Tiểu thương chợ Hà Tĩnh bãi thương phản đối chuyển đổi mô hình quản lý

Trong các 26, 27 và 28-11, toàn bộ các hộ kinh doanh trong đình chợ TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh đã đồng loạt đóng quầy bãi thương nhằm phản đối việc Ban quản lý chợ chuẩn bị chấm dứt hợp đồng để thực hiện xã hội hóa xây dựng chợ.

Thực hiện kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác chợ TP Hà Tĩnh cùng với các chợ khác trên địa bàn tỉnh đã được tỉnh phê duyệt từ tháng 8-2014. Theo kế hoạch, đến quý III-2015 sẽ hoàn thành quá trình chuyển đổi chợ TP Hà Tĩnh theo hướng xã hội hóa đầu tư. Tuy nhiên, từ đó đến nay, công tác tuyên truyền, vận động về cơ chế chính sách, chủ trương của nhà nước đến tận hộ kinh doanh của các cấp vẫn chưa được coi trọng.

Hệ quả, ngày 24-11, khi Ban quản lý chợ thông báo việc gia hạn hợp đồng đối với 860 hộ/1.000 chủ quầy hết thời hạn hợp đồng thuê ki-ốt kinh doanh vào cuối tháng 11-2016. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh đã không nhất trí chủ trương gia hạn hợp đồng ngắn hạn và phản đối chủ trương xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ theo mô hình mới. Do đó, các tiểu thương đã tổ chức bãi thương để phản đối việc thực hiện xã hội hóa xây dựng chợ.

Theo ông Trương Quang Dương - Tiểu thương kinh doanh tại chợ Hà Tĩnh, bản thân các tiểu thương luôn luôn chấp hành các chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước. Tuy nhiên, trước khi làm việc gì thì trước hết phải họp dân và nói rõ quan điểm với dân, chứ không phải tự nhiên lại bùng phát lên chuyện bán chợ. “Vì sự thiếu thống nhất mà cả mấy ngày nay chợ đóng cửa thất thu không biết bao nhiêu mà kể” - ông Dương cho biết.

Theo tìm hiểu, các hộ kinh doanh tại đây cho rằng, cách đây 15 năm, sau khi cháy chợ, tiểu thương được UBND TP Hà Tĩnh và Ban quản lý chợ thời kỳ đó bán quầy ốt với thời hạn trả tiền xây dựng trong vòng 15 năm. Và, quyền sở hữu quầy ốt của các hộ kinh doanh là lâu dài. Vì vậy, sau khi hết thời gian trả tiền xây dựng (tháng 11-2016), quầy ốt thuộc sử hữu của họ và tiểu thương chỉ phải đóng phí, thuế để kinh doanh lâu dài. Tuy nhiên, trên thực tế, hợp đồng mà Ban quản lý Chợ thị xã Hà Tĩnh (nay là TP Hà Tĩnh) đã ký với hộ kinh doanh là hợp đồng thuê quầy, ki-ốt kinh doanh có thời hạn. Số tiền mà bà con đóng nộp trong 15 năm là tiền thuê quầy để kinh doanh chứ không phải nhà nước bán hẳn.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Tĩnh Lê Quang Đức: Quá trình chấp hành chủ trương của Đảng, nhà nước về chuyển đổi mô hình quản lý chợ phải có bước đi thích hợp. Khi tìm được phương án tối ưu sẽ xin ý kiến của bà con nhân dân, tiểu thương để người dân trực tiếp góp ý vào phương án đó. Thành phố mong muốn bà con chấp hành chủ trương của trên vì thực tế các chợ sau khi chuyển đổi thì hoạt động hiệu quả hơn, khang trang hơn, đảm bảo mỹ quan đô thị hơn. Khi có sự đồng thuận thì bà con tiểu thương ở chợ là những người được ưu tiên số 1 về việc lựa chọn các ki-ốt, lĩnh vực kinh doanh để buôn bán bằng các phương án công khai.

Thiết nghĩ, chủ trương chuyển đổi mô hình chợ là đúng, được thống nhất thực hiện từ Trung ương đến địa phương. Chợ thành phố Hà Tĩnh cũng nằm trong lộ trình đó. Tuy nhiên, Ban quản lý chợ Hà Tĩnh chưa thực hiện tốt khâu tuyên truyền, xây dựng kế hoạch, để người dân hiểu được mục đích, ý nghĩa và quyền lợi khi thực hiện chủ trương, khiến đa phần hộ kinh doanh thiếu thông tin, dẫn đến dễ bị phần tử xấu lợi dụng, kích động và xảy ra hành vi tự phát trong thời gian qua. Do đó, TP Hà Tĩnh cần ưu tiên, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, đồng thời xây dựng phương án chuyển đổi một cách căn cơ, không áp đặt, lấy ý kiến của hộ kinh doanh trước khi hoàn thiện trình cấp thẩm quyền trên cơ sở tuân thủ quy chế dân chủ cơ sở.

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31397202-tieu-thuong-cho-ha-tinh-bai-thuong-phan-doi-chuyen-doi-mo-hinh-quan-ly.html