Tiểu thuyết của Ngô Bảo Châu bán chạy nhất Hội sách

Hội sách TP HCM thu 30 tỷ đồng sau một tuần với gần 5 triệu bản sách. Trong đó, ấn phẩm mới của Giáo sư Châu là best-seller. Cạnh tín hiệu vui, nhiều người cũng mong có một sự kiện văn hóa đọc chỉn chu hơn.

Hội sách TP HCM lần bảy, diễn ra ở công viên Lê Văn Tám, TP HCM, bế mạc vào tối 25/3.

Sau 7 ngày hoạt động sôi nổi, sự kiện này đạt doanh thu 30 tỷ đồng, tăng 50% so với năm 2010. Tổng số sách được bán ra là 4,8 triệu bản, tăng 20%. Hơn 850.000 lượt độc giả đến với hội sách, so với năm 2010 có 700.000 lượt người.

Trong một tuần, nhiều hoạt động giao lưu, ký tặng đã đưa sách, tác giả đến gần với bạn đọc. Tại gian hàng của công ty sách Nhã Nam, mỗi ngày có hàng trăm lượt người chen chúc để có được ấn phẩm mới nhất của Giáo sư Ngô Bảo Châu, cuốn Ai và Ky ở xứ sở của những con số tàng hình. Hoặc họ kiên nhẫn chờ đợi để được anh Joe Ruelle, thường được gọi là "Dâu Tây", ký tặng cuốn Ngược chiều vun vút. Được người mua ủng hộ, Nhã Nam thành công về doanh thu khi thu được 1,2 tỷ đồng trong 7 ngày.

Trong khi đó, các đơn vị khác cũng đạt con số ấn tượng: công ty phát hành sách TP HCM (Fahasa) thu 10 tỷ đồng. Công ty sách Phương Nam thu 1,4 tỷ đồng. NXB Trẻ được 1,3 tỷ đồng (tại gian hàng của đơn vị này, có người đã bỏ hơn 10 triệu đồng mua sách trong một ngày), Trí Việt - First News gần 1 tỷ đồng. Tiki.vn, một công ty sách trực tuyến còn mới trên thị trường và ăn mừng "sinh nhật" 2 tuổi tại hội sách cũng thu về 700 triệu đồng. Chỉ bằng việc bán sách và văn phòng phẩm, văn hóa phẩm, những con số thống kê trên được giới xuất bản nhận định là tín hiệu vui, cho thấy văn hóa đọc còn chỗ đứng.

Trong 7 ngày diễn ra, Hội sách luôn đông nghịt người tham quan, mua sách.

Có một thực tế là Sài Gòn không thiếu sách. Cách địa điểm sự kiện này diễn ra vài bước chân, trên chiếu sách vỉa hè, người ta có thể dừng chân để nhanh chóng có ngay một cuốn sách mới toanh, giá giảm. Đó là chưa kể đến hằng hà sa số nhà sách lớn, nhỏ khắp nơi trong thành phố, sẵn sàng cung cấp các ấn bản mới nhất trong và ngoài nước. Thậm chí, chỉ ngồi nhà đăng ký qua mạng trực tuyến đã có một cuốn sách được trao tận tay.

Nhưng qua 7 lần tổ chức, định kỳ 2 năm một lần, độc giả mọi độ tuổi tại TP HCM và các khu vực lân cận đã hình thành thói quen: đi Hội sách. Giữa một đô thị có nhịp sống bận rộn, giải trí nghe, nhìn chiếm ưu thế cao như TP HCM, nhiều người dân dành thời gian ghé qua hội sách suốt một tuần lễ, cực nhọc kiếm được chỗ đỗ xe, chen chúc giữa dòng người trong không khí nóng bức, để được đắm mình trong thế giới của con chữ, để mướt mồ hôi lục tìm ấn phẩm yêu thích giữa ngồn ngộn hàng triệu bản sách, để được chen chân, xếp hàng xin chữ ký hay chụp ảnh, bắt tay với một tác giả mình ái mộ.

Tuy vậy, khi tạm bỏ qua con số doanh thu, bỏ qua cảnh người dân TP HCM ùn ùn đổ về hội sách, nhiều người vẫn chạnh lòng khi sự kiện được xem là ngày hội văn hóa này vẫn còn mang đậm tính "chợ". Và nếu được gọi là Hội chợ sách TP HCM thì có phần chính xác hơn.

Nhiều độc giả chia sẻ cảm giác, đi hội sách giống đi chợ sách nhiều hơn.

Cách mà Hội sách TP HCM diễn ra hiện nay khiến sự kiện này vui, đông mà chưa mang vẻ sang, chỉn chu, nhộn nhịp bề nổi mà chưa có bề sâu.

Qua 7 lần tổ chức, 14 năm diễn ra, cách bố trí trưng bày gian hàng hội sách vẫn không nhiều khác biệt, vẫn như những mảnh "chợ sách nhỏ" ghép lại thành một "khu chợ sách lớn".

Anh Nguyễn Minh Đức, một độc giả và cũng là người trong giới làm sách, chia sẻ, anh có vài dịp đi dự các hội sách ở Đức, ở Manila (Phillippines) hay ở Kuala Lumpur (Malaysia) và thấy buồn khi 14 năm qua, sự kiện cùng tên gọi ở TP HCM chưa nhiều cải tiến.

"Đi hội sách ở nước bạn như ở Manila hay Kuala Lumpur, dù quy mô tổ chức của họ có nhỏ hơn, khi vào khu vực trưng bày sách, độc giả có cảm giác như đi vào nhà sách cực kỳ lớn, mở rộng... một thế giới thật sự chỉ có ta với sách, không có loa đài náo nhiệt inh ỏi nhức tai như ở ngày hội của ta", anh Đức nói.

Còn hội sách tầm cỡ quốc tế như Frankfurt (Đức) thì không chỉ là nơi để bán sách. Những ngày đầu của sự kiện này chỉ dành riêng cho giới chuyên môn, NXB để họ có dịp tìm hiểu nhau, mua bán, trao đổi tác quyền. Đến vài ngày cuối, hội sách mới mở cửa cho công chúng. Cũng là bán sách, nhưng cách thức trưng bày các gian hàng luôn ở thế "thượng tôn sách vở" hơn, khu nào ra khu đấy, gọn gàng và đẹp, đặc trưng.

Trước khi Hội sách TP HCM lần bảy diễn ra, nhiều cuộc giao lưu, tọa đàm trong khuôn khổ sự kiện đã bị ban tổ chức hủy , như: Giao lưu với nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn nhân dịp tái bản dịch phẩm Hiện tượng học tinh thần của G.W.F. Hegel, do công ty sách Thời đại tổ chức, chương trình Sách và chấn hưng giáo dục của dự án Sách Hay tổ chức... Ban đầu có độc giả tiếc, nhưng về sau, có người bảo là may. Bởi nếu được diễn ra, những cuộc gặp mang tính học thuật như thế này có lẽ sẽ lạc lõng khi diễn ra tại các nhà hội thảo quá sơ sài, không cách âm, micro lúc hỏng lúc rè, lạc lõng giữa bốn bề âm thanh của các gian hàng đang đua nhau mở nhạc xập xình, tiếng loa thường trực của ban tổ chức réo vang việc tìm trẻ lạc, tìm tư trang người đi hội bị rơi mất..

Một đại diện NXB nhận xét, Hội sách TP HCM có thể là ngày hội của người đọc chứ còn ngày hội của giới làm sách thì chưa, bởi nó hoàn toàn thiếu những buổi gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau giữa giới xuất bản, thiếu những tạo đàm, giao lưu mang tính học thuật, chiều sâu...

Trước bối cảnh, một thời gian dài thị trường sách trong nước èo uột, sách giả, sách lậu tràn lan, thì Hội sách TP HCM vẫn là dịp đáng trân trọng để kích thích sức mua và sự quan tâm của công chúng. Đây vẫn là sự kiện được giới làm sách mong đợi .

Có đại diện công ty sách còn hy vọng, sự kiện này được tổ chức mỗi năm một lần thay vì hai năm. Bởi, suy nghĩ lạc quan một chút, có là "chợ", mua may bán đắt vẫn tốt hơn là không khí bán sách èo uột.

Nhưng sẽ là gì nếu ngoài những con số ấn tượng từ doanh thu, từ lượt người đến tham quan, hội sách không cải tiến trong khâu tổ chức, để màu sắc đặc trưng của cái gọi là "sự kiện văn hóa đọc" nhạt màu theo năm tháng.

Ở những mùa hội sách trước, có một vị giám đốc NXB, thành viên ban tổ chức, chia sẻ với VnExpress.net về ước mơ nâng Hội sách của TP HCM lên tầm quốc tế và khu vực. Nhưng với những gì mà sự kiện này đã diễn ra trong 14 năm qua, có thể nói, đường đến ước mơ hãy còn xa.

* Ảnh: Độc giả chen chân 7 ngày hội sách

Các cuốn sách bán chạy nhất tại hội sách:

1. Ai và ky ở xứ sở những con số tàng hình. Số lượng: 10.000 cuốn. Tác giả: Ngô Bảo Châu - Nguyễn Phương Văn. Nhà Xuất Bản: Thế Giới.

Cuốn "Ai và Ky" là cuốn sách bán chạy nhất của Hội sách TP HCM lần bảy.

2. Cung đường vàng nắng. Số lượng: 7.000 cuốn. Tác giả: Dương Thụy. NXB: Trẻ.

3. Tôi tài giỏi bạn cũng thế. Số lượng: 5.000 cuốn. Tác giả: Adam Khoo. NXB: Phụ Nữ

4. Hồi ký Tâm "Sida". Số lượng: 5.000 cuốn. Tác giả: Trương Thị Hồng Tâm.
NXB Trẻ và công ty Sáng Tạo Trí Việt.

5. Đắc nhân tâm. Số lượng: 4.000 cuốn. NXB Trẻ.

6. Ngược chiều vun vút. Số lượng: 3.500 cuốn. Tác giả: Joe Ruelle. NXB: Hội Nhà Văn.

7. Lolita. Số lượng: 2.500 cuốn. Tác giả: Vladimir Nabokov - Dương Tường dịch. NXB Hội Nhà Văn.

8. Lá nằm trong lá. Số lượng: 2.500 cuốn. Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh. NXB Trẻ

9. Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ. Số lượng: 2.300 cuốn. Tác giả: Nguyễn Nhật Ánh. NXB Trẻ

10. Những thiên thần trên đường phố. Số lượng: 2.000 cuốn. NXB Thành phố

Bài, ảnh Thoại Hà

Nguồn VnExpress: http://vnexpress.net/gl/van-hoa/2012/03/tieu-thuyet-cua-ngo-bao-chau-ban-chay-nhat-hoi-sach/