Tìm giải pháp chống buôn lậu thuốc lá địa bàn trọng điểm phía Nam

Vào lúc 8h ngày 7-10, tại TP Hồ Chí Minh, Báo Công an nhân dân, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) và Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an tổ chức tọa đàm với chủ đề “An toàn – hiệu quả trong phòng chống buôn lậu thuốc lá địa bàn trọng điểm phía Nam”.

Dự và đồng chủ trì buổi Tọa đàm có ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia; Trung tướng Đồng Đại Lộc - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an; Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo CAND.

Về phía đại biểu khách mời có ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) - Bộ Công thương; đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu - Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an; đại diện lãnh đạo Ban chỉ đạo 389, Bộ đội Biên phòng, Cục Hải quan, Phòng Cảnh sát Kinh tế và Chi cục QLTT các địa phương Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An, Tây Ninh và TP Hồ Chí Minh...

Phát biểu đề dẫn tại buổi tọa đàm, Thiếu tướng Phạm Văn Miên, Tổng biên tập Báo CAND cho biết: Tại các tỉnh biên giới phía Nam, dù các lực lượng chống buôn lậu luôn nỗ lực, song tình hình buôn lậu thuốc lá điếu chỉ tạm lắng trong một thời gian ngắn. Gần đây, hoạt động buôn lậu thuốc lá có dấu hiệu nóng trở lại.

Thiếu tướng Phạm Văn Miên phát biểu đề dẫn buổi Tọa đàm.

Đối tượng vận chuyển, buôn bán thuốc lá lậu gần như công khai, thách thức các lực lượng chống buôn lậu. Không chỉ mang vác, vận chuyển bằng phương tiện thô sơ như lâu nay, đối tượng buôn lậu thuốc lá giờ đây dùng cả ô tô, taxi, xe tải, thậm chí xe biển xanh hóa giá từ cơ quan nhà nước để vận chuyển thuốc lá qua biên giới, tuồn sâu vào nội địa.

Tình trạng đối tượng buôn lậu thuốc lá tổ chức thành nhóm điều khiển xe máy chở hàng lậu di chuyển trên đường với tốc độ cao, gây TNGT cho người dân gây bất bình trong dư luận. Nghiêm trọng và đáng ngại hơn, các đối tượng sẵn sàng chống trả lực lượng chống buôn lậu nếu như bị phát hiện, ngăn chặn.

Cách nay chưa lâu, cụ thể vào trung tuần tháng 9-2016 vừa qua, đã xảy ra vụ đối tượng trong khi tổ chức cướp lại số thuốc lá lậu đã dùng cây đánh chết anh Nguyễn Kim Danh, cán bộ Đội QLTT số 1, Chi cục QLTT tỉnh Long An… "Thực tế này cho thấy tính chất cam go, phức tạp trong cuộc chiến chống buôn lậu” - Thiếu tướng Phạm Văn Miên nhấn mạnh.

Các đại biểu dự Tọa đàm.

Theo Thiếu tướng Phạm Văn Miên, mồ hôi, công sức và giờ đây, có cả máu, tính mạng của lực lượng chống buôn lậu thuốc lá đã đổ, ngã xuống, song, bức tranh về cuộc chiến chống thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn chưa phải mang gam màu sáng. Tình trạng thuốc lá điếu ngoại nhập lậu vào với số lượng ngày càng tăng đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đất nước, cụ thể là gây thất thu thuế nặng nề cho ngân sách. Năm 2012, con số thất thu thuế khoảng 6.500 tỉ đồng, sang năm 2013 là 6.700 tỉ đồng và hai năm gần đây, con số này đã lên đến 10.000 tỉ đồng mỗi năm.

“Buôn lậu thuốc lá mang lại lợi nhuận cho giới buôn lậu chỉ đứng sau buôn bán ma túy. Và đây cũng chính là nguyên nhân khiến cuộc chiến chống thuốc lá ngoại nhập lậu vẫn sẽ còn tiếp tục cam go, quyết liệt” - Thiếu tướng Phạm Văn Miên cho biết thêm.

Về mục đích mà Báo CAND chủ trì cuộc Tọa đàm hôm nay, Thiếu tướng Phạm Văn Miên “là muốn lắng nghe, ghi nhận thêm kết quả đấu tranh phòng chống buôn lậu thuốc lá từ các địa phương, các đơn vị, lực lượng chức năng. Thông qua đó, ghi nhận những khó khăn, vất vả cũng như những đề xuất, hiến kế hay của các địa phương, lực lượng chống buôn lậu thuốc lá nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả…

* Khó khăn đối phó với thủ đoạn tinh vi của đối tượng buôn lậu

Phát biểu tại buổi tọa đàm, Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã nêu lên thực trạng, các chủ trương, giải pháp, kết quả công tác của lực lượng Cảnh sát chống buôn lậu – Bộ Công an và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả, an toàn cho lực lượng chống buôn lậu thuốc lá điếu ngoại nhập.

Đề cập đến thực trạng tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, Trung tướng Đồng Đại Lộc cho rằng trong những năm gần đây tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng thuốc lá diễn ra trên cả ba tuyến biên giới Trung Quốc, Lào và Campuchia.

Lực lượng CSGT phát hiện, thu giữ thuốc lá lậu.

Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, mỗi năm có gần 1 tỷ bao thuốc lá lậu tiêu thụ trong nước, gây thất thu cho ngân sách nhà nước trên 10.000 tỷ đồng, mất việc làm cho khoảng 1 triệu nông dân, công nhân ngành thuốc lá. Riêng buôn lậu là thuốc lá, chủ yếu diễn ra tại 1 số tỉnh biên giới phía Bắc, gây thất thu cho ngân sách hàng năm ước tính trên 1 nghìn tỷ đồng.

Thủ đoạn chủ yếu là nhập thuốc lá vào khu kinh tế cửa khẩu, hợp thức hóa việc bán hàng cho cư dân biên giới để vận chuyển vào nội địa. Thuốc lá từ Lào nhập lậu vào Việt Nam còn được các đầu nậu thuê người gửi cõng hàng hóa qua các trạm kiểm soát hoặc dùng thuyền máy vận chuyển hàng dọc theo bờ sông, lợi dụng trời tối, địa hình phức tạp đưa thuốc lá vào điểm tập kết và chia nhỏ, xé lẻ thuốc lá cất giấu hoặc gia cố trên các phương tiện xe khách, xe tải và các loại phương tiện khác.

Các đối tượng buôn lậu thường sử dụng các phương thức thủ đoạn phổ biến là lợi dụng địa hình biên giới phức tạp, có nhiều kênh rạch, đường mòn, lối tắt, dùng lợi ích vật chất lôi kéo nhân dân tham gia vận chuyển thuốc lá lậu qua biên giới để cất giấu, tập kết, chuyển sâu vào nội địa.

Các đầu nậu thường thuê người theo dõi lực lượng chức năng để báo cho đồng bọn tẩu tán hàng hóa khi các lực lượng chức năng tổ chức bắt giữ.…

Tại địa bàn phía Bắc, tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới diễn ra chủ yếu tại các tỉnh Cao Bằng, Quảng Ninh, Lào Cai. Tại địa bàn miền Trung, buôn lậu chủ yếu diễn ra ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Trị…Trên tuyến biên giới Tây Nam, tình hình nghiêm trọng chủ yếu diển ra tại các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Trung tướng Đồng Đại Lộc - Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an
phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Để phòng, chống buôn lậu thuốc lá, Bộ Công an đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương mở nhiều cao điểm, đồng loạt ra quân tấn công trấn áp các loại tội phạm buôn lậu.

Tổng cục Cảnh sát đã tham mưu với lãnh đạo Bộ Công an tổ chức nhiều đoàn công tác để kiểm tra đôn đốc Công an các địa phương triển khai thực hiện Chỉ thị số 30 của Thủ tướng Chính phủ; tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương huy động sức mạnh của hệ thống chính trị vào cuộc, vận động quần chúng nhân dân không tham gia buôn lậu, vận chuyển hàng lậu và tích cực tố giác tội phạm.

Phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng chống buôn lậu của Bộ Công an với lực lượng chống buôn lậu của Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển, Quản lý thị trường, cơ quan Thuế và Thanh tra ngành trao đổi thông tin tội phạm, chủ động nắm chắc tình hình địa bàn, tuyến trọng điểm để bắt giữ xử lý các vụ buôn lậu thuốc lá, tạo thành một mặt trận thống nhất, rộng rải để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ.

Tiêu hủy thuốc lá lậu.

Trong 2 năm qua (10/2014 – 9/2016) lực lượng Công an cả nước đã phát hiện bắt giữ 3.979 vụ, tịch thu hơn 9 triệu bao thuốc lá lậu các loại, khởi tố 327 vụ, và 438 bị can. Riêng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm buôn lậu C74 từ khi được thành lập vào tháng 6-2015 đến nay đã phát hiện bắt giữ 16 vụ thu giữ 264.770 bao thuốc lá lậu các loại và 206,5 tấn nguyên liệu thuốc lá lậu.

* Giải pháp nào?

Để hạn chế, khắc phục tình hình buôn lậu nghiêm trọng như trên, Trung tướng Đồng Đại Lộc nêu lên một số giải pháp nâng cao hiệu quả, an toàn cho lực lượng chống buôn lậu thuốc lá điếu ngoại nhập.

Trung tướng Đồng Đại Lộc nhấn mạnh, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng nhân dân về quyền và nghĩa vụ trong việc tham gia đấu tranh, chống buôn lậu nói chung, không được bao che, tiếp tay cho hoạt động buôn lậu.

Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cần làm tốt công tác quản lý, giáo dục đối tượng tại địa bàn, nắm chắc di biến động của đối tượng để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời. Phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thanh truyền hình tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật của nhà nước và răn đe các đối tượng buôn lậu hoặc tiếp tay cho hoạt động buôn lậu…

Các đại biểu dự tọa đàm.

* Phải xem xét lại nguyên tắc bí mật trong đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá

Tham luận với chủ đề “An toàn và hiệu quả” trong việc ngăn chặn thuốc lá lậu, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia nhấn mạnh, ngoài việc sẵn sàng tấn công lực lượng thi hành công vụ, sự liều lĩnh của đối tượng buôn lậu thuốc lá khi điều khiển phương tiện vận chuyển với tốc độ cao còn có thể gây tai nạn trên đường vận chuyển hoặc trốn chạy lực lượng kiểm tra.

Do đó, muốn đấu tranh an toàn và hiệu quả, các lực lượng đấu tranh chống thuốc lá lậu, các lực lượng phải phối hợp chặt chẽ để tăng cường sức mạnh, đủ sức chống lại số đông hoặc các băng nhóm buôn lậu.

PGS-TS Đàm Thanh Thế, Chánh văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Về tồn tại của vấn nạn buôn lậu thuốc lá, ông Đàm Thanh Thế đặt vấn đề, công tác nắm tình hình, quản lý đối tượng, nắm di biến động của đối tượng được làm hết sức chặt chẽ, nhưng tại sao đối tượng buôn lậu thuốc lá vẫn tồn tại? Việc quản lý địa bàn cũng đã được phân công cụ thể giữa lực lượng Hải quan và Biên phòng, tại sao buôn lậu thuốc lá vẫn vượt biên để vào trong nước?

Thậm chí, nguyên tắc bí mật trong ngăn chặn thuốc lá lậu cũng có vấn đề cần xem xét khi hễ cứ có đoàn kiểm tra xuống là buôn lậu thuốc lá qua biên giới tạm lắng, nhưng khi lực lượng kiểm tra rút đi các đối tượng là buôn lậu lại hoành hành trở lại…

* Kinh nghiệm của Bộ đội biên phòng Tây Ninh

Đại tá Lê Hồng Vương, Phó chỉ huy trưởng Bộ đội biên phòng tỉnh Tây Ninh phát biểu tham luận.

Phát biểu tham luận, Đại tá Lê Hồng Vương- Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Tây Ninh chia sẻ kinh nghiệm trong đấu tranh chống buôn lậu, thuốc lá điếu trên địa bàn.

Do có sự chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, tình hình buôn lậu ở Tây Ninh từ năm 2013 đến nay đã giảm nhiệt đáng kể. Lực lượng BĐBP đã xây dựng 11 chốt thường trực 24/24h có nhà tiền chế bố trí lực lượng đóng chốt tại chỗ.

BCH Bộ đội Biên phòng Tây Ninh quyết liệt trong đấu tranh nội bộ, chống câu móc, bảo kê buôn lậu và xử lý nghiêm những vi phạm. Liên quan đến công tác phối hợp giữa chính quyền địa phương các tỉnh huyện giáp ranh như Đức Huệ (Long An) và Trảng Bàng (Tây Ninh), các lực lượng chức năng 2 địa phương, BĐBP Tây Ninh cho biết rất cần phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa hai địa phương về công tác quản lý đối tượng người dân tham gia vận chuyển tiếp tay cho buôn lậu thuốc lá.

Trong đó, có một số người dân mang quốc tịch Campuchia và có lúc cao điểm số thuốc lá vận chuyển từ Đức Huệ qua Phước Chỉ (Trảng Bàng) khoảng 200 thùng/ngày đêm. Phát huy hiệu quả trong công tác đấu tranh, BĐBP Tây Ninh thường xuyên tổ chức khen thưởng, động viên khích lệ tinh thần CBCS nêu gương dũng cảm, liêm khiết trong đầu tranh phòng chống buôn lậu, đặc biệt là buôn lậu thuốc lá.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

* Đề xuất xử lý hình sự khi buôn lậu 500 bao thuốc lá điếu trở lên

Ông Võ Thiện Ngộ - Phó Chi cục Trưởng CCQLTT Long An: Tại tỉnh Long An, tình trạng vận chuyển, tàng trữ, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn, tính chất quy mô và mức độ vi phạm ngày càng nghiêm trọng.

Các đối tượng buôn lậu thuốc lá hoạt động theo đường dây, ổ nhóm, sử dụng xe máy, xuồng máy, xe ô tô vận chuyển số lượng lớn chạy tốc độ cao. Các đối tượng đầu nậu còn câu kết, kích động các đối tượng vận chuyển thuê chống đối, cản trở, hành hung lực lượng làm nhiệm vụ để cướp lại hàng hóa, tang vật vi phạm. Buôn lậu thuốc lá diễn ra chủ yếu ở huyện Đức Huệ và địa bàn trung chuyển huyện Đức Hòa.

Do đây là địa bàn tiếp giáp giữa Long An, Tây Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh nên hình thành nhiều băng nhóm, đường dây buôn lậu có tổ chức, đồng thời đây cũng là địa bàn tập trung nhiều đối tượng manh động, chống đối lực lượng làm nhiệm vụ.

Ông Võ Thiện Ngộ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Long An phát biểu tại buổi Tọa đàm.

Các đối tượng buôn lậu thường chọn thời điểm để vận chuyển thuốc lá lậu ban đêm nhiều hơn ban ngày và vận chuyển chủ yếu tuyến đường sông vì sẽ vận chuyển được số lượng hàng lớn, khoảng 5-6 ngàn gói.

Ngoài lượng thuốc lá ngoại nhập lậu qua biên giới của huyện Đức Huệ, còn có một lượng khá lớn thuốc lá ngoại được nhập lậu qua biên giới thuộc địa bàn xã Phước Chỉ (huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) giáp xã Mỹ Quý Đông (huyện Đức Huệ, Long An) vận chuyển theo tuyến đường thủy ra sông Vàm Cỏ Đông qua xã Lộc Giang và kênh Thầy Cai (huyện Đức Hòa, Long An) vào địa bàn các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh…(Thành phố Hồ Chí Minh) và các tỉnh lân cận để tiêu thụ.

Tính đến thời điểm tháng 9-2016, lực lượng QLTT phát hiện, xử lý tịch thu 139.299 gói thuốc lá ngoại. Trong đó, chuyển cơ quan Công an điều tra khởi tố 01 vụ vận chuyển thuốc lá ngoại tang vật 13.000 gói thuốc lá.

Khó khăn trong công tác chống buôn lậu hiện nay: Đó là biên chế làm nhiệm vụ chống lậu của các lực lượng chức năng rất mỏng. Các điều kiện vật chất phục vụ cho công tác chống lậu như ca nô, công cụ hỗ trợ chưa được trang bị đầy đủ cho các Đội QLTT; Ngoài ra, Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ, quy định hành vi buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu số lượng từ 500 bao trở lên thì truy cứu trách nhiệm hình sự.

Các đại biểu dự Tọa đàm

Trong khi đó, Thông tư liên tịch số 36/2012/BCT-BCA-BYT-VKSNDTC-TANDTC quy định số lượng từ 1.500 bao trở lên. Do sự chồng chéo trong hệ thống văn bản như trên nên việc bắt giữ các đối tượng vận chuyển 500 bao thuốc lá điếu trở lên vẫn không khởi tố hình sự được.

Để công tác chống buôn lậu thuốc lá hiệu quả, đại diện QLTT Long An kiến nghị về việc xem xét cho bổ sung thêm biên chế lực lượng; trang bị bổ sung các điều kiện vật chất để phục vụ công tác chống lậu và nhất là phải bảo vệ an toàn về con người trong quá trình thực thi công vụ.

Ngoài ra, cần sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 36/2012/TTLT-BCT-BCA-BTP-BYT-TANDTC-VKSNDTC quy định về số lượng thuốc lá thuốc lá lậu làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, phù hợp với quy định tại Nghị định số 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ là từ 500 bao thuốc lá lậu trở lên thay cho quy định là 1.500 bao trở lên.

Ông Nguyễn Thanh Toàn, Phó Cục trường Cục Hải quan tỉnh Đồng Tháp phát biểu tham luận tại buổi tọa đàm.

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/bao-cand-chu-tri-toa-dam-an-toan-hieu-qua-trong-phong-chong-buon-lau-thuoc-la-dia-ban-trong-diem-phia-nam-411438/