Tiểu đoàn 307 qua lịch sử một bài hát nổi tiếng

Bài hát Tiểu đoàn 307, mà trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân dân Nam Bộ đã đặt ra để ca cợi bộ đội cách mạng của mình, bộ đội Cụ Hồ đến nay đã gần 40 năm. Trải qua cuộc kháng chiến lâu dài chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, dẫn đến thắng lợi lịch sử vẻ vang, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc song bài hát Tiểu đoàn 307 vẫn còn vang vọng với non sông.

Đồng chí Đỗ Huy Rừa - Chỉ huy trưởng đầu tiên của Tiểu đoàn 307.

Lời tòa soạn: Tiểu đoàn 307 có lẽ là một trong những Tiểu đoàn nổi tiếng nhất của lịch sử quân sự Việt Nam . Đây cũng là Tiểu đoàn đặc biệt vì đó là Tiểu đoàn lưu động, có địa bàn rộng khắp miền Nam, uy danh lừng lẫy thời kháng chiến chống Pháp “đánh đâu được đấy”, và thời kháng chiến chống Mỹ “oai hùng biết mấy”. Tiểu đoàn 307 không chỉ nổi tiếng bởi những chiến công anh hùng của mình, mà còn bởi nó được nhiều người biết đến nhất qua ca khúc cùng tên rất dễ thuộc dễ nhớ và cũng rất hùng tráng của nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc từ thơ Nguyễn Bính. Trong không khí nhứng ngày kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và hướng tới kỷ niệm Quốc khánh 29, Cảnh sát toàn cầu xin được trích đăng lại bài viết của cố Trung tướng Nguyễn Văn Tiên – nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 307 về một Tiểu đoàn uy danh lừng lẫy và cũng rất đỗi hào hoa này.

Ai đã từng đi qua sông Cửu Long Giang
Cửu Long Giang sóng trào nước xoáy
Ai đã từng nghe tiếng tiểu đoàn
Tiếng tiểu đoàn ba trăm lẻ bảy
....

Bài hát Tiểu đoàn 307, mà trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, nhân dân Nam Bộ đã đặt ra để ca cợi bộ đội cách mạng của mình, bộ đội Cụ Hồ đến nay đã gần 40 năm. Trải qua cuộc kháng chiến lâu dài chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc ta, dẫn đến thắng lợi lịch sử vẻ vang, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc song bài hát Tiểu đoàn 307 vẫn còn vang vọng với non sông. Bộ đội hát, nhân dân hát và mỗi khi hát lên, nhất là lúc nghệ sĩ nhân dân Quốc Hương lúc còn sống đã hát thì sôi nổi, giục giã lòng người, gợi lại biết bao hùng khí chiến đấu quên mình vì sự nghiệp giải phóng đất nước của nhân dân Nam Bộ.

Bài hát được viết bằng máu chiến sĩ và tình thương của nhân dân

Bài hát ra đời sau khi Tiểu đoàn 307 mới thành lập được 1 năm. Trong đó với hai chiến công vang dội ở Mộc Hóa, tỉnh Tân An và ở La Bang tỉnh Trà Vinh. Mỗi trận diệt một tiểu đoàn địch, đã làm quân thù khiếp đảm, nhân dân mến yêu. Tinh thần chiến đấu dũng cảm tuyệt vời, và tình yêu thương kính trọng, bảo vệ, giúp đỡ nhân dân của cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn 307 đã nhanh chóng chiếm được tình cảm thân thương của nhân dân trong các vùng Tiểu đoàn 307 đã đi qua và hoạt động. Bà con kể nhiều về người tốt, việc tốt của bộ đội mình một cách say sưa, trìu mến. Nhà thơ Nguyễn Bính lúc đó về công tác ở vùng Tiểu đoàn hoạt động, dựa vào những điều lưu truyền trong nhân dân mà làm thành thơ. Sau đó, nhạc sỹ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc bài Tiểu đoàn 307. Bài hát được giải thưởng âm nhạc văn nghệ Cửu Long năm 1952.

Bài ca ra đời lúc nào, Tiểu đoàn không hay, song khi các đồng chí cán bộ chính trị ghi được đem về, lúc đó Tiểu đoàn đang đóng ở bờ sông Nhị Mỹ, huyện Cao Lãnh, tỉnh Long Châu Sa, thì lập tức được phổ biến trong đơn vị và lan khắp vùng đóng quân. Từ đó lời ca hùng tráng vang lên trong xóm làng, khi đơn vị sinh hoạt tập trung, khi bộ đội chung vui với nhân dân, và âm vang trên cả các dòng sông, kinh rạch khi Tiểu đoàn xuất quân đi chiến đấu và cả khi chiến thắng trở về.

Bài hát Tiểu đoàn 307, sống mãi với nhân dân ta, có phần vì lời ca hùng tráng, hiện thực, thể hiện khí phách anh hùng của người chiến sĩ cách mạng mà nhân dân ta ưa thích. Song điều chính yếu là do trong những năm kháng chiến chống Pháp, từ khu 8 lên khu 7, xuống khu 9, hoạt động ở hầu hết các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Tiểu đoàn 307 vừa là đội quân chiến đấu lập nên nhiều chiến công vang dội “đánh đâu được đấy” vừa là đội quân công tác tuyên truyền vận động nhân dân kháng chiến và làm mọi việc vì nhân dân, chiến đấu gắn liền với tăng gia sản xuất, tự túc tự cường, theo đúng lời Bác Hồ dạy. Cho nên tuy hoạt động ở miền tận cùng ở phía Nam của Tổ quốc, xa Việt Bắc nơi có Bác Hồ kính yêu, song Tiểu đoàn 307 vẫn mang đầy đủ bản chất của bộ đội nhân dân, bộ đội Cụ Hồ.

Tiểu đoàn 307 được nhân dân vùng đồng bằng sông Cửu Long yêu thương, đùm bọc, thực sự coi đó là bộ đội của mình. Chẳng những bà con cho ở, cho ăn, giúp đỡ, chỉ bảo mọi bề mà còn cử con em của mình theo Tiểu đoàn đi đánh giặc. Nhờ vậy mà đội ngũ Tiểu đoàn bao giờ cũng hùng hậu, quân số lúc nào cũng khoảng 1.200 người. Thậm chí có những em tuổi nhỏ cũng trốn gia đình theo Tiểu đoàn, thuyết phục cách gì cũng không chịu trở về nhà, Tiểu đoàn phải cử người đưa về giao lại cho cha mẹ.

Lòng dân là sức mạnh phi thường. Tiểu đoàn 307 được dân thương yêu đùm bọc cổ vũ động viên, lại được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng ủy Quân khu, của Trung ương Cục Miền Nam, đó là nguồn gốc tạo nên bản chất cách mạng, khí phách anh hùng và sức mạnh chiến thắng vẻ vang của Tiểu đoàn. Hình ảnh của Tiểu đoàn qua thực tế và qua bài hát Tiểu đoàn 307 đã in sâu vào tâm não của người dân qua nhiều thế hệ. Nhớ Tiểu đoàn bà con hát bài 307, nghe bài hát 307 bà con lại nhớ Tiểu đoàn. Bài hát Tiểu đoàn 307 được viết bằng máu chiến sĩ và tình thương của nhân dân đối với Tiểu đoàn. Không khí chiến đấu sục sôi cách mạng đã tạo nên cảm hứng cho thơ ca, và thơ ca khi đã thành nhạc càng có sức mạnh cổ vũ cho chiến đấu, sức sống của bài hát Tiểu đoàn 307 là ở chỗ đó.

Một tiểu đội của tiểu đoàn 307. (Ảnh tư liệu trích từ phim của ban Điện ảnh Khu 8).

Ngày nay nghe bài hát Tiểu đoàn 307, những người lớn tuổi đã trải qua cuộc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ không khỏi nhớ đến, lòng đầy tự hào về một đơn vị của quân đội nhân dân ta đã từng lập nhiều chiến công, được nhân dân mến yêu, quân thù khiếp sợ. Còn các bạn trẻ nghe bài hát hào hùng, cũng muốn hiểu biết thêm về truyền thống hào hùng của Tiểu đoàn 307.

Sự hình thành và ra đời của Tiểu đoàn 307 anh hùng

Năm 1945, thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Đến hết năm 1946, chúng chiếm đóng hầu hết các vùng ở Nam Bộ. Chúng buộc phải dàn quân ra, đóng đồn, chiếm đất hòng bình định và thôn tính lâu dài nước ta.

Lực lượng vũ trang cách mạng ở đồng bằng sông Cửu Long lúc đầu còn ít, vũ khí thô sơ song với chủ trương cướp súng địch để đánh địch nên bộ đội cách mạng ngày một phát triển. Từ tiểu đội du kích trở thành đại đội địa phương. Do lực lượng buộc phải dàn mỏng, mỗi lần địch ra ngoài đồn bốt hoạt động, thường là tiểu đội, trung đội nên luôn bị đại đội địa phương kết hợp với dân quân ta tiêu diệt.

Phong trào nhân dân chiến tranh, cuối những năm 1946 – 1947 phát triển mạnh khắp nơi ở đồng bằng Nam Bộ. Có tỉnh lúc đầu có một, hai đại đội thì đến lúc ấy phát triển lên thành bốn, năm đại đội, dẫn đến thành lập các chi đội, sau đổi thành Trung đoàn. Như ở tỉnh Tân An có chi đội 14, sau đổi thành Trung đoàn 120. Mỹ Tho có chi đội 17 sau đổi thành trung đoàn 105. Sa Đéc phía Đồng Tháp Mười có chi đội 18 sau đổi thành Trung đoàn 115. Ở Bến Tre có chi đội 19 sau đổi thành trung đoàn 99, ở Trà Vinh – Vĩnh Long có chi đoàn 20 sau đổi thành trung đoàn 111, ở Sa Đéc phía bên kia sông Tiền có chi đội Trần Phú ở Thái Lan về sau đổi thành trung đoàn 109, ở Gò Công có Tiểu đoàn 305.

Bộ chỉ huy khu 8 được thành lập do đồng chí Trần Văn Trà làm khu trưởng và đồng chí Nguyễn Văn Vịnh làm chính ủy, chỉ huy các trung đoàn nói trên.

Tuy gọi là Trung đoàn nhưng thực tế chủ yếu là từng đại đội hoạt động độc lập trong vùng 2 – 3 huyện. Hình thức hoạt động đại đội kết hợp với dân quân đem lại kết quả chiến đấu rất tốt. Ở tỉnh nào cũng có những trận đánh tiêu diệt từng đại đội của địch bằng hình thức phục kích, tập kích bất ngờ trên đường giao thông hoặc khi địch ra càn quét xung quanh đồn, vận động binh lính địch làm nội ứng đưa bộ đội ta vào tiêu diệt cả đồn. Các bốt nhỏ thường không dám ra ngoài vì luôn bị dân quân ta bao vây, bắn tỉa. Ta gây cho địch nhiều tổn thất về lực lượng, sa sút về tinh thần.

Trước tình hình đó, để đối phó lại với hoạt động của ta, năm 1948, địch một mặt rút bỏ các đồn bốt nhỏ, nhất là ở những vùng hẻo lánh, giao thông bất tiện, gom lại thành cứ điểm, đồn lớn. Mặt khác chúng dành quân tổ chức lực lượng cơ động, cỡ tiểu đoàn để đi chi viện cho các đồn bốt khi bị quân ta tấn công. Tất nhiên khi thực hiện kế hoạch này, địch đỡ bị quân ta tấn công tiêu diệt do lực lượng dàn mỏng song không thể nào thoát khỏi mâu thuẫn cơ bản là dồn quân tập trung thành cứ điểm lớn thì phải bỏ đất, không kiềm chế được nhân dân. Vùng du kích và vùng căn cứ cách mạng được mở rộng. Tuy nhiên, địch đóng quân tập trung, thì khi ra ngoài hoạt động cỡ đại đội hoặc hơn, khi bị đánh thường đi đi tiếp viện cỡ tiểu đoàn, cho nên hoạt động của các đại đội biệt lập của ta có phần khó khăn.

NSND Quốc Hương - người thể hiện thành công nhất bài hát Tiểu đoàn 307.

Để có khả năng tiêu diệt đại đội và tiểu đoàn của địch, đòi hỏi lực lượng vũ trang cách mạng của ta phải được tổ chức tập trung cao hơn, cỡ tiểu đoàn. Nhưng lúc độ bộ đội cách mạng ở các tỉnh còn ít, dân quân chưa đủ mạnh, nếu tập trung lực lượng thành tiểu đoàn địa phương ở các tỉnh thì nhiều địa phương trong địa bàn của tỉnh phải bỏ trống, không đủ sức kiềm chế, tiêu hao, tiêu diệt địch bảo vệ nhân dân. Vì vậy để có một lực lượng tập trung mạnh, hình thành quả đấm cư động đi chiến đấu trong khắp chiến trường quân khu 8, phối hợp với hoạt động của các đại đội độc lập, Bộ chỉ huy khu 8 quyết định thành lập tiểu đoàn trực thuộc Bộ chỉ huy khu, lấy tên là Tiểu đoàn liên quân cơ động. Liên quân, vì thành phần của Tiểu đoàn gồm lực lượng của các trung đoàn cả về mặt nhân lực và vũ khí. Còn lưu động, vì Tiểu đoàn có nhiệm vụ tác chiến cơ động trên khắp địa bàn khu.

Lúc đầu chưa gọi là Bộ đội chủ lực, đến ngày 22/12/1948, trong nghị quyết hội nghị quân sự khu 8 mới xác định nhiệm vụ và tính chất bộ đội chủ lực: “Bộ đội chủ lực là bộ đội được chọn lọc về thành phần, tập trung cán bộ và vũ khí, được huấn luyện đầy đủ về kỹ thuật, chiến thuật tác chiến”.

Tóm lại, đây là một đội ngũ mạnh, chiến đấu có quy củ, trang bị theo nhu cầu. Là bộ đội trụ cột trong khu vực, phối hợp với bộ đội địa phương và du kích có có nhiệm vụ tiêu diệt địch, bồi dưỡng, dìu dắt bộ đội địa phương và du kích phát triển mọi mặt. Bộ đội chủ lực có tính chất đặc biệt là không bận bịu trong vấn đề bảo vệ địa phương mà trái lại nó phải luôn luôn sẵn sàng tập trung sức mạnh nhằm vào chỗ yếu của địch để tiêu diệt địch. Nó luôn có chương trình hoạt động của nó và luôn có ý thức tìm địch để đánh.

Đây là lần đầu tiên khu 8 thành lập bộ đội chủ lực, rút quân từ các đơn vị địa phương lên. Địa điểm tập trung quân là hai bên bờ kinh xáng Nguyễn Văn Tiếp, từ Thiên Hộ lên đến Đốc Binh Kiều, một vùng căn cứ kháng chiến của Đồng Tháp Mười có dân cư đông đúc. Đây là lần đầu tiên nên nhân dân trong vùng vô cùng phấn khởi khi nhìn thấy bộ đội cách mạng người đông, súng nhiều hơn bao giờ hết. Sau khi khẩn trương tiến hành công tác tổ chức do đồng chí Nguyễn Chánh, Tham mưu trưởng khu 8 phụ trách, Tiểu đoàn hình thành 3 đại đội 931, 932 và 933 và Tiểu đoàn Bộ ban tác chiến, ban chính trị, ban quản trị (hậu cần). Sau này mới tổ chức thêm đại đội trợ chiến , đại đội trinh sát đặc công và đại đội bổ sung (huấn luyện tân binh).

Vì là quân “tứ xứ” hợp lại, mỗi địa phương một cách đánh, kỹ thuật, tác phong không giống nhau. Để có sức mạnh chiến đấu, Bộ chỉ huy quân khu 8 chủ trương cho tiểu đoàn huấn luyện ba tháng nhằm thống nhất về mặt ý chí, thống nhất về động tác chiến đấu cơ bản, về cách đánh, thống nhất về xây dựng kỷ luật, tư thế, tác phong của một đơn vị bộ đội chủ lực. Tiểu đoàn khẩn trương tổ chức vượt sông Tiền về vùng Thạnh Phú, Mỏ Cày tỉnh Bến Tre, nơi đất giồng cao ráo để huấn luyện. Riêng Đại đội 932 được giao cho Trường Quân chính khu 8 huấn luyện tại xã Tập Ngãi, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh.

Sau khi huấn luyện xong, toàn Tiểu đoàn tập trung về vùng giải phóng Giồng Luông thuộc xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú, tỉnh Bến Tre để tổ chức lễ xuất quân. Buổi lễ được tổ chức trang trọng dưới sự chủ trì của Khu trưởng khu 8 Nguyễn Văn Quạn. Nhân dân trong huyện từ các nơi kéo về rất đông, cờ băng đỏ rợp. Tiểu đoàn “Liên quân lưu động” đội ngũ chỉnh tề dưới sự chỉ huy của Tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa, Chính trị viên Hồng Long và Tiểu đoàn phó Nguyễn Văn Sỹ, trang nghiêm lắng nghe mệnh lệnh của Bộ chỉ huy khu giao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn do Tham mưu trưởng khu đọc và những lời căn dặn, động viên của đại diện ủy ban kháng chiến, đại diện các đoàn thể trong tỉnh.

Tiểu đoàn trưởng Đỗ Huy Rừa thay mặt cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn, hứa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Bộ chỉ huy khu giao và những lời căn dặn của chính quyền và đoàn thể. Tiểu đoàn trưởng vừa dứt lời, hai tiếng “quyết tâm” được toàn tiểu đoàn hô lên vang dội. Hình ảnh này đã được tái hiện lại trong bài hát “Tiểu đoàn 307” do Trần Hữu Trí phổ nhạc, lời thơ Nguyễn Bính:

Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy,
Cả tiểu đoàn thề dưới sao vàng,
Người chiến sĩ tiếc gì máu rơi.
Buổi xuất quân tiểu đoàn năm ấy
Nguyện một lòng gìn giữ non sông.

Sau đó Tiểu đoàn “chân đất đầu trần” hùng dũng tiến qua lễ đài, giữa tiếng nhiệt liệt hoan hô của đồng bào. Đó là ngày 5/7/1948, ngày xuất quân cũng là ngày thành lập Tiểu đoàn liên quân lưu động khu 8. Mấy tháng sau, vì thấy tên Tiểu đoàn dài, và dễ lộ bí mật nên Bộ chỉ huy khu 8 quyết định đổi tên Tiểu đoàn liên quân lưu động thành Tiểu đoàn 307, nối tiếp theo phiên hiệu 305 của Tiểu đoàn địa phương tỉnh Gò Công được thành lập trước đây.

Sự ra đời của Tiểu đoàn 307, tiểu đoàn chủ lực đầu tiên của khu 8 thể hiện chủ trương đúng đắn của Bộ chỉ huy khu 8, đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang trong khu, và từ đó mở đầu những trận đánh tiêu diệt lực lượng địch lớn hơn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Từ ngày ra đời cho đến lúc đình chiến năm 1954, tập kết ra Bắc, cuộc sống và hoạt động của Tiểu đoàn 307 là liên tục hành quân và chiến đấu. Khu 8 gồm các tỉnh nằm hai bên bờ sông Tiền, Tiểu đoàn có mặt ở hầu hết các địa phương như Tân An, Mỹ Tho, Long Châu Sa, Đồng Tháp bên phía hữu ngạn cho tới Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre phía tả ngạn. Thường không đóng quân ở một địa điểm nào lâu quá ba ngày, đề phòng pháo binh và máy bay địch tập kích, và đồng thời giữ bí mật cho hoạt động của Tiểu đoàn, trừ mỗi năm dừng lại một vùng căn cứ kháng chiến nào đó, luyện quân độ một tháng.

Đời bộ đội kháng chiến chống Pháp gian khổ, thiếu ăn, thiếu mặc nhưng có lẽ cực nhất là hành quân bộ. Mùa khô đỡ hơn mùa mưa nhưng đi đêm ở vùng Đồng Tháp Mười, ngại nhất là lọt xuống ao chứa đặt cá, nước đen ngòm của đồng bào, và vũng trâu nằm chống muỗi. Trên mặt vũng khô trắng, nứt nẻ nhưng bước vào thì sụp bùn, lún tới cổ. Sơ sẩy có chiến sĩ nào sa chân thì đồng đội phải lấy súng hoặc sào kéo lên rồi đưa ra sông tắm, có khi cả giờ chưa hết mùi hôi thối. Mùa mưa đường đất trơn trượt, cầu khỉ cheo leo, không đường phải lội băng đồng, lau sậy sình lầy, bưng nước tới ngực.

Hành quân bao giờ cũng đi đêm, nửa đêm mới tới nơi đóng quân là chuyện thường. Những cuộc hành quân xa thì suốt đêm. Từ kênh Nguyễn Văn Tiếp đi qua kênh Dương Văn Dương, từ kênh Gãy Cờ Đen sang kênh Vàm Cỏ Tây, đều là những đêm thức trắng, lội nước băng sình, cả khi Tiểu đoàn hành quân đánh trận Mộc Hóa hay khi vác gạo tiếp tế cho miền Đông.

Má ơi, bộ đội của mình
Đánh tây cũng giỏi, lội sình cũng hay

Đó là câu vè các em ở ven kênh đặt ra để ca ngợi bộ đội ta. Cực mà vui,, cái vui đi tìm quân thù mà đánh, cái vui được biết các miền quê của đất nước, nơi mà tình thương của các mẹ, các chị, của nhân dân tràn đầy với người vệ quốc quân

Nguồn CAND: http://cstc.cand.com.vn/vi-vn/phongsu-ghichep/phongsu/2012/10/184037.cand