Tìm giải pháp cấp nước cho đồng bằng sông Cửu Long

Theo quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) dự báo tổng nhu cầu sử dụng nước đến năm 2020 cần khoảng 1.970.000 m3/ngày; đến 2025 cần khoảng 2.650.000 m3/ngày và đến năm 2030 con số này sẽ là 3.270.000 m3/ngày. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn nghiêm trọng như hiện nay nếu không có giải pháp hiệu quả thì nguy cơ người dân ĐBSCL đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch

Nước sạch thiếu trầm trọng

Tác động của biến đổi khí hậu đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu vực ĐBSCL. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2016, ĐBSCL hứng chịu đợt hạn hán và xâm nhập mặn nặng nề nhất trong vòng 100 năm qua. Gây thiệt hại hơn 160.000 ha lúa, tương đương 800.000 tấn lúa bị mất trắng. Hạn hán xâm nhập mặn cũng đã ảnh hưởng lớn đến việc cấp nước sinh hoạt cho một số khu vực nhất là các vùng chưa có công trình cấp nước tập trung và hiện đã có 250.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt.

Hệ thống sông Tiền đang bị xâm nhập mặn rất nghiêm trọng.

Do nguồn nước cạn kiệt kể cả phụ thuộc vào các quốc gia ở thượng nguồn, tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngày càng tăng cả về mức độ, quy mô và chất lượng trong khi đó sự gia tăng dân số, phát triển công nghiệp và tốc độ đô thị hóa ngày một cao khiến nhu cầu nước ngày càng gia tăng. Điều này đang là những thách thức lớn đến việc bảo đảm cấp nước an toàn cho vùng ĐBSCL.

Mặt khác, hiện tượng xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trên diện rộng ở khắp ĐBSCL. Số liệu thống kê vào tháng 4/2016 cho thấy, tại khu vực sông Vàm Cỏ độ mặn lớn nhất so với cùng kỳ 2015 cao hơn từ 2,6-3 g/l, chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với nồng độ 4 g/l khoảng 100-200 km. Khu vực các cửa sông Tiền, độ mặn lớn nhất so với cùng kỳ 2015 cao hơn từ 0,2-10,4 g/l, chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với nồng độ 4 g/l khoảng 50-73 km; khu vực ven biển Tây, độ mặn lớn nhất so với cùng kỳ 2015 cao hơn từ 2,2-7,4g/l, chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất 4 g/l khoảng 68 km. Ở khu vực các cửa sông thuộc sông Hậu, độ mặn lớn nhất so với cùng kỳ 2015 cao hơn từ 3,8-6,4g/l, chiều sâu xâm nhập mặn lớn nhất với nồng độ 4 g/l khoảng 55-60 km.

Cần giải pháp tổng thể

Theo PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng, để khắc phục tình trạng xâm nhập mặn, một số đơn vị cấp nước các tỉnh thực hiện nhiều giải pháp. Tỉnh Kiên Giang đầu tư khẩn cấp 9 trạm khai thác nước ngầm với gần 20 giếng khoan, nghiên cứu giải pháp đầu tư nâng cấp hồ trữ nước tại TP.Rạch Giá lên 1 triệu m3/ngày. Tại Bến Tre huy động phương tiện vận chuyển nước cung cấp cho người dân và công trình công cộng trên địa bàn, đẩy nhanh tiến độ thi công trạm bơm nước thô 47.000 m3/ngày. Ưu tiên khai thác, sử dụng nguồn nước mặt từ hệ thống sông Tiền và sông Hậu cấp cho nhu cầu sinh hoạt và sản xuất. Từng bước giảm khai thác nguồn nước ngầm quy mô vừa và lớn đối với các khu vực có nguồn nước mặt thuận lợi hoặc có hệ thống cấp nước quy mô vùng liên tỉnh. Đối với nguồn nước mưa cần xây dựng hồ lưu trữ, kết hợp với hệ thống thủy lợi xây dựng hồ trữ nước quy mô lớn, đa mục tiêu cung cấp nước sinh hoạt và sản xuất.

Về giải pháp dài hạn, PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến cũng cho biết thêm, đến năm 2025, ĐBSCL phải hoàn thành xây dựng các nhà máy nước. Cụ thể, nhà máy nước liên vùng sông Tiền 1 công suất 100.000 m3/ngày; nhà máy nước liên vùng sông Tiền 2 200.000 m3/ngày; cụm nhà máy nước sông Hậu 1 công suất 400.000 m3/ngày; sông Hậu 2 công suất 200.000 m3/ngày, sông Hậu 3 công suất 100.000 m3/ngày.

Song song với các giải pháp này, ĐBSCL cũng cần phải chú trọng đến các giải pháp về công nghệ. Theo đó, đối với các nhà máy xử lý nước quy mô vùng liên tỉnh, công suất lớn cần phải sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu và thân thiện với môi trường; đối với các nhà máy có quy mô nhỏ, ứng dụng công nghệ xử lý nước truyền thống, từng bước cải tiến phù hợp với năng lực quản lý vận hành của đơn vị cấp nước. Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ xử lý nước lợ, nước mặn cấp nước cho vùng hải đảo, khu vực dân cư có nguồn nước bị nhiễm mặn hoặc không có khả năng kết nối với nhà máy nước vùng liên tỉnh.

Không dừng lại ở đó, ĐBSCL còn phải bố trí các trạm bơm tăng áp trên các tuyến ống truyền tải liên tỉnh với khoảng cách trung bình từ 30-40 km, bảo đảm truyền dẫn nước đủ lưu lượng tới các điểm đầu nối với tuyến ống phân phối cấp nước cho đô thị. Bảo đảm khai thác, sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu, ngập lũ, nước biển dâng và xâm nhập mặn. Quản lý và phát triển cấp nước ổn định, bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu các nguồn lực; khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và quản lý vận hành hệ thống cấp nước; khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Nhã Vy

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://www.nguoitieudung.com.vn/tim-giai-phap-cap-nuoc-cho-dong-bang-song-cuu-long-d50305.html