, ở một số vùng con số này có thể lên đến 80%. Người mua những chiếc mũ bảo hiểm cho bản thân hoặc cho người thân có thể chưa hiểu được mức độ nguy hiểm khi đội một chiếc mũ bảo hiểm kém chất lượng hoặc đơn giản là họ chỉ đội để tránh bị xử phạt. Dù là lí do nào thì họ cũng đang tự đem tính mạng của bản thân hoặc người thân đối mặt với nguy cơ chấn thương đầu do tai nạn giao thông”.

Tiến sĩ Smith từng tiến hành nhiều cuộc kiểm tra độc lập cho các nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm từ năm 1987. Năm 2003, ông thành lập Viện nghiên cứu động lực học (DRI) nhằm kiểm tra lực va đập của mũ bảo hiểm và cấp chứng nhận sản phẩm cho nhiều nhà máy sản xuất mũ bảo hiểm và các cơ quan quản lý. Phòng thử nghiệm của ông được chứng nhận tiêu chuẩn ISO 17025 và hiện đang là một trong số rất ít các phòng thử nghiệm đáp ứng đủ tiêu chuẩn của Luật Cải thiện An toàn cho các sản phẩm tiêu dùng (CPSIA) để kiểm tra chức năng mũ bảo hiểm dành cho xe đạp. Từ nền tảng kinh nghiệm trong lĩnh vực thiết kế mũ bảo hiểm và sinh học thương vong, ông tiếp tục tham gia làm cố vấn kỹ thuật cho nhiều cơ quan tiêu chuẩn quốc tế cũng như hỗ trợ thiết lập các cơ sở thử nghiệm mũ bảo hiểm tại Canada, Hoa Kỳ, Thái Lan và Việt Nam, và gần đây nhất là làm việc với Sáng kiến Vắc-Xin Mũ bảo hiểm toàn cầu nhằm giới thiệu những tiêu chuẩn mũ bảo hiểm mới tại Uganda và Tanzania.

Phó Chủ tịch Chuyên trách UBATGTQG Nguyễn Hoàng Hiệp chia sẻ: “Chúng tôi rất mong được gặp và thảo luận với tiến sĩ Smith, hy vọng với những kinh nghiệm của ông, chúng tôi sẽ có được những kế hoạch đảm bảo tất cả mũ bảo hiểm được bán tại Việt Nam đều đạt tiêu chuẩn. Việt Nam rất tự hào khi là một trong số ít quốc gia trên thế giới có tiêu chuẩn mũ bảo hiểm dành riêng cho trẻ em và phù hợp với điều kiện khí hậu tại Việt Nam. Việc phát triển một tiêu chuẩn như vậy là vô cùng cần thiết khi xe máy chiếm 95% các phương tiên cơ giới tại Việt Nam”.

Bảo vệ trẻ em Việt Nam là một trong những lý do UBATGTQG hợp tác với Quỹ AIP, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Cục Cảnh sát giao thông đường bộ đường sắt trong chiến dịch khuyến khích đội mũ bảo hiểm ở trẻ em với tên gọi “Trẻ em cũng cần đội mũ bảo hiểm”. Một đoạn phim tuyên truyền cũng sẽ được phát sóng trên đài truyền hình của 63 tỉnh thành khắp cả nước, nối tiếp sau nhiều tháng với các hoạt động khác như gắn kết cộng đồng, tổ chức hội thảo cũng như các chiến dịch truyền thông đa chiều tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng./.

Hoàng Anh

Nguồn VENO: http://www.ven.vn/tim-giai-phap-han-che-mu-bao-hiem-kem-chat-luong_t77c440n29416tn.aspx