Tiểu thương học buôn bán

Trong giai đoạn hiện nay, thời buổi mà các siêu thị bán lẻ lớn nhỏ “phủ sóng” gần như mọi lúc mọi nơi, thì chuyện tiểu thương học buôn bán - dĩ nhiên theo cung cách mới - rất hợp thời và cần thiết.

Chuyện buôn bán lẻ của tiểu thương hiện đại cũng cần kỹ năng kinh doanh và đạo đức kinh doanh của người buôn bán. Nhu cầu học về văn hóa ứng xử, cách thu hút khách hàng, lời chào mời, giới thiệu sản phẩm và cả việc tính tiền, thối tiền cho khách… đều được nhiều tiểu thương quan tâm. Loạt hội thảo “Kỹ năng kinh doanh” do Coca-Cola phối hợp với trường ĐH Kinh tế TP.HCM tổ chức dành cho các tiểu thương trên địa bàn thành phố và các tỉnh lân cận, đã diễn ra một cách thú vị. Nội dung học gồm 3 kỹ năng chính: Kỹ năng bán hàng; Kỹ năng giao tiếp khách hàng; Kỹ năng tài chính - kế toán. Ngoài ra còn có phần trao đổi về vai trò, tránh nhiệm người bán hàng, những kiến thức về quản lý chi phí, cách thức kinh doanh, mối quan hệ với khách hàng… Gần 400 tiểu thương bước vào giảng đường đại học với trình độ học vấn, tuổi tác, hoàn cảnh sinh sống khác nhau nhưng đều cùng một mục đích làm cho việc buôn bán của mình ngày một hiệu quả hơn. Ban đầu, nhiều người chỉ có ý định học theo… phong trào, thậm chí, có những chị dẫn con vào lớp. Thế nhưng, sau một vài ví dụ dẫn dắt của giảng viên trong buổi học, học viên dần nhận ra có nhiều điều bổ ích từ bài giảng của các vị giảng viên, các giáo sư, tiến sĩ trường Đại học kinh tế TP.HCM. Trong một số tiết học, giảng viên và tiểu thương cùng trao đổi, cọ xát với nhau về những kinh nghiệm trên thương trường bán lẻ, quy luật cạnh tranh, cách ứng xử giữa người bán - người mua và cùng đưa ra cách giải quyết thích hợp. Tiểu thương còn được bàn luận về thế mạnh của việc “mua tận gốc bán tận ngọn” nên hàng vừa tươi vừa rẻ; khách thường được chọn lựa, trả giá thoải mái và có thể mua nhanh đi gấp. Tiểu thương cũng được phân tích và giải quyết điểm yếu của việc buôn bán nhỏ lẻ là tâm lý khách sợ bị nói thách, mua hớ, cân thiếu... Thấu hiểu và chế ngự được nhược điểm, phát huy ưu điểm cũng có nghĩa là nâng cao tính cạnh tranh của tiểu thương, bởi lẽ về lâu dài việc buôn bán nhỏ lẻ vẫn còn tồn tại do sự thuận tiện, hợp thị hiếu với nhiều bà nội trợ mà các kênh phân phối khác khó sánh kịp. Chị Huỳnh Thị Ngoãn - tiểu thương tham dự lớp ngày 13.11 chia sẻ: “Xã hội ta ngày một văn minh, lịch sự, nhưng một số tiểu thương vẫn còn tùy tiện xài những lời ăn tiếng nói chưa được hay lắm với khách hàng, nhất là lúc mua bán mở hàng. Bản thân tôi đôi lúc vẫn vướng phải. Khi theo học lớp này, tôi nhận thấy mình cần thay đổi nhiều mới mong buôn bán khá hơn được”. Anh Lê Công Chánh, tiểu thương quận Phú Nhuận cho rằng suốt khóa học, điều làm anh tâm đắc, ấn tượng nhất chính là kỹ năng đối xử với khách hàng, đó là cách thức làm sao để khách hàng tin tưởng và cảm thấy được tôn trọng hơn. Anh tâm sự: “Trước đây, với người mua, cuộc trao đổi chỉ đơn giản là mua - bán, tôi thấy mình chưa chăm sóc chu đáo và tìm hiểu kỹ nhu cầu của khách hàng. Sau các buổi học này tôi đã nhận ra điều đó”. Thời nay, việc trang bị kiến thức buôn bán văn minh - lịch sự - hiệu quả cho tiểu thương không phải chỉ cần thiết cho tiểu thương mà còn là lợi ích chung của cộng đồng xã hội. (Anh Bùi) THÔNG TIN DỊCH VỤ

Nguồn Thanh Niên: http://www.thanhnien.com.vn/news/pages/201047/20101119181031.aspx